VAT của Việt Nam cao hay thấp?

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng các lý do Bộ Tài chính đưa ra trong đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật thuế là chưa thực sự thuyết phục, các mức thay đổi cần được cân nhắc thận trọng.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có tờ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất đề xuất tăng mức thuế của một loạt hàng hóa từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 6% hoặc 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%.

Có thể làm giảm sức cạnh tranh của DN

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, yêu cầu cải cách lại cơ cấu ngân sách là hoàn toàn đúng, nhưng phải làm theo hai hướng là cải cách cả thu và chi.

Bên cạnh đó, thuế một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với xã hội, do đây là một bộ phận cấu thành nên giá cả, khi thuế tăng gây áp lực tăng giá thành sản phẩm, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, khiến cho họ phải hạn chế tiêu dùng, ảnh hưởng đến tiêu thụ, đến sản xuất của DN. Vì vậy, dù là thuế gián thu nhưng cuối cùng DN cũng vẫn sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, giá tăng sẽ đẩy lạm phát tăng, trong khi kiềm chế lạm phát là một trong 3 nội dung trụ cột của ổn định kinh tế vĩ mô, đây cũng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cũng cho rằng, tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến DN, hoặc người tiêu dùng hoặc cả hai. Trong trường hợp này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại làm sức cạnh tranh của DN giảm đi.

Ông đánh giá: “Việc tăng thu ngân sách thông qua tăng thuế là cách dễ thực hiện, nhất là thông qua các loại là thuế gián thu như thuế VAT”.

Tuy nhiên, tăng thuế VAT ngay lập tức tác động trực tiếp đến đại bộ phận dân cư mà không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu. “Vì vậy, cần cân nhắc kỹ khi tăng thuế này”, ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Vẫn theo vị chuyên gia, một mặt chúng ta muốn kích cầu tiêu dùng. Mặt khác lại đánh thuế cao, làm cầu hàng hóa giảm xuống, đó là sự khập khiễng. “Cần phải nghiên cứu thêm để có một chính sách định hướng nhất quán, có lộ trình cụ thể, phải cân nhắc tác động của nó tới cầu tiêu dùng”, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Lý do chưa thật thuyết phục

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhắc lại trong tờ trình đề xuất, Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế VAT là do nợ công cao, bội chi ngân sách, do thuế nhập khẩu giảm, hoặc lý giải rằng thuế VAT của chúng ta đang thấp hơn so với các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng cần điều chỉnh thuế VAT do sắp tới sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DN vừa và nhỏ làm cho nguồn thu giảm.

Tuy nhiên, qua số liệu, VAT của nước ta không thấp hơn các nước, so với Singapore, Thái Lan, Myanmar và một số nước khác trong khu vực.

“Nếu chỉ so với các nước có tỷ lệ thuế VAT cao, thì rõ ràng VAT của chúng ta thấp hơn”, ông nói. Tuy nhiên, ở nước ta, cứ 100 đồng thu nội địa thì có 27,3 đồng thu từ thuế VAT -đây là mức cao hơn hẳn các nước khác.

Thêm nữa, do tỷ lệ thu từ thuế trên tổng thu cao như vậy nên nguyên nhân của việc nợ công và bội chi Ngân sách cao không phải có nguyên nhân từ nguồn thu thuế thấp. Ngay trong công tác thu thuế hiện nay, việc để thất thu còn rất lớn.

Mặt khác, thuế thu nhập chỉ giảm cho các DN vừa và nhỏ, trong khi tỷ trọng thu từ thuế của đối tượng này chỉ khoảng 3,5% trong tổng thu, không làm thay đổi nhiều. “Chính vì vây, tôi cho rằng các lý lẽ Bộ Tài chính đưa ra chưa thuyết phục”, PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng chúng ta đã huy động ở mức cao, trong khi đó thâm hụt Ngân sách vẫn luôn tồn tại.

“Có thể chấp nhận thâm hụt Ngân sách trong vòng 5 năm, thậm chí là 7-10 năm khi đang tập trung cho một lĩnh vực nào đó, để rồi cải thiện trở lại về mức cân bằng, tức là phải đặt ra một thời hạn.

Nhưng chúng ta chưa bao giờ cân bằng được, lý do không phải về khâu huy động, mà do chi tiêu quá lớn, nhất là chi thường xuyên. Vì vậy để Ngân sách không bị thâm hụt nên đi theo hướng tiết kiệm chi chứ không nên tăng thu”.

PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, đề án của Bộ Tài chính muốn có căn cứ thuyết phục thì phải có sự khảo sát, điều tra cụ thể từng loại thuế và tác động tích cực, tiêu cực của nó như thế nào để từ đó đưa ra đề xuất, phương án. Nếu chỉ tính toán một cách đơn giản, đại khái như vậy để đưa ra thì chưa thuyết phục, chưa thấy được tác động thực sự.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải tiết kiệm chi tiêu ráo riết hơn, giảm tải những khoản chi tiêu cho bộ máy hành chính. “Việc tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt làm giảm tải bộ máy hành chính không phải chuyện dễ, nhưng vẫn có thể làm được nếu có quyết tâm”, ông khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/vat-cua-viet-nam-cao-hay-thap-3715804-l.html