Vẫn nặng tư duy 'công lập' trong giáo dục phổ thông

Đọc tin 'TPHCM dự kiến hơn 13.000 học sinh bỏ thi lớp 10' trên một tờ báo, tôi không bất ngờ cách giật tít báo về chuyện học sinh bỏ thi, chỉ là thông qua bản tin có thể nhận thấy tồn tại một tư duy 'công lập' trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, thể hiện rõ nhất là vào mỗi mùa thi.

Hai năm trước, con trai tôi học lớp 9 ở một trường tư thục và gia đình thấy cháu phù hợp với ngôi trường này nên có ý muốn cho cháu học tiếp lên lớp 10 ở trường mà không phải đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Thế nhưng, cháu mang hồ sơ về nhà và tôi phải lọ mọ đăng ký cho cháu thi vào trường công lập, nào là nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, rồi trường công ấy phải xa không quá bao nhiêu cây số tính từ nhà tôi…, mọi thứ khá rối.

Cuối cùng tôi cũng phải đưa con mình đi thi vào lớp 10 công lập dù biết rằng đó là thi ảo, thi cho có, lòng vẫn cứ lăn tăn, nghĩ ngợi mãi.

“Học sinh lớp 9 bỏ thi vào lớp 10” là cụm từ mà ai tìm kiếm trên mạng Google sẽ cho ra hàng trăm, hàng ngàn kết quả. Nghe có vẻ không ổn khi nhiều quan chức ngành giáo dục cứ gần tới mùa thi thường có những phát biểu trên báo khiến có thể người dân suy đoán việc bỏ thi vào lớp 10 là điều gì đó bất an về mặt xã hội. Trong khi đó, bản chất của câu chuyện là học sinh lớp 9 không chọn thi vào lớp 10 công lập, nói thẳng ra là vậy.

Theo thống kê của ngành giáo dục thì “học sinh bỏ thi vào lớp 10” trong ba niên khóa gần đây là 14.577, 14.012, 15.665 em và niên khóa này dự kiến 13.410 em. Việc học sinh lớp 9 sau tốt nghiệp “không thi vào lớp 10” thì chính ngành giáo dục cũng công nhận là các em sẽ học trường tư thục, đi du học, học nghề…, và người viết cho rằng đó là điều tốt của ngành giáo dục. Bởi, lượng học sinh lớp 9 “không thi vào lớp 10” (một cách nói khá phổ biến) ngày một tăng thì mới thể hiện sự đúng hướng trong quá trình vận động, kêu gọi xã hội hóa, nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào giáo dục.

Dường như có sự nghịch lý trong các phát biểu của một số nhà quản lý giáo dục. Một mặt kêu gọi xã hội hóa, nhiều thành phần đầu tư vào giáo dục, nhưng mặt khác lại có vẻ lo ngại khi học sinh, phụ huynh bắt đầu bớt quan tâm tới trường công lập.

Điều mà không ít người cảm thấy khó hiểu là ngành giáo dục bao năm qua thường lấy trường công lập ra làm “thước đo”, từ quá tải, thi cử, thậm chí làm người dân phát hoảng khi nói “bỏ thi vào lớp 10”, mà thật ra là không đăng ký thi vào công lập… Trong khi đề án này, chương trình nọ luôn kêu gọi xã hội hóa nhưng các sở giáo dục thì lại đang làm công việc như một “cơ quan chủ quản” các trường công lập hơn là thực hiện vai trò quản lý ngành.

Có lẽ không nên quá đặt nặng tư duy “công lập” trong lĩnh vực giáo dục như hiện nay.

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-nang-tu-duy-cong-lap-trong-giao-duc-pho-thong/