Vẻ đẹp hút hồn của những cô gái miền quan họ trong chiều hội Lim

Đến với hội Lim ở Tiên Du Bắc Ninh để cùng khám phá những nét đẹp miền quan họ của những cô gái nơi đây.

Hội Lim là một trong những lễ hội thể hiện rõ nét nhất tinh hoa của người Quan họ, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc. Hội Lim sẽ được tổ chức trong 2 ngày, ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là xã Nội Duệ, Liên Bão và thị trấn Lim, trong đó trung tâm lễ hội là đồi Lim - thị trấn Lim. Từ ngày 12, các làng thuộc Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim mở cửa đình, đền, chùa tổ chức tế lễ dâng hương.

Hội Lim, một lễ hội lớn của Bắc Ninh

8h sáng ngày 13/1 Âm lịch hàng năm, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi thức và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.

Để hát thờ, các liền anh,liền chị quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần. So với ngày xưa, lượng du khách thập phương đến với hội Lim giờ đã đông hơn rất nhiều do phương tiện đi lại cũng như các tuyến đường cao tốc đã được mở rộng. Và Hội Lim được biết đến là nơi tụ hội nhiều liền anh, liền chị nhất của xứ Kinh Bắc ngày xưa và tỉnh Bắc Ninh ngày nay, đồng thời nó cũng lễ hội lớn nhất trong vùng.

Khi đến với hội Lim, du khách sẽ cảm nhận được sự đặc biệt mà ở các lễ hội khác không có: Trong tà áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ các cô gái Kinh Bắc dịu dàng thả dáng trước ống kính của các nhiếp ảnh gia đầy mê đắm ngọt ngào.

Áo tứ thân, áo bà ba, áo dài, áo yếm là bốn trang phục có từ lâu đời của phụ nữ Việt Nam. Mỗi vùng miền lại có một trang phục riêng phù hợp với đặc trưng của từng vùng. Áo tứ thân là trang phục truyền thống của phụ nữ miền đồng bằng Bắc Bộ. Áo tứ thân của phụ nữ Kinh Bắc gồm khăn mỏ quạ, vấn, áo tứ thân, trong đó khăn mỏ quạ tượng trưng cho một búp sen, và cũng được ví như giống hình một chữ Nhân – thể hiện tinh thần của người quan họ coi trọng nhân nghĩa, lấy “đức” làm đầu, sống có tình người. Cũng như vậy, hình ảnh áo yếm của người quan họ là yếm đỏ, yếm đào bởi người quan họ sống rất mộc mạc chất phác nhưng tình yêu, tình cảm thì luôn nồng cháy, nhiệt huyết.

Đặc biệt tại vùng đất Kinh Bắc, nơi còn lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước và là nơi sản sinh ra Dân ca quan họ – một làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng Châu thổ song Hồng của miền Bắc Việt Nam.

Áo tứ thân mớ ba mớ bảy tha thướt làm thân hình của các cô gái gọn gàng, thon thả và khoe được những đường nét gợi cảm nhưng e ấp kín đáo của một thiếu nữ.

Trong tà áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, tay nón quoai thao… những vẻ đẹp của tuổi mười chín đôi mươi trở nên ngọt ngào đến lạ. Thế mới nói sức hút của những nét đẹp truyền thống mà chúng ta luôn gìn giữ và phát huy là những cái cũ nhưng không bao giờ mờ nhạt, thậm chí còn tôn thêm nét đẹp của người con gái Việt trong thời kỳ hiện đại một cách mạnh mẽ và đa sắc.

Trong nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của quan họ, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc khôi phục, giữ gìn, phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống; điều tra, sưu tầm, nghiên cứu không gian văn hóa, tổ chức các hội thảo khoa học về quan họ; kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; tổ chức phục dựng lại toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ; tập hợp các nghệ nhân quan họ còn lại thành từng nhóm, sử dụng họ làm hạt nhân cho phong trào ca hát quan họ ở cơ sở; đầu tư kinh phí mở lớp học hát quan họ ở các làng có phong trào hát quan họ...

Về với Hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật. Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hóa cao. Hội Lim luôn để lại trong lòng người đi hội một cái gì đẹp lắm. Đó chính là nét đặc sắc của nền văn hóa truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt.

Du xuân trên miền Quan họ, thưởng thức nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của hội Lim trong không gian văn hóa phi vật thể nhân loại là sự hài lòng cho mỗi du khách gần xa. Từ sự thành công của lễ hội năm nay, Hội Lim ngày càng có sức cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ, để câu hát “Người ở đừng về” của người Quan họ sẽ mãi vấn vương mỗi người tới mùa hội sau...

Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại:

Người ơi, người ở đừng về….

Ảnh: Trần Đại Dương

Trần Thanh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ve-dep-hut-hon-cua-nhung-co-gai-mien-quan-ho-trong-chieu-hoi-lim-d114660.html