Về cuốn sách 'Nhiếp ảnh nghệ thuật và hiện thực sáng tạo'

Hoàng Kim Đáng - một trong những nhà nhiếp ảnh kỳ cựu trong làng ảnh hiện nay - đã cho ra mắt công chúng cuốn sách “Nhiếp ảnh nghệ thuật hiện thực và sáng tạo”.

Từ một thầy giáo dạy văn, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sỹ của Đoàn 559, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên con đường binh nghiệp, anh đã làm quen với chiếc máy ảnh và chẳng bao lâu trở thành “con nghiện” say sưa với việc ghi hình, mà đối tượng ghi hình không ai khác là những đồng đội của anh: những chiến sỹ công binh, những chiến sỹ lái xe, vận tải… trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Năm 1974, anh chuyển ngành về làm phóng viên ảnh cho Báo Văn nghệ và trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam, rồi được bầu vào BCH Hội, phụ trách Tạp chí Nhiếp ảnh. Sau đó anh được điều về Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Tại đây nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng có điều kiện đi sâu nghiên cứu về lý luận phê bình nhiếp ảnh. Sau ngày về nghỉ hưu, Hoàng Kim Đáng càng có nhiều thời gian sưu tầm và biên soạn nhiều cuốn sách có giá trị, mà một trong những cuốn sách đó là cuốn “Nhiếp ảnh nghệ thuật hiện thực và sáng tạo”.

Bìa cuốn sách “Nhiếp ảnh nghệ thuật hiện thực và sáng tạo”.

Cuốn sách vỏn vẹn chỉ có 146 trang, nhưng khá xúc tích, có nhiều tìm tòi, đánh giá, nhận định khá chính xác, mang tính lý luận thực tiễn và sự hiểu biết lịch sử sâu rộng. Sau khi trích dẫn những lời hay ý đẹp về nghệ thuật nhiếp ảnh của các nhà nhiếp ảnh, các nhà nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và thế giới, cuốn sách dẫn bạn đọc đi vào tìm hiểu nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong quá trình hình thành phát triển, hội nhập quốc tế và vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay.

Bằng những tác phẩm ảnh của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam ghi chép một cách hiện thực khách quan dưới con mắt nghệ thuật, Hoàng Kim Đáng đã phân tích, trình bày cho ta thấy rõ bối cảnh xã hội Việt Nam, một xã hội phong kiến thuộc địa, bị thực dân Pháp cai trị và tầng lớp địa chủ bóc lột, nhân dân vô cùng cực khổ trong những năm 1869, năm mà kỹ thuật nhiếp ảnh được cụ Đặng Huy Trứ đưa vào Việt Nam cho đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Những nhà nhiếp ảnh tiêu biểu cho giai đoạn này là Đặng Huy Trứ, Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký), Trương Văn Sáng, Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Nguyễn Duy Kiên…, trong Nam có Lê Văn Thi, Trần Đăng Lâm, Nguyễn Hữu Phúc…, trong đó đáng chú ý nhất là Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) tuy chỉ lấy nghề ảnh kiếm sống để hoạt động cách mạng, nhưng ảnh của Bác rất có uy tính trong giới công chức và tầng lớp trí thức Pháp lúc bấy giờ.

Giai đoạn 1945 - 1975, nhiếp ảnh Việt Nam có những bước phát triển mới, gặt hái được nhiều thành tựu nghệ thuật và có tiếng vang trên trường quốc tế, xây dựng được một nền nghệ thuật nhiếp ảnh hiện thực xã hội chủ nghĩa, với những bộ ảnh có giá trị nghệ thuật cao, mang tính nhân văn cách mạng sâu sắc. Đó là bộ ảnh vạch trần tội ác dã man “trời không dung, đất không tha” của phát xít Nhật và thực dân Pháp đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói thê thảm, đã được nhiếp ảnh gia Võ An Ninh thu vào ống kính, đó còn là các tác phẩm ngợi ca cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 dành thắng lợi trên khắp cả nước.

Tiêu biểu là bức ảnh nhân dân Hà Nội cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ của nghệ sỹ Vũ Năng An và các tác phẩm của Võ An Ninh, Nguyễn Bá Khoản… chụp ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên bố với toàn thế giới “nước Việt Nam là một nước độc lập và sự thật đã là một nước độc lập”. Và đặc biệt là bộ ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” của Triệu Đại, Ngọc Thông…, đã chấm dứt chiến tranh.

Hòa bình lập lại ở Việt Nam, nhân dân Hà Nội phấn khởi chào đón những người con chiến thắng trở về với những bông hoa tươi thắm và hình ảnh tên lính Pháp bại trận cuối cùng rút khỏi bốt Hàng Đậu, lủi thủi nặng bước qua cầu Long Biên. Hòa bình chưa được bao lâu, nhân dân ta còn đang nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, thì đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng nhằm “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ Đồ đá”.

Cùng với cả dân tộc, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam một lần nữa ba lô máy ảnh lên đường cùng đoàn quân ra trận ghi lại hình ảnh của quân dân miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với những hình ảnh tiêu biểu “Chạy đâu cho thoát” của Mai Nam, “Hạ uy lực của Huê Kỳ” của Quang Văn, “O du kích nhỏ” của Phan Thoan, “12 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc” của Văn Sắc… Với tác phẩm “Hiên ngang” của Vũ Tạo ghi lại một khoảnh khắc vàng, là hình ảnh các chiến sỹ pháo cao xạ bình tĩnh hiên ngang nhằm thẳng máy bay Mỹ mà bắn, trong khi hàng đàn máy bay chúng đang rải bom đạn xối xã xuống cầu Phủ Lạng Thương, bốn bề khói bom mù mịt…

Thi đua với các nhà nhiếp ảnh miền Bắc, các phóng viên ảnh miền Nam theo sát từng bước chân anh giải phóng ghi lại những chiến công hiển hách của họ với “Chiến thắng cầu Đầu Mầu”, chiến thắng đường 9 Nam Lào, thành cổ Quảng Trị... và cuối cùng là đại thắng mùa Xuân 1975. Vào lúc 11 giờ 30, ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn bị sụp đổ. Chiến tranh chấm dứt, non sông liền một dải.

Qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam cùng dân tộc đã làm nên những kỳ tích vẻ vang, đã đưa nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới, sánh ngang với các cường quốc nhiếp ảnh. Ngày nay trong hòa bình xây dựng, ảnh Việt Nam được bạn bè khắp năm châu đánh giá cao và đã dành được nhiều phần thưởng quốc tế cao quý như tác phẩm “Bạn của mẹ” của Đoàn Đức, “Bà cháu” của Đỗ Ngọc, “Khi cơn mưa ập tới” của Dương Tiến… không chỉ mang hơi thở của thời đại, mà còn thể hiện rõ bản chất nhân văn cao cả, lòng yêu chuộng hòa bình hữu nghị của nhân dân Việt Nam.

Khi cuốn sách “Nghệ thuật nhiếp ảnh hiện thực và sáng tạo” khép lại đã để lại trong lòng người đọc những giây phút sảng khoái, đầy tự hào qua sự đúc kết lịch sử bằng hình ảnh sinh động mà các tác giả đã đổi bằng xương máu ghi lại được, đồng thời qua đó đã đưa đến cho độc giả những phân tích mang tính lý luận về một nền nhiếp ảnh đương đại được tạo ra từ cuộc sống thực tế Việt Nam mà nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng với những năm tháng say sưa đã kỳ công đúc kết được. Điều đó không phải dễ gì ai cũng có thể làm được, đặc biệt ở cái tuổi “cổ lai hy xưa nay hiếm” như nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng lại càng được trân trọng.

Mạnh Thường/ KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ve-cuon-sach-nhiep-anh-nghe-thuat-va-hien-thuc-sang-tao-p45342.html