VDSC: Dòng tiền tích cực hơn trong năm 2014, cơ hội nhiều hơn thách thức

(NDH) Theo VDSC, dự thảo nới room hiện đã được soạn thảo xong và trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tiến độ hoàn thành sớm nhất dự kiến là trong Q1/2014.

Trong báo cáo Triển vọng năm 2014, Công ty CTCK Rồng Việt cho biết " Cơ hội nhiều hơn thách thức". Theo đó, yếu tố vĩ mô và các chính sách nới Room, cổ phần hóa doanh nghiệp và sự cải thiện lợi nhuận của các công ty sẽ có những ảnh hưởng quan trọng đến TTCK.

Một trong những yếu tố hỗ trợ cho TTCK là việc tăng room cho NĐT nước ngoài. Theo VDSC, dự thảo nới room hiện đã được soạn thảo xong và trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tiến độ hoàn thành sớm nhất dự kiến là trong Q1/2014.

Tuy nhiên, theo VDSC, để có một góc nhìn đầy đủ thì tác động của việc nới room cho NĐT nước ngoài vẫn chưa rõ ràng. Trong ngắn hạn, đây sẽ là nhân tố củng cố niềm tin của NĐT và mang hiệu ứng tâm lý lên diễn biến giá cổ phiếu là chủ yếu.

Lợi ích thực sự của chính sách này chỉ có thể lượng hóa sau khi đã được thông qua cùng với các văn bản hướng dẫn cụ thể đi kèm. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô đòi hỏi sự ổn định mới tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, bước sang năm 2014, quá trình thanh lọc vẫn tiếp diễn, đặc biệt là khối DNNN do đang trong lộ trình tái cơ cấu, trong khi đó, khu vực DN tư nhân kỳ vọng sẽ có chuyển biến lạc quan hơn nhờ sự cải thiện của lĩnh vực sản xuất, tín dụng gia tăng và các chính sách hỗ trợ về thuế (Từ năm 2014, thuế TNDN sẽ giảm từ 25% xuống còn 22%, đến năm 2016 sẽ giảm còn 20%).

Dựa trên những đánh giá về triển vọng vĩ mô cho năm 2014, VDSC cho rằng NĐT có thể tương đối lạc quan về sự ổn định của lạm phát, tỷ giá và sự phục hồi của nền kinh tế.

Một yếu tố quan trọng khác cần lưu ý là việc cổ phần hóa các tập đoàn, DNNN là một trong những đòi hỏi cốt lõi của quá trình tái cơ cấu DNNN. Một mục tiêu Thủ tướng đặt ralà trong năm 2014-2015 sẽ cổ phần hóa khoảng 432 DNNN và sớm nhất đến năm 2020 chỉ còn giữ lại 300 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước.

Trong năm 2013, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, thông tư nhằm phục vụ cho quá trình tái cơ cấu DNNN, nhiều kỳ vọng quá trình cổ phần hóa sẽ được tạo được bước đột phá trong năm nay với quyết tâm đến từ cấp cao nhất.

Việc cổ phần hóa ồ ạt đáng được xem là động lực hỗ trợ giúp tăng quy mô và thanh khoản của TTCK. Sự manh nha cổ phần hóa các tập đoàn lớn gần đây (Vinatex, Mobifone, Vietnam Airlines, Cienco 1,4,5,6,8, TCT Xây dựng thủy lợi 4…) đang thu hút sự chú ý của nhiều NĐT và các tổ chức chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, từ góc nhìn thận trọng, VDSC chưa đánh giá cao tác động của tiến trình cổ phần hóa đối với diễn biến của TTCKVN trong năm 2014 bởi vẫn còn những bất cập như sự chậm trễ trong việc niêm yết sa IPO, hoặc dù có được cổ phần hóa thì phần đại diện vốn Nhà nước vẫn còn lớn và chất lượng quản trị doanh nghiệp sau IPO chưa cải thiện.

Dòng tiền sẽ tích cực hơn trong năm 2014

Theo VDSC, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự cải thiện của dòng tiền trong và ngoài nước năm 2014 nhờ một số yếu tố.

Thứ nhất, Việt Nam không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ QE3. Thay vào đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế nếu duy trì được điều kiện vĩ mô ổn định và dự thảo nới room cho NĐT nước ngoài được hiện thực hóa (dự kiến trong Q1/2014).

Thứ nhì, so với các kênh đầu tư khác (vàng, bất động sản, tiền gửi tiết kiệm) thì tỷ suất sinh lợi từ đầu tư chứng khoán có thể coi là cao nhất trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, cơ quan quản lý tích cực trong việc tái cấu trúc TTCK: Bên cạnh đề án nới room cho NĐT nước ngoài, UBCKNN đang xây dựng hai đề án gồm (i) phát triển TTCK phái sinh; (ii) sáp nhập hai SGDCK. Những bước đi ban đầu khá thuận lợi như bộ chỉ số HOSE được triển khai từ 27/01/2014; thử nghiệm giao dịch sản phẩm ETF nội địa từ Q3/2014…Những chính sách trên đều mang tính dài hạn nhưng sẽ góp phần tạo nên nền tảng phát triển mới cho TTCKVN.

Cuối cùng là các yếu tố mang tính cộng hưởng tích cực đến tâm lý NĐT và dòng tiền gồm (i) cơ hội đàm phán thành công TPP ngay trong năm 2014, (ii) sự phối hợp của NHNN và cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ hỗ trợ cho thị trường bất động sản và (iii) một số giải pháp tích cực của các NHTM để cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Với những yếu tố trên, VDSC dự báo, mức tăng trưởng kỳ vọng cho VNIndex là 19-25%, tương đương với vùng 600-630 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNIndex sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ sự hồi phục của các doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ và đề án sáp nhập hai sở giao dịch đang được triển khai.

Học Khiêm - NDH

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vdsc-dong-tien-tich-cuc-hon-trong-nam-2014-co-hoi-nhieu-hon-thach-thuc-20140305092913410p146c155.news