Vẻ đẹp tự nhiên bị vẻ đẹp nhân tạo lấn lướt

Trong khi Việt Nam đề cao tiêu chuẩn đẹp tự nhiên, thì rất nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế khi cử nhà đại diện vào Việt Nam tuyển sinh, lại cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ dự thi. Điều này gây lấn cấn cho thí sinh và cả khán giả, khi nghĩ rằng vì sao có sự lệch pha như thế?

Nguyễn Thị Thành.

Phẫu thuật thẩm mỹ - chuyện bình thường

Mới đây nhất, tại buổi họp báo ở Hà Nội, BTC cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2017 tuyên bố chấp nhận cả thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Theo ông Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - Miss Grand International 2017, ngoại trừ phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cuộc thi vẫn chấp nhận những người đẹp đã qua chỉnh sửa sắc đẹp.

Trước câu hỏi cuộc thi sẽ áp dụng luật chơi nào, của ban tổ chức cuộc thi hay của nước sở tại là Việt Nam, đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, quy định “phải có vẻ đẹp tự nhiên” được ghi rõ tại khoản a, mục 1, Điều 19 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, đây là quy định dành cho cuộc thi trong nước, không phải cuộc thi quốc tế.

Có nghĩa là, trong khi quy định trong nước khá ngặt nghèo về việc thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên và cuộc thi nào tổ chức ở Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định trên, thì chỉ cần mang danh là cuộc thi quốc tế, bất cứ cuộc thi nhan sắc nào được tổ chức ở Việt Nam tuyển thí sinh “dao kéo” vẫn hợp lệ.

Và từ đây cũng có thể hiểu rằng, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế nếu tổ chức ở Việt Nam để chọn đại diện dự thi cũng vẫn có thể nhận thí sinh đã trải qua dao kéo, hay làm răng. Điều đáng nói là cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ xưa nay vẫn cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Thậm chí, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ còn chấp nhận cả thí sinh chuyển giới, như hiện tượng Kylan Arianna Wenzel - đại diện Mỹ tại Hoa hậu Hoàn vũ - dự thi năm 2012.

Tổ chức giữ bản quyền cuộc thi Hoa hậu Thế giới tuy chưa bao giờ lên tiếng về điều này nhưng cũng chưa bao giờ loại thí sinh nào đã phẫu thuật thẩm mỹ. Thậm chí, bà Julia Morley - Chủ tịch tổ chức giữ bản quyền Hoa hậu Thế giới - còn cho biết: “Nếu bạn không tự tin về sắc đẹp của mình, bạn có thể phẫu thuật để mình thoải mái hơn”. Nhiều nhan sắc “dao kéo” như: María Julia Mantilla (Peru), Ivian Sarcos (Venezuela) lần lượt đăng quang ngôi vị hoa hậu năm 2004 và 2011. Chưa kể hàng loạt á hậu đều qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Với cuộc thi được xếp hạng thấp hơn như Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Hoàn vũ..., yếu tố phẫu thuật thẩm mỹ càng không được đề cập. Năm 2016, Ngọc Duyên - đại diện nhan sắc Việt tại Nữ hoàng Sắc đẹp toàn cầu - đã giành ngôi vị cao nhất, và cô không hề giấu giếm việc mình đã trải qua phẫu thuật
thẩm mỹ.

Còn nói về các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ có Colombia, Pháp và Việt Nam là 3 nước nói không với vẻ đẹp dao kéo. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, hai nước này lại hoàn toàn đồng ý với việc thí sinh
làm răng.

Nên chấp nhận luật chơi của thế giới

Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu Việt Nam siết chặt vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ trong khi thi hoa hậu, thì các đấu trường quốc tế lại xem chuyện này hết sức bình thường, vậy thí sinh Việt Nam có chịu thiệt thòi không? Có nên khác biệt mãi như vậy hay chấp nhận luật chơi của
thế giới?

Câu chuyện của Nguyễn Thị Thành - thí sinh bị tai tiếng nhất hiện nay chỉ vì thay mấy chiếc răng cửa khiến người ta phải giật mình, và đặt ra câu hỏi: Có nên quá khắt khe với thí sinh trong nước, trong khi cả thế giới cho phép chỉnh nha khoa? Thành làm răng và bị phát hiện ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, sau đó đăng quang Á khôi Du lịch Việt Nam cũng phải trả lại danh hiệu, nên không thể nào đường đường chính chính đi thi Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế, phải mang tiếng “thi chui” với tư cách thí sinh tự do. Khi về Thành biết cầm chắc bị án phạt lẫn lệnh cấm diễn, nên lại phải viết tâm thư “đi trước một bước” là “giải nghệ”… Nhiều người tự hỏi, vì sao không ai khổ sở, lao đao như cô gái này? Vì sao cô được truyền thông “săn đón” vì những tin tức gây phiền não và tổn thương như vậy, nhất là với ước mơ thoát nghèo của một cô gái xuất thân nhà nông đầy quyết tâm như Thành?

Câu chuyện của Nguyễn Thị Thành khiến bà Chủ tịch Miss Eco International - Dr Amaal Rezk thương cảm và bà cho rằng cuộc thi Miss Eco International hoàn toàn cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này cũng cho thấy, nên chăng nhà quản lý cũng suy nghĩ thấu đáo trước những quy định làm khó cho thí sinh trong nước, gây thiệt thòi cho các người đẹp khi đi thi quốc tế. Ít nhất cũng nên thay đổi quan niệm chỉnh sửa nha khoa cho phù hợp luật chơi. Hơn thế nữa, quan niệm về vẻ đẹp người phụ nữ hiện đại ít nhiều đã thay đổi. Đẹp trời sinh hay nhân tạo cũng không quan trọng bằng phong thái tự tin và mang lại cảm hứng cho số đông, và quan trọng hơn, vẻ đẹp đó có làm lan tỏa lòng nhân ái, bao dung đến với cộng đồng hay không.

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/ve-dep-tu-nhien-bi-ve-dep-nhan-tao-lan-luot-657493.bld