VĐHN: Lại chiếc áo phao và quá tải

(VOH) - Sáng 3.8, thông tin về vụ chìm chiếc ca nô chở 30 người đi từ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vượt biển về Vũng Tàu vào khoảng 20 giờ 30 ngày 2/8 tại khu vực biển Cần Giờ khiến cho nhiều người rùng mình nghĩ lại chuyện chiếc áo phao và vận chuyển quá tải.

Vụ tai nạn làm mất tích 9 người, lực lượng chức năng cứu sống được 21 người. Rõ ràng, thông tin này thật sự thêm nhói lòng khi mà gần đây tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước.

Các nạn nhân đu dây thừng phía sau ca nô may mắn được cứu sống - Ảnh: N.Long-Thanh niên.

Có thể nói, tai nạn giao thông đường thủy ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, sóng to, gió lớn- đôi lúc không thể trở tay kịp. Vậy nhưng, trong trường hợp này đau thương lại đến từ chính sự chủ quan của con người. Đó là ý thức của những người đi trên ca nô từ chủ phương tiện, thuyền trưởng, phụ lái cho đến hành khách,…Theo thông tin ban đầu từ một vị lãnh đạo Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếc ca nô định mệnh mang số hiệu H29 nói trên chỉ có khả năng chở khoảng 18 người. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, trên ca nô chứa tổng cộng đến 30 người- nghĩa là gần gấp đôi tải trọng cho phép đã cho thấy sự chủ quan, khinh xuất của những người có trách nhiệm trên chiếc ca nô này. Việc vận chuyển quá tải trên sông, biển trong tình hình thời tiết tốt đã là nguy hiểm và không được phép. Đằng này, chiếc ca nô chẳng những chở quá tải tới 12 người mà còn vượt biển trong điều kiện mưa bão và được cảnh báo thời tiết bất lợi và đầy rủi ro - do bão số 5 và gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh. Có thể khẳng định rằng đây là một tai nạn giao thông đường thủy điển hình mà nguyên nhân chính là do sự chủ quan, xem thường hiểm nguy để dẫn tới hậu quả khôn lường.

Điểm đáng nói hơn nữa là trên ca nô không biết có bao nhiêu áo phao nhưng khi xảy ra tai nạn thì mọi người hầu như không mấy ai mặc. Trong khi chờ các đơn vị cứu hộ đến ứng cứu thì những người bị nạn trên tàu phải bám víu vào thân ca nô còn lơ lửng trên mặt nước trong suốt 4 giờ đồng hồ. Một nạn nhân kể lại là chỉ có hai người mặc áo phao, và khi thấy mọi người đuối sức, một người đã nhường áo phao để cứu sống người khác và trong 21 người được cứu sống không thấy người có nghĩa cử cao thượng đó. Nhưng điều đáng nói là nếu như ai cũng mặc áo phao thì thiệt hại sẽ giảm đi và nỗi đau sẽ không phải là chín người mất tích.

Cần nói thêm là cách đây vài ngày, tàu cánh ngầm Greenlines đâm vào phao tiêu trên sông Lòng Tàu khi từ Vũng Tàu về TP HCM, gần một trăm hành khách nhốn nháo, hốt hoảng,… và nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng khác nữa đã từng cho chúng ta bài học đắt giá. Từ nhiều năm qua, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lí nghiêm những chủ phương tiện chở người quá tải và hành khách không mặc áo phao khi đi trên sông, trên biển… Thế nhưng, nhiều lúc và ở nhiều nơi, ý thức chấp hành luật giao thông đường thủy vẫn còn quá kém. Người ta vẫn cứ coi thường mạng sống của hành khách và của cả những người làm nghề. Vậy nên tai nạn chết người vẫn cứ xảy đến. Đã tới lúc cần nghiêm túc và chặt chẽ hơn trong việc tuân thủ luật giao thông đường thủy để giảm thiểu và đi đến loại trừ những tai nạn đáng tiếc đến từ sự chủ quan của con người./.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=61282