Vàng da bệnh lý sơ sinh có thể khiến trẻ tử vong

Nếu em bé sơ sinh vàng da ngay vào ngày đầu tiên thì cần phải lưu ý. Vì đây là vàng da bệnh lý cần phải điều trị, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khoảng 75% trẻ sinh ra bị bệnh vàng da, thường xuất hiện trong hai hay ba ngày đầu tiên. Hầu hết thường là vàng da sinh lý. Tình trạng vàng da này sẽ giảm trong 10 - 12 ngày sau đó mà không cần phải can thiệp gì ngoài tắm nắng và cho em bé bú thường xuyên. Tuy nhiên, nếu là bệnh lý vàng da thì bệnh tình sẽ diễn biến rất nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Tránh nhầm lẫn giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

Ở trẻ sơ sinh, trong vòng 3 đến 5 ngày sau sinh thì hồng cầu thai nhi vỡ sinh ra sắc tố vàng làm trẻ bị vàng da. Nhiều trường hợp sẽ tự hết sau 7 đến 10 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đối với vàng da bệnh lý thì mức độ hồng cầu bị vỡ nhiều hơn.

Giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da đôi khi không rõ ràng nên nhiều phụ huynh thường có nhầm lẫn và chủ quan, vì nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám. Lúc này, có những trường hợp trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não.

Phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ nên khó thấy, nên khi ấn vào sẽ thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.

Vàng da bệnh lý sơ sinh nếu biến chứng sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Vàng da bệnh lý sơ sinh nguy hiểm cỡ nào?

Bệnh lý vàng da sẽ nặng dần theo phạm vi ảnh hưởng lên cơ thể trẻ. Cụ thể, nếu trẻ bị vùng đầu mặt cổ thì tình trạng nhẹ hơn còn nếu vàng da đến rốn, qua rốn hay vàng đến cả bàn chân, tay thì trẻ đã bị vàng da rất nặng. Có những trường hợp vàng da kèm sốt, lừ đừ, co giật, gồng cứng… và nặng nhất là trẻ sẽ tử vong

Ở những trẻ bị xuất huyết ở bụng, não, hoặc trẻ tăng chu trình ruột gan, thiếu men, bất đồng nhóm máu mẹ con sẽ làm mức độ vàng da nặng nề hơn.

Nếu vàng da xuất hiện ngày thứ nhất, hai sau sinh thì diễn tiến thường nhanh và trẻ dễ lâm vào tình trạng nặng. Có những trẻ ngày đầu mới vàng ở mặt nhưng đến ngày sau đã vàng qua bàn chân, bàn tay.

Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ. Do vậy, với vàng da bệnh lý sơ sinh nếu can thiệp trước khi tổn thương não thì bé sẽ hồi phục sức khỏe nhanh.

Anh Cúc (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/vang-da-benh-ly-so-sinh-co-the-khien-tre-tu-vong-p43392.html