Về chiến khu Rừng Sác

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân DânThực hiện phương châm tiếp xúc cử tri một cách linh hoạt, trong lần tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, ngoài tiếp xúc với cử tri quận 1, quận 3, quận 4, thuộc đơn vị bầu cử của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ - huyện miền biển duy nhất và cũng là huyện nghèo nhất của TP Hồ Chí Minh.

Cách trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ vài chục cây số, nhưng huyện Cần Giờ gần như biệt lập với sự sôi động, ồn ã của phố phường. Xe chúng tôi bon nhanh trên con đường Rừng Sác được mở rộng thênh thang, dọc hai bên là mầu xanh ngút ngàn rừng ngập mặn. Trong tâm tưởng mỗi người, đều hình dung về một thời các chiến sĩ đặc công Rừng Sác, từng là nỗi khiếp sợ đối với kẻ thù. Đâu đây như vẫn âm vang những trận đánh hào hùng, những chiến công vang dội của họ, khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn. Quân và dân chiến khu Rừng Sác đã góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Ngay khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa xuống xe, nhiều cử tri huyện Cần Giờ đã thân mật bắt tay và nhắc lại câu chuyện năm 2013, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đó giữ cương vị Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo xử lý nghiêm, giải quyết vụ Công an tỉnh Hải Dương giữ xe chở gần hai tấn bạch tuộc của ngư dân Cần Giờ. Sau khi vụ việc được làm rõ, Công an tỉnh Hải Dương đã vào tận Cần Giờ bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Nhiều ngư dân bày tỏ: Ngày đó, chúng tôi rất biết ơn đồng chí Bộ trưởng, nhưng hôm nay mới gặp được để nói lời cảm ơn. Chỉ một việc không lớn, nhưng cho thấy đồng chí đã không vì sợ ảnh hưởng danh dự, uy tín của ngành mình mà bỏ qua lợi ích của nhân dân. Chúng tôi đánh giá cao điều đó.

Câu chuyện của các ngư dân Cần Giờ đã khiến người đứng đầu Nhà nước bất ngờ và xúc động. Không khí buổi tiếp xúc trở nên gần gũi, cởi mở. Nhiều suy nghĩ, trăn trở được bà con giãi bày. Ông Lê Xuân Lan ở xã Lý Nhơn phấn khởi nói, trước giải phóng, Cần Giờ là vùng đất ba không: không đường, không điện, không nước ngọt. Chúng tôi cứ nghĩ, vùng đất ngập mặn, xa xôi, cách trở sông nước này sẽ không bao giờ có điện. Vậy mà đến nay, nước ngọt đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đường Rừng Sác rộng thênh thang nối Cần Giờ với thành phố; điện lưới quốc gia đã phủ kín.

Bà Trần Thị Kim Liên, ở xã Bình Khánh, bày tỏ mong muốn Cầu Cần Giờ - Nhà Bè đã được phê duyệt, cần sớm xây dựng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, đồng thời sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhất là về du lịch cho huyện đảo. Nhiều ý kiến cử tri cũng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước và TP Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư để Cần Giờ phát triển nhanh hơn, bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng Cần Giờ đến nay vẫn là huyện nghèo. Cử tri Lê Văn Được ở xã Lý Nhơn cho biết, với hơn 35 nghìn héc-ta, rừng sinh quyển Cần Giờ là lá phổi của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của những người giữ rừng rất khó khăn, do mức khoán bảo vệ rừng thấp. Đây là điều bất cập cần sớm được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết.

Trước những băn khoăn, trăn trở của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, Cần Giờ là huyện miền biển duy nhất của TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là huyện có truyền thống cách mạng, từng là căn cứ cách mạng. Trước đây, kẻ thù đã tìm mọi cách, kể cả rải chất độc hóa học, nhưng cũng không khuất phục được quân và dân Cần Giờ. Ngày nay, không có lý do gì để Cần Giờ không phát triển. Tuy nhiên, phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Chủ tịch nước cho rằng, mục tiêu xây dựng Cần Giờ phát triển xanh, sạch, hiện đại là hoàn toàn đúng đắn. Huyện cần chú trọng bảo vệ môi trường, sinh thái, phát triển du lịch sinh thái. Trước tình hình biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng đời sống con người, là vấn đề quan tâm của toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Không được đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào. Không nên chạy theo lợi ích cục bộ trước mắt mà hủy hoại môi trường.

Chia sẻ với điều trăn trở của cử tri Nguyễn Văn Hùng, ở xã Long Hòa, rằng học sinh Cần Giờ hiện nay rất thiệt thòi, do chưa được học ngoại ngữ, Chủ tịch nước cũng lưu ý TP Hồ Chí Minh cần quan tâm nhiều hơn, sớm giải quyết những kiến nghị chính đáng của bà con, nhất là các đối tượng chính sách; bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là việc đào tạo ngoại ngữ cho học sinh địa phương, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cần Giờ.

Liên quan chính sách người có công, Chủ tịch nước khẳng định, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn quan tâm đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng việc chăm lo, bảo đảm chính sách cho người có công luôn được ưu tiên thực hiện.

Trong không khí thiêng liêng của những ngày cuối tháng tư lịch sử, câu chuyện của người đứng đầu Nhà nước đồng thời là người từng đứng đầu ngành Công an với các cụ cao niên ở Cần Giờ bỗng chùng xuống, khi có ai đó nhắc đến những chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã hy sinh, nhưng đến nay chưa tìm được hài cốt. Đến thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Nhị, là con liệt sĩ ở thị trấn Cần Thạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xúc động khi bà Nhị cho biết, đây chính là chiếc tủ thờ do Chủ tịch nước tặng khi là Bộ trưởng Công an. Đồng chí trợ lý đi cùng cho biết, năm 2015, bằng tiền lương dành dụm của mình, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã gửi 52 chiếc tủ thờ tặng các gia đình liệt sĩ khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

HÀ QUỐC VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32716902-ve-chien-khu-rung-sac.html