Vật vã bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á- Bài 1: Cơ cực cảnh '2 không'

Hơn 4.000 hộ dân vùng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) - dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á vẫn phải sống trong cảnh 'dở khóc, dở cười' bởi không một giọt nước sạch để sinh hoạt, cây trồng khô héo, đất đai phải bỏ hoang, nhà cửa không được xây mới…

Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vì nhiều lý do như thiếu khả thi, có thể xảy ra sự cố môi trường, khó tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại khẳng định đã có đủ các giải pháp cho vấn đề trên.

Trong khi các bộ còn đang “tranh cãi” về việc có nên tiếp tục thực hiện dự án hay không, tại vùng quy hoạch dự án, người dân đang bị đẩy vào thế khó.

Hơn 4.000 hộ dân vùng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) - dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á vẫn phải sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” bởi không một giọt nước sạch để sinh hoạt, cây trồng khô héo, đất đai phải bỏ hoang, nhà cửa không được xây mới…

12 người sống "dồn" trong nhà 80m2

Vợ chồng ông Nguyễn Công Cảnh- Phó Bí thư chi bộ xóm Trường Xuân, khu tái định cư Thạch Đỉnh sống trong cảnh nước bơm lên bị phèn ăn mòn các thiết bị. Ảnh: H.A

Phải hết sức thận trọng khi quyết định tái đầu tư

Ngày 25.7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Tại đây nhiều chuyên gia cho rằng, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa rõ, nhưng hậu quả môi trường và xã hội thì rất lớn với nhiều vấn đề bức xúc như tạo ra các bãi thải lấn biển ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Bên cạnh đó là những vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ; nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển Hà Tĩnh; vấn đề di dân, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ… Do vậy phải hết sức cẩn trọng khi tái đầu tư dự án.

Về các xã vùng ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân về hệ lụy của dự án này.

Hàng chục hecta đất nông nghiệp bị bùn, cát vùi lấp, nước ngầm bị tụt khiến cây cối, hoa màu chết khô; ô nhiễm môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư chậm… tất cả đã kéo lùi sự phát triển của các xã nằm trong vùng dự án.

Nhà cửa xập xệ, xuống cấp, nhưng đa phần các hộ dân không thể xây mới hay cơi nới. Nhiều gia đình có tới 3 thế hệ sống trong một ngôi nhà chưa đầy 80m2, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Niên (50 tuổi, trú tại thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc) bức xúc: “12 con người sống trong ngôi nhà 80m2, khổ lắm nhưng không biết kêu ai, muốn xây thêm một vài phòng để cho con ở cũng không được vì nằm trong vùng dự án”.

Cùng nỗi niềm với bà Niên, bà Nguyễn Minh Phúc (56 tuổi, ở xã Thạch Lạc) lo lắng: “Các công trình phục vụ sinh hoạt trong ngôi nhà chưa đầy 80m2 cũng xập xệ, xuống cấp lắm rồi, trong khi đó có 11 người gồm con, cháu, chắt cùng ở chung rất bất tiện và nguy hiểm. Con cái thì đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, biết làm sao khi gia đình lại có thêm thành viên mới, sẽ ở đâu đây?”.

Ông Dương Kim Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc cho biết: “Thạch Lạc có gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê. Từ khi dự án mỏ sắt tạm dừng khai thác đã kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Trong đó, cái đáng lo ngại nhất của xã vẫn là vấn đề nhà ở cho các hộ dân ở thôn Bắc Lạc, nhiều thế hệ phải sống trong một ngôi nhà nhưng cơ quan chức năng không thể cấp quyền sử dụng đất, chuyển đổi hay tách bìa làm nhà bởi những hộ này đang nằm trong diện di dời, giải tỏa của dự án mỏ sắt Thạch Khê”.

Không những phải chịu cảnh “ở dồn” chật chội, hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê như ở xã Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và xã Thạch Lạc của huyện Thạch Hà còn phải đối mặt với những khó khăn khác như không có đất canh tác, thiếu nước sạch sinh hoạt…

Chị Nguyễn Thị Châu (xóm 10, xã Thạch Đỉnh) buồn rầu: “Trước kia gia đình tôi có 5 sào ruộng, sau khi nhà nước lấy đất để làm Dự án mỏ sắt Thạch Khê thì bây giờ còn một sào ruộng với 6 miệng ăn. Không có ruộng để canh tác, khổ lắm, cứ đến mùa tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền đong gạo”.

Hàng ngàn hộ dân vật vã giữa “sa mạc” của dự án

Đầu tháng 6.2017, có mặt tại khu tái định cư Thạch Đỉnh ở xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, gặp các hộ dân ai cũng kêu than thảm thiết gần chục năm nay sống trong cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Ông Nguyễn Công Cảnh - Phó Bí thư chi bộ xóm Trường Xuân, khu tái định cư Thạch Đỉnh cho biết: “Đã 6 năm rồi, chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc di dời để bàn giao đất cho dự án, được Công ty Sắt Thạch Khê rồi chính quyền huyện Thạch Hà vận động, hứa hẹn sẽ bố trí nước sạch cho khu tái định cư, rứa mà chờ mãi không thấy”.

Bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi) không khỏi lo lắng: “Về đây tưởng cuộc sống sẽ ổn định hơn nhưng hóa ra không như vậy, 6 năm nay chúng tôi không lấy một giọt nước sạch, ruộng thì phải đi thuê để làm. Để có ruộng làm, chúng tôi phải thuê 3 sào đất làm lúa, mỗi sào như vậy phải thuê với giá 200.000 đồng/vụ. Năm nay mất trắng vì ruộng cạn khô thiếu nước”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng- Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cũng tỏ ra lo lắng: “Từ ngày khởi công mỏ sắt đến nay, người dân ở đây dính nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến là gần 10 năm nay xã không được đầu tư các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng xuống cấp, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Đặc biệt, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân vẫn đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương”.

Bước chân trên 6 xã vùng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê lúc này cảnh làng mạc héo hắt cắt trắng, bụi bay mù mịt, đất đai khô cằn, hoa màu chết khô vì “khát nước”. Không có nguồn nước để tưới tiêu, hàng ngàn diện tích hoa màu đang phải bỏ hoang.

Quỳnh Nga - Hữu Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/vat-va-ben-mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a-bai-1-co-cuc-canh-2-khong-793975.html