Vay tín chấp: “Cởi” nhưng chưa “mở”

Thời gian qua, NHNN luôn phát đi thông điệp “Chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay NH; ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”. Mới đây, NHNN cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NHNN tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh...

Tài sản đảm bảo là sự tín nhiệm

Tại buổi gặp gỡ với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam (DNT) cuối tháng 9 vừa qua, Thống đốc NHNN một lần nữa lại khẳng định: “Ngành NH luôn đồng hành cùng DNT và luôn trăn trở với những khó khăn vướng mắc của DN để đưa ra cơ chế chính sách tín dụng mới hỗ trợ khu vực này. Ví dụ, những DNT có hoài bão, ý tưởng mới nhưng thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn nhằm hiện thực hóa giấc mơ tuổi trẻ mà nếu không có sự hỗ trợ kịp thời về vốn, những ý tưởng đó không thể đi vào cuộc sống. Các cơ chế cho vay có thể là cho vay tín chấp, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, dự án ứng dụng công nghệ cao…

Trên thực tế, vay tín chấp không phải là việc cho vay không có bảo đảm mà cao hơn, tài sản bảo đảm là sự tín nhiệm giữa người cho vay (các NH, TCTD) và người vay, thông thường là các DN. Theo nhiều chuyên gia tài chính, vay tín chấp có những đặc trưng cơ bản sau:

Một là, vay tín chấp không thể thực hiện được trong giai đoạn đầu của mối quan hệ giữa TCTD và người vay. Để có được sự tín nhiệm, quan hệ vay - cho vay phải trải qua một thời gian nhất định.

Hai là, thế chủ động trong việc quyết định cho vay tín chấp thuộc về TCTD. Bởi lẽ, khi và chỉ khi TCTD có được độ tin cậy rất cao đối với người vay mới có thể quyết định cho vay tín chấp.

Ba là, người vay (các DN) đóng một vai trò to lớn trong quá trình tạo ra sự tín nhiệm để có thể vay tín chấp. Trong nhiều trường hợp, chính hoạt động kinh doanh có hiệu quả và sự minh bạch của DN lại là nhân tố quyết định để NH và các TCTD quyết định cho vay tín chấp.

Bốn là, sự tín nhiệm (“tài sản” đảm bảo tiền vay) lại là loại tài sản vô hình, không thể đem đấu giá để thu hồi vốn cho vay. Vì vậy, quyết định cho vay tín chấp của các NH và TCTD rất cẩn trọng, dẫn đến việc các DN vay được vốn theo hình thức này khá khó khăn.

“Ngại” cho vay tín chấp

Từ những vấn đề trên có thể thấy việc các TCTD đồng ý hay không đồng ý cho DN vay theo hình thức này có phần nhiều dựa vào sự cảm quan, sự tùy hứng của các TCTD và cả “mối quan hệ” thân sơ giữa lãnh đạo các TCTD với DN có nhu cầu vay nữa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc các TCTD “ngại” cho vay với hình thức trên là việc bình thường trong bối cảnh hiện nay, khi mà tính đến ngày 21.8, tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế mới chỉ tăng 4,33% so với cuối năm 2013, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 12-14% của cả năm 2014 mà ngành NH kỳ vọng đạt được.

Mặt khác còn do tình hình nợ xấu của các NH vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và đang có xu hướng tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 3,61% cuối năm 2013 lên tới 4,07% vào cuối tháng 5 và thậm chí là 4,17% vào cuối tháng 6.2014. Con số 7.027 DN hoàn thành thủ tục giải thể; 8.440 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 32.863 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 9 vừa qua cũng là tín hiệu không mấy sáng sủa cho nền kinh tế.

Theo lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ, cho vay theo hình thức tín chấp rất dễ xảy ra tình trạng nợ xấu, vì cho vay mà không có tài sản đảm bảo thì NH rất dễ đối mặt với rủi ro, việc cho vay tín chấp hiện nay chủ yếu được các NH thực hiện dưới dạng cho vay cá nhân tiêu dùng, với số tiền vay ít, vì các NH cho rằng với khoản vay nhỏ, lẻ thì khả năng không trả được nợ của người tiêu dùng ít hơn.

Vậy với bức tranh nền kinh tế có phần ảm đạm như hiện nay, thiết nghĩ NHNN cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn, đẩy mạnh việc kết nối NH - DN - địa phương, thậm chí cần “cầm tay chỉ việc”, để làm sao các DN có phương án SXKD tốt, phương án trả nợ khả thi sẽ tiếp cận được nguồn vốn với hình thức này, nhất là trong khi các NH đang thừa vốn, còn các DN thì vẫn “khát” vốn như hiện nay. Làm được như vậy, NH sẽ khơi thông được nguồn vốn, giúp tăng trưởng tín dụng, còn DN thì có vốn để đầu tư SXKD. Và điều đạt được hơn nữa của các TCTD là để cho một chủ trương, chính sách phù hợp của cơ quan quản lý nhà nước có tính khả thi, được áp dụng đúng và rộng rãi, mang lại lợi ích thực sự cho DN.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/vay-tin-chap-coi-nhung-chua-mo-253530.bld