Vàng tăng giá kỷ lục: Nhà đầu tư mua đuổi, bán đuổi

TP - Khi giá vàng tăng lên mức kỷ lục, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư, kinh doanh vàng đều đang theo xu hướng mua đuổi, bán đuổi. Ý kiến khác lại khẳng định giá vàng tăng do bị làm giá của giới đầu cơ.

Ảnh: Phạm Yên Sau một ngày giá vàng lên tới đỉnh 24 triệu đồng/lượng, đến cuối chiều qua 15/10, giá vàng mua vào - bán ra của Cty Vàng bạc đá quý SJC chỉ còn ở mức 23,57 - 23,64 triệu đồng/lượng. Trái với cơn sốt đổ xô đi mua kỷ lục khiến các tiệm vàng lâm vào cảnh... khan hàng, không khí mua bán ngày này đã chùng lại. Tại các sàn kinh doanh vàng, ngay khi phiên chiều tối chưa đóng cửa, cũng không còn mấy nhà đầu tư nán lại. Tại Hà Nội, mức giao dịch phổ biến tại nhiều điểm thu đổi ngoại tệ trong ngày 15/10 là 18.260 - 18.280 đồng một USD. Dù giá có nhích lên khoảng 20 đồng so với những ngày trước đó do cộng hưởng từ đà tăng giá trong ngân hàng nhưng tâm lý khát mua đô la vẫn phổ biến đối với nhiều đầu mối găm giữ. Phụ trách kinh doanh một sàn vàng vốn khá sôi động nhận xét: “Cho đến giờ này, nỗi lo sợ đang tồn tại cả với nhà đầu tư. Giá vàng có lên tiếp ngưỡng 1.200 USD/Oz nữa hay không, không ai dám chắc. Chỉ có thể dự đoán nó sẽ biến động rất khó lường”. Trao đổi với Tiền Phong , một đại diện Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (sàn vàng VBG) cho hay: “Trong đợt biến động này, với tình trạng giá cao kéo dài, mối nguy hiểm đã đến. Tất cả nhà đầu tư trên sàn đều thua thiệt rất nhiều. Nói chung, tâm lý họ đều rất mệt mỏi và chán nản”. Trên các sàn vàng, số tiền thua lỗ của nhà đầu tư sẽ chui vào đâu? Theo ông này, về mặt lý thuyết thì những ngân hàng nước ngoài được hưởng. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam một số nhà tổ chức, ngân hàng mà không kết nối với ngoài sẽ được hưởng. Các sàn vàng có ngân hàng đứng sau sẽ thu lời từ sự thua lỗ đó. Lúc này người dân nên bán ra hay mua vào. Tuy nhiên, tất cả chuyên gia và nhà kinh doanh đều chung một nhận định: Giá vàng hiện đã ở ngưỡng cao, nhiều rủi ro. Mật độ mua - bán hiện rất thấp. Trong khi diễn biến trên thế giới cực kỳ phức tạp, đánh mất sự liên kết tăng, giảm giữa đồng đô la, euro, vàng và dầu hỏa. Hiện tại, các nhà kinh doanh vàng đều đang theo xu hướng mua đuổi - bán đuổi, sẵn sàng tìm cách sang ngang chứ không dám tích trữ, đầu cơ. Giá vàng liên tục phá kỷ lục. Tại sao thị trường trong nước lại đổ xô đi mua? Có phải do người dân dư thừa tiền hay chỉ đơn thuần là tâm lý lo sợ giá còn tăng? Với kinh nghiệm chinh chiến đã lâu trong lĩnh vực kinh doanh vàng, ông Nguyễn Đăng Học (từng phụ trách sàn vàng SJC Hà Nội, sàn vàng Đông Á...) cho rằng: “Cơn sốt mua vàng của người dân mấy ngày nay (khiến giá trong nước có lúc còn cao hơn giá thế giới hơn 100.000 đồng/lượng - PV) đến từ chính tâm lý lo sợ của nhiều người khi qua thông tin một số kênh trên thế giới nhận định giá vàng sẽ còn tăng mạnh”. Theo ông Học, giá vàng hoàn toàn do các quỹ đầu cơ trên thế giới làm giá. Bản thân họ luôn tìm cách kiếm lợi nhuận từ vàng, chứng khoán và sẵn sàng dùng những biện pháp, thủ thuật để kiếm lời. “Nếu so sánh với cơn sốt giá vàng năm ngoái khi hàng loạt các ngân hàng trên thế giới sụp đổ, thì hiện tại thông tin đồng USD yếu, trong khi giá dầu, đồng euro không quá biến động, cũng không đến mức khiến giá vàng phải tăng cao đến vậy” - Ông Học nhận xét. Bản tin đến từ các Nhóm tư vấn tiền tệ của các ngân hàng, có đáng tin cậy? Vị đại diện sàn vàng VBG phân tích: Các bản tin này đều bị giới hạn, do mức độ quan hệ với tin tức nhạy cảm ở Việt Nam gần như không có. “Giá vàng lên theo chiều thẳng đứng, thì cũng sẽ xuống theo phương thẳng đứng” - Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc SJC Hà Nội từng nhận định. Mức độ biến động giá vàng sắp tới nếu có tăng hay giảm theo các chuyên gia sẽ đều rất mạnh. Bản thân người dân cũng đã bắt đầu mệt mỏi khi theo dõi cuộc chơi này.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174684&channelid=3