Vào đời từ nghề bán báo dạo

(ĐSCT) Cậu bé bán báo dạo ngày xưa giờ đã trở thành người đàn ông thành đạt, không quá giàu có nhưng cái tâm của anh đáng để nhiều người nể phục: luôn luôn đến với người nghèo vùng sâu vùng xa, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Anh là Đinh Công Tường (SN 1968, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12), cuộc đời của anh là một câu chuyện dài thú vị, là nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Anh Đinh Công Tường (bìa phải) tặng quà cho bà con nghèo TUỔI THƠ KHỐN KHÓ Quê nội ở Bến Tre. Ngày ấy, ba anh tập kết ra Bắc và Đinh Công Tường được sinh ra trên quê mẹ ở miền Bắc. Tám tuổi theo cha mẹ vào Nam, đó là những ngày đất nước vừa thống nhất. Vì nhà nghèo, cậu bé Tường đã phải bươn chải đi bán báo dạo để phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Ngày mới chuyển vào Nam, gia đình Tường ở đường Phó Đức Chính, quận 1. Hằng ngày, từ sáng sớm, một cậu bé đen nhẻm, chân đất đã ôm trong tay một xấp báo đi hết con phố này đến con phố khác để bán. Có hôm, đến trưa mà báo chưa bán hết, nghĩa là không có tiền mua bánh mì cho em, thế là ai kêu gì Tường cũng làm, thậm chí có gã đàn ông ngồi vỉa hè, phì phèo điếu thuốc lá trên môi ghẹo Tường: “Ê, thằng nhỏ, mày tuột quần xuống tao mua báo cho”, vậy mà Tường cũng kéo quần xuống để bán được một tờ báo. Có hôm trời mưa không đi bán báo được, Tường cõng em đứng chơi bên hè phố, biết em mình đói khóc èo uột trên vai, dỗ cách nào cũng không nín, Tường đánh liều đi thẳng đến xe bánh mì xin cho em một miếng bánh, không ngờ bị chửi té tát “của đâu mà cho mấy đứa ăn mày”. Và hôm đó, Tường bị mẹ đánh đòn vì “nhà mình nghèo nhưng cũng cần biết vinh biết nhục, con ạ”. Từ đó, kể cả ngày nắng hay ngày mưa, cậu bé vẫn lầm lũi mặc áo mưa đi bán báo dạo. Có hôm, thấy người ta dựng chiếc xe đạp láng cóng, vì tò mò và thấy đẹp, Tường lê la tới xem, vừa cầm vào cái ghi-đông đã bị người ta cầm cây chổi chà đánh vì sợ tay của cậu bé làm bẩn chiếc xe sạch bóng của mình. Chưa hết, ông chủ xe còn bắt Tường xé những tờ báo trên tay lau sạch chiếc ghi-đông mới được đi. Vừa khóc vừa lau xe, lúc đó trong Tường đã có cảm giác tủi nhục và cậu lờ mờ hiểu ra rằng vì mình nghèo nên mới bị đối xử như thế. Lớn thêm chút nữa, Tường từ giã công việc bán báo dạo để đi bán nước sâm và bán than. Lúc này, Tường đã là cậu thanh niên cường tráng, khỏe mạnh nên anh trở thành trụ cột của gia đình. Anh theo cha về Cà Mau làm rẫy một thời gian rồi quay trở lại Sài Gòn. VƯƠN LÊN KHÔNG MỆT MỎI 17 tuổi, Tường xung phong đi bộ đội nhưng bị từ chối vì chưa đủ tuổi. Không từ bỏ ước mơ được tham gia vào quân đội, năm 18 tuổi Tường gia nhập quân đội và đóng quân ở biên giới Tây Nam trong ba năm. Từ chiến trường Campuchia trở về, gia đình anh gặp nhiều khó khăn, Tường giải ngũ và xin đi đẩy rác tại cầu Calmette. Những mảnh đời bất hạnh luôn là nơi anh Tường tìm đến chia sẻ, động viên Công việc này lấy đi của anh nhiều sức khỏe mà vẫn không đủ tiền để sống, anh chuyển sang giữ xe đạp rồi đi bán đồng hồ, đồ lạc soong ở chợ trời. Anh tìm những người bạn cũ, mua “con đội” xe hơi về tân trang rồi bán lại. Những ngày tháng đi khắp nơi như thế, Tường thấy người ta chơi cây cảnh và thích. Anh dành dụm tiền mua cây về tự mình uốn nắn, tạo hình và đem đi bán lại. Như có duyên nợ với nghề này, từ đây cuộc đời Tường sang trang mới, gắn liền với niềm đam mê và kinh doanh cây kiểng. Những đơn đặt hàng từ các resort, nhà hàng, biệt thự tới tấp đến với anh... Hiện tại Đinh Công Tường đã rất vững vàng, tuy không quá giàu có nhưng anh có một cái tâm thật tốt, là một trong những Mạnh Thường Quân có mặt khắp nơi ở các vùng quê nghèo để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Những hôm đọc báo, thấy trường hợp nào mổ tim, gặp bệnh hiểm nghèo cần giúp đỡ, anh vào tận bệnh viện để động viên tinh thần và giúp thêm kinh phí cho gia đình họ. Có lần anh ủng hộ tiền cho bé Hoan - một sinh viên học công nghệ thông tin - nạn nhân chất độc da cam đang ở làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Qua Báo CATP, anh biết bé Hoan đang thiếu một khoản tiền đóng phí internet, biết em đi lại khó khăn anh sẵn sàng giúp đỡ với mong muốn em sẽ có điều kiện tốt hơn để học tập. Muốn gặp Tường nhiều lúc thật khó, bởi anh đi lại như con thoi giữa những vùng quê nghèo, từ Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang đến Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... thậm chí là qua tỉnh Savanakhet của Lào để tặng quà từ thiện. Không chỉ đến những địa phương xa xôi, hẻo lánh, ngay tại nơi cư ngụ, Đinh Công Tường cũng thường xuyên tặng gạo, tiền cho những người nghèo, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, anh đang chuẩn bị cho chuyến trao quà tại xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào tháng 6 tới. Từ những chuyến từ thiện như thế, Tường đã cứu được hơn mười người thoát khỏi bàn tay thần chết nhờ những bài thuốc dân gian mà anh có. Đó cũng là niềm vui, tâm niệm mà Đinh Công Tường hướng đến trong cuộc sống cũng như trong công tác xã hội - từ thiện mình đang theo đuổi.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=84235&mod=detnews&p=