Vật liệu nano tích trữ gas và có thể... ăn được

Các nhà khoa học Mỹ cho biết họ đã tìm ra một dạng vật liệu nano mới dạng tinh bột có thể dùng để tích trữ gas, thực phẩm hoặc sử dụng cho công nghệ y học và... đặc biệt, chúng còn có thể ăn được.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Northwestern cho biết pha lê xốp là khung kim loại hữu cơ (MOFs) đầu tiên được biết tới. Phần lớn các MOFs đều được làm từ dầu mỏ nhưng bạn có thể cho MOFs của Đại học Northwestern vào trong miệng và ăn chúng ngon lành như chính các nhà nghiên cứu từng làm. Tiến sĩ Ronald A. Smaldone thuộc Đại học Northwestern cho biết: “Chúng có vị đắng giống như bánh quy Saltine nhưng giòn và vừa miệng. Tuy nhiên, điều thú vị nhất là những chất liệu này đều không độc, có thể tái chế và được sử dụng rộng rãi. Vật liệu mới này còn có thể đựng khí hydro dùng cho các phương tiện chạy điện.” MOFs kiểu mới này có thể tích trữ gas như khí hydro hoặc CO2, khiến loại vật liệu này thu hút mối quan tâm đặc biệt của các kỹ sư cũng như các nhà khoa học. Tiến sĩ Jeremiah J. Gassensmith tại phòng nghiên cứu Northwestern cho biết: “Dùng các sản phẩm tự nhiên cho xây dựng sẽ là xu hướng mới cho một công nghệ cũ.” Tiến sĩ Ross S. Forgan cho biết: “Công nghệ khung kim loại hữu cơ bắt đầu phổ biến từ năm 1999 và dựa vào quá trình tổng hợp các hóa chất bắt nguồn từ dầu mỏ. Chất liệu chính mà chúng tôi làm ra là một phân tử tinh bột vốn là sản phẩm thừa trong quá trình chế biến ngô.” Nhóm các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu này bao gồm ba tiến sĩ hóa học thuộc Đại học Northwestern và các đồng nghiệp đến từ Đại học California, Los Angeles và Đại học St. Andrews ở Anh./. Cao Phong (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/vat-lieu-nano-tich-tru-gas-va-co-thean-duoc/20109/58948.vnplus