Vận tải ôtô chưa tăng giá : Giữ được bao lâu ?

Mặc dù, ngành xăng dầu vừa có 2 đợt tăng giá liên tiếp vào ngày 14/1 và 21/2/2010 nhưng Hiệp hội Vận tải Ôtô VN khuyến cáo các DN giữ ổn định giá cước, góp phần ổn định giá cả thị trường trong nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước tình hình các ngành sản xuất khác đều tăng giá, ngành vẫn tải ô tô giữ giá được bao lâu ?

PV báo DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô VN về vấn đề này. - Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng lên theo giá dầu thế giới. Ngành vận tải ôtô VN đã phải “chống chọi” thế nào với sự biến động này, thưa ông ? Do sự biến động của giá dầu thô trên thế giới, giá xăng dầu trong nước thời gian vừa qua đã liên tục được điều chỉnh tăng theo. Năm 2009, xăng đã có 8 lần tăng giá tổng cộng tăng 48,2% so với giá xăng 2008. Dầu cũng có 6 lần tăng giá với 44% tăng thêm so với 2008. Tuy nhiên, ngành vận tải ôtô VN cũng chỉ tăng giá cước 2 lần trong năm 2009. Đây là một cố gắng rất lớn của ngành. Sang đầu năm 2010, giá xăng, dầu đã tăng 2 lần. Lần 1 vào ngày 14/1, xăng tăng 450 đồng/lit, dầu diesel tăng 300 đồng một lít, dầu hỏa tăng 300 đồng và dầu mazut tăng 300-400 đồng mỗi kg, tùy loại. Lần 2 vào ngày 21/2, xăng tăng 590 đồng/lit. Như vậy, DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là DN taxi, vì đây là phương tiện chạy bằng xăng. Tính tổng cộng 2 đợt tăng giá xăng là 1.040 đồng/lít, tương đương tăng 6,5%. Việc tăng giá như vậy khiến chi phí vận tải taxi tăng xấp xỉ 2,5%. Nhìn chung, toàn ngành vận tải ôtô đều phải tăng chi phí do tăng giá xăng, dầu là điều dễ dàng nhìn thấy. Nhưng Hiệp hội vẫn khuyến cáo các DN thành viên cố gắng bình ổn giá. Chỉ khi nào, giá xăng, dầu tăng trên 10% mới điều chỉnh tăng giá cước. Đây là việc làm vừa ổn định tình hình kinh doanh - giữ uy tín với khách hàng, vừa hưởng ứng tinh thần của Chính phủ về bình ổn giá cả - ổn định thị trường. - Như vậy là ngành vận tải ôtô đã phải chịu thiệt về mình, mà kinh doanh thì lợi nhuận vẫn là điều đầu tiên DN phải tính đến, thưa ông ? Ngành vận tải sẽ giữ giá được bao lâu khi các mặt hàng khác đều tăng giá? Đúng là kinh doanh thì điều đầu tiên phải nghĩ đến lợi nhuận. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn chung, DN cũng nên chung tay với Chính phủ. DN của ngành nào cũng đặt lợi ích cục bộ của ngành đó lên trên hết thì rất đáng trách. Ngành vận tải ôtô về cơ bản hoạt động theo cơ chế thị trường, trừ một số hỗ trợ cho xe bus. Chúng tôi chỉ còn một số băn khoăn nếu ngành xăng dầu có chuyện độc quyền thì sao ? Chúng tôi rất muốn ngành xăng dầu phải giải thích thỏa đáng chuyện vì sao khi giá dầu thế giới ở mức 140 USD/thùng thì xăng bán giá 19.000 đồng/lít (năm 2008). Còn nay, giá dầu chỉ khoảng 80 USD thùng thì giá xăng vẫn bán xấp xỉ 17.000 đồng/lít. Việc để một DN như TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) chiếm tới 60% thị phần là độc quyền. Chính vì vậy, Chính phủ càng sớm xóa bỏ độc quyền thì người dân và DN càng cảm thấy yên tâm hơn. Các cụ nhà ta có câu “không sợ đói, không sợ khổ – chỉ sợ không công bằng”. Độc quyền rất dễ dẫn đến không công bằng. - Vậy theo ông, nên làm gì để bù lại phần thiệt thòi của các DN vận tải ôtô ? Câu trả lời đã được Chính phủ đưa ra trong thời gian gần đây. Đó chính là cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đang triển khai cũng là một động lực vô cùng quan trọng trong việc cắt giảm chi phí đối với ngành vận tải ôtô. Đơn cử như việc dán phù hiệu taxi. Cơ quan quản lý đừng biến nó thành một loại giấy phép con đối với DN. Thời gian cấp phù hiệu taxi 6 tháng/lần là hơi ngắn. Mỗi lần cấp lại mất rất nhiều thời gian và chi phí. Gần đây, lại có chuyện không cấp phù hiệu vì khống chế số lượng xe trong thành phố. Cả nước hiện có khoảng 30.000 xe taxi. TP Hà Nội trên 10.000 xe, TP HCM trên 12.000 xe. Dịp Tết Nguyên đán thiếu xe taxi trầm trọng. Các cơ quan quản lý không đưa ra văn bản chính thức nhưng vẫn khống chế lượng xe một cách lượng tính. Điều này dẫn đến nhiều tiêu cực. Chúng tôi đề nghị cần có một đề án được nghiên cứu cụ thể và khoa học đối với vấn đề số lượng taxi tại các thành phố, khu đô thị. Nói tóm lại, muốn cắt giảm chi phí của DN vận tải ôtô phụ thuộc rất lớn vào việc cắt giảm thủ tục hành chính và các cơ quan vận hành thủ tục đó. - Theo ông, còn cần những giải pháp gì để cắt giảm chi phí ? Việc DN cũng như báo chí đã nói rất nhiều đó là trạm thu phí. Chúng tôi cho rằng, vẫn cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để có thể giải quyết hiệu quả việc tiết kiệm chi phí cho cả DN và Chính phủ. Thứ nhất, Chính phủ nên rà soát lại tất cả các trạm thu phí bất hợp lý về khoảng cách cũng như mức giá. Tiếp đến là việc thu theo cách nào vừa chống thất thoát vừa đỡ tốn kém. Chúng tôi đề xuất, những đoạn đường, con đường được đầu tư xây dựng từ ngân sách thì không nên đặt trạm thu phí mà thu bằng hình thức khác như cộng ngay vào tiền xăng. Chỉ những đoạn đường BOT do DN đầu tư thì mới có cơ chế cho DN tự thu phí. Nhà nước không nên để tình trạng manh mún của các trạm thu phí. Đặc biệt nên bãi bỏ những trạm thu phí nhỏ, lặt vặt ở các đường ngang, ngõ tắt. Cuối cùng là điều mà bất cứ lái xe nào cũng bức xúc đó là trật tự giao thông và vấn nạn chi phí ngoài luồng. Những chi phí không chính thức đôi khi lớn hơn gấp nhiều lần những chi phí chính thức mà DN và lái xe phải bỏ ra. - Xin cảm ơn ông ! Bá Tú thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100225090255776cat130/van-tai-oto-chua-tang-gia--giu-duoc-bao-lau-.htm