“Ve chai đồng nát” chứng chỉ quỹ!

Kết quả đầu tư của các quỹ đại chúng niêm yết trên sàn hiện tại cũng “bết” chẳng kém những nhà đầu tư cá nhân thua lỗ.

Bên cạnh những cổ phiếu của doanh nghiệp nợ đầm đìa, lỗ lũy kế “khủng”, có một số chứng khoán khác cũng được giới đầu tư xếp vào hàng “ve chai đồng nát” là chứng chỉ quỹ!

Một lớp đào tạo về quỹ đầu tư giành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ diễn ra mới đây đã ế ẩm như chính những chứng chỉ quỹ đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi chính những quỹ được coi là chuyên nghiệp còn đang lỗ chỏng gọng thì làm sao khuyến khích nhà đầu tư nhỏ lẻ gửi tiền cho họ?

“Rổ chứng” cũng vỡ như thường

Lý thuyết thường bảo rằng ở các nước phát triển, phần lớn nhà đầu tư cá nhân góp tiền vào các quỹ đầu tư, chứ không tự mình “đánh” chứng hàng ngày. Lợi ích khi đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán qua các quỹ đầu tư đại chúng được cho là đồng vốn đầu tư sẽ an toàn hơn khi được đa dạng hóa thông qua một danh mục đầu tư cân bằng. Đội ngũ quản lý quỹ cũng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Theo kỳ báo cáo mới nhất của các quỹ này, giá trị tài sản ròng (NAV) tiếp tục sụt giảm theo thời gian và giảm mạnh so với vốn góp ban đầu. Quỹ MAFPF1 đến 10/11/2011 NAV chỉ còn 6.099 đồng/chứng chỉ quỹ. NAV của PRUBF1 còn 8.394 đồng/chứng chỉ quỹ. VFMVF4 còn 6.173 đồng/chứng chỉ. VFMVFA còn 7.362 đồng/chứng chỉ.

Duy nhất VFMVF1 còn NAV trên mức vốn góp, đạt 14.318 đồng/chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên nếu so với thâm niên gần chục năm đầu tư, tăng trưởng NAV như vậy khó có thể coi là xứng đáng, nhất là khi quỹ này tham gia thị trường từ những ngày mà đa số giá cổ phiếu niêm yết còn lẹt đẹt ở mức rất thấp.

Hai yếu tố chứng tỏ nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp gần như coi chứng chỉ quỹ niêm yết là “đổ bỏ”: Mức chiết khấu của giá giao dịch hàng ngày với NAV rất cao và thanh khoản của những chứng chỉ này rất thấp.

Tính theo giá ngày 16/11/2011, mức chiết khấu đối với MAFPF1 là 46%, tức là giá mỗi chứng chỉ quỹ đang giao dịch thấp hơn NAV 46%. Với PRUBF1 là 48%, với VFMVF4 là 44%, với VFMVFA là 49% và với VFMVF1 hơn 46%.

Giá bình quân của 5 chứng chỉ quỹ niêm yết này hiện chỉ vào khoảng 4.540 đồng/chứng chỉ. Khối lượng giao dịch tính chung của cả 5 chứng chỉ trong 20 ngày gần đây chỉ đạt 12.170 đơn vị/ngày, tức là lượng vốn ước tính giao dịch mỗi ngày chỉ hơn 55 triệu đồng một chút. Nếu tính riêng rẽ từng chứng chỉ thì mức thanh khoản phải nói là quá tệ hại. Có những thời điểm như cuối năm 2009, thanh khoản bình quân của 4 chứng chỉ (VFMVFA chưa niêm yết) cũng đạt gần 160.000 đơn vị/ngày. Thời đỉnh cao tháng 3/2007 thanh khoản trên 300.000 đơn vị/ngày là bình thường.

Đã có những thất vọng lớn đối với sự tương phản giữa màn ra mắt hoành tráng của quỹ, với kết quả đầu tư thực tế. VFMVFA là ví vụ. Được gọi là quỹ năng động, chiến lược đầu tư của quỹ này khi chào mời nhà đầu tư góp vốn nhấn mạnh đến nhiều từ ngữ ấn tượng như: “tính năng vượt trội”, “năng động”, “khoa học”, “hiệu quả”, “nắm bắt cơ hội vàng hậu khủng hoảng”, “giữ vững mục tiêu bảo toàn vốn”, “sự phối hợp khoa học của mô hình định lượng Quant”...

Chỉ 10 ngày sau khi nhận giấy phép VFMVFA đã giải ngân 134 tỷ đồng trong mức vốn điều lệ gần 240,44 tỷ đồng. NAV thời điểm niêm yết là 9.423 đồng/chứng chỉ, không thấp hơn bao nhiêu so với mệnh giá. Không rõ chiến lược đầu tư của quỹ này năng động đến đâu nhưng thị giá chỉ duy nhất một lần chạm đến mức 10.000 đồng/chứng chỉ trong đúng phiên chào sàn.

Giải pháp quỹ mở

Nguyên nhân được mổ xẻ lý giải cho việc giá giao dịch hàng ngày của các chứng chỉ quỹ bị chiết khấu quá lớn so với giá trị tài sản ròng là ở loại hình quỹ đóng. Quỹ đóng tức là người góp vốn chỉ có thể rút vốn ra bằng cách bán lại trên thị trường thứ cấp, mức độ thanh khoản không cao. Hiện tượng này đã dẫn tới tình trạng có quỹ rơi vào nguy cơ bị thâu tóm để yêu cầu “xẻ thịt”, thu về tiền mặt.

Quỹ đóng rồi sẽ đến lúc phải giải thể. Điều đó đồng nghĩa với khả năng thị giá chứng chỉ quỹ sẽ có cải thiện nhất định khi gần đến ngày đóng quỹ. Dĩ nhiên điều này còn có ẩn số là hoạt động thanh lý danh mục của quỹ đạt hiệu quả đến đâu. Tuy nhiên hoạt động đầu tư vào chứng chỉ quỹ khó có thể coi là hiệu quả nếu chỉ trông chờ vào ngày “xẻ thịt” như vậy, và nhà đầu tư thứ cấp không cần vội vã gì quăng tiền vào các quỹ đại chúng trên thị trường sơ cấp.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, hiện có 47 công ty quản lý quỹ hoạt động, với hơn 20 quỹ đầu tư trong nước đã đăng ký, nhưng chủ yếu là quỹ thành viên. Chưa rõ hiệu quả hoạt động thực sự của những quỹ thành viên đến đâu, nhưng rõ ràng đây là một lựa chọn phù hợp hơn hình thức quỹ đại chúng.

Hạn chế của quỹ đóng là một trong những nguyên nhân các tổ chức đầu tư gây áp lực không nhỏ lên cơ quan quản lý để sớm cho ra đời hình thức quỹ mở. Một quan chức Ủy ban Chứng khoán cho biết qua quá trình tiếp xúc làm việc, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn rất quan tâm quỹ mở. Thậm chí họ còn đề nghị Ủy ban có cam kết là cuối năm 2011 phải ban hành quy định về quỹ mở vì cần thời gian chuẩn bị đến 6 tháng.

Theo thông tin chính thức, khả năng thông tư về quỹ mở sẽ được ban hành trong quý 4 năm nay và quy định về một số loại hình quỹ khác sẽ ban hành tiếp trong khoảng quý 1-3/2012.

Đặc biệt, dự kiến sẽ có cơ chế chuyển đổi riêng đối với các quỹ đóng hiện tại. Như vậy thay vì chờ đến ngày “xẻ thịt”, các quỹ đóng hiện tại có thể trải qua quá trình “lột xác” biến thành quỹ mở. Hiệu ứng giữa hai cách này cũng không khác biệt nhiều lắm, vì khi đó cổ đông muốn thoái vốn có thể bán lại chứng chỉ quỹ cho chính quỹ đó (như loại hình quỹ mở). Có lẽ, hình thức “lột xác” được thiết kế nhằm tạo ra sự chuyển đổi “mượt mà” hơn, tránh gây áp lực bán trên thị trường.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2011111605490970p0c7/ve-chai-dong-nat-chung-chi-quy.htm