Vẫn theo lối mòn

(ANTĐ) - Cuộc thi ảnh “Việt Nam-Đất nước-Con người” lần thứ 5 do Báo ảnh Việt Nam tổ chức đã khép lại trong sự tiếc nuối bởi những sáng tạo trong nghệ thuật còn quá ít ỏi.

Cả gian phòng nhà triển lãm Hàng Bài đầy ắp những bức ảnh chứa đựng biết bao công sức và tâm huyết của các nhà nhiếp ảnh. Nhưng trong những bức ảnh đẹp về hình thức lẫn đẹp về nội dung ấy, người xem vẫn thấy thiếu những bức ảnh mang tính đột phá, những bức ảnh mà nhìn một lần, người ta còn nhớ mãi. Và cũng không cần phải quá tinh tường và am hiểu về ảnh, người xem cũng có thể thấy được bóng dáng của những tác phẩm ảnh đã đi vào lòng công chúng trong những bức ảnh triển lãm này. Vẫn là hồ Gươm trong dáng vẻ gợi nhớ của một mùa đông Hà Nội và đằng trước lại với những cành cây khẳng khiu, trơ trọi lá. Hay ánh mắt nhìn trong veo của em bé. Những địa danh dễ ăn hình trong nhiếp ảnh như hồ Gươm, ruộng bậc thang... đều được các nhà nhiếp ảnh khai thác một cách triệt để. Điều đáng tiếc là, có lẽ vì quá ham ghi lại vẻ đẹp của địa danh đó mà các nhà nhiếp ảnh đã dẫm vào bước chân của những người đi trước, bức ảnh này giống bức ảnh kia ở góc độ, bố cục, có chăng chỉ khác nhau ở thời điểm bấm máy. Đi tìm lời giải thích cho sự lặp lại không mấy dễ chịu này, nhiều người sẽ đổ lỗi cho tiêu chí của cuộc thi là ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam nên đương nhiên chỉ đưa ra những bức ảnh đẹp, đẹp một cách thuần khiết để dự thi. Trong số ảnh đơn, những bức ảnh sáng tác về đề tài con người, cuộc sống vùng cao chiếm số đông. Những sắc màu rực rỡ của váy áo thiếu nữ dân tộc đã điểm thêm những gam màu khác lạ trên gam màu chủ đạo như màu xanh của lá cây, màu vàng của ruộng lúa và màu đen của than. Tuy nhiên, có thể thấy cách chụp của các nhà nhiếp ảnh vẫn đi theo lối sáng tác xưa cũ, chộp giật mà rất hiếm tìm được một bức ảnh hội tụ được đầy đủ sự sáng tạo, khoảnh khắc và rung động của người nghệ sĩ. Và lại càng khó hơn để tìm ra một bức ảnh mang tính đột phá, khác lạ. Tính kế thừa trong nghệ thuật là điều cần thiết nhưng sự lặp lại là điều rất khó chấp nhận. Điều dễ dàng nhận ra trong các bộ ảnh là sự liên kết giữa những bức ảnh trong nhóm thiếu tính chặt chẽ. Các bức ảnh có thể bỏ đi hoặc thêm vào mà không hề ảnh hưởng tới những bức khác, không ảnh hưởng tới nội dung câu chuyện mà tác giả muốn đề cập. Điều đó, chứng tỏ rằng, tác giả khi sắp xếp ảnh dường như còn chưa phân biệt được nhóm ảnh và ảnh đơn. Có những bức ảnh được phóng to để người xem chú ý vào và coi như là bức ảnh linh hồn của toàn bộ ảnh lại không nói lên được tiếng nói đáng lý nó phải làm được. Vì vậy, người ta rất dễ bỏ qua khi đến với bộ ảnh vì tính logic và thống nhất bị thiếu hụt. Và điều cần nói thêm, có những bộ ảnh người xem cũng lờ mờ cảm nhận được sự vất vả, lam lũ trong cuộc sống của người dân nhưng đáng tiếc, tác giả đã lựa chọn cả bộ ảnh là những bức ảnh có khuôn hình toàn cảnh đã làm giảm đi tính biểu cảm của ảnh rất nhiều. Cũng chính vì điều này mà cho dù tác giả đã lặn lội cất công đến mấy thì người ta vẫn có cảm tưởng như người nghệ sĩ mới chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà chưa đi sâu vào cuộc sống. Cuộc triển lãm ảnh “Việt Nam-Đất nước-Con người” lần thứ 5 đã chỉ ra nhiều điều còn hạn chế của các tay máy Việt Nam. Sự lặp lại các motip ảnh vẫn là điều cần bàn nhất trong cuộc triển lãm lần này. Nếu như các nghệ sĩ vẫn tiếp tục lặp lại thì người xem sẽ thấy Việt Nam qua ống kính của nhà nhiếp ảnh năm 2008 không khác gì so với Việt Nam năm 2009. Người ta sẽ ngao ngán khi cứ phải ăn mãi một món ăn mà đáng nhẽ cần phải có thêm nhiều sự đổi mới hơn nữa trong sáng tạo.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=59855&channelid=8