Về Đọi Sơn xem 'vua' cày ruộng

Có những câu chuyện ngỡ như chỉ lưu trong cổ tích, hay ẩn chứa trong những áng thơ văn. Vậy mà riêng ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, hình ảnh vua Lê Đại Hành về cày ruộng hằng năm...

Có những câu chuyện ngỡ như chỉ lưu trong cổ tích, hay ẩn chứa trong những áng thơ văn. Vậy mà riêng ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, hình ảnh vua Lê Đại Hành về cày ruộng hằng năm, vẫn còn được giữ gìn cho đến ngày nay. Đó là “Lễ hội Tịch điền” được hình thành từ mùa xuân năm 987. Mới đây, đúng ngày đầu xuân Đinh Dậu (2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về lái chiếc máy cày đầu tiên trên cánh đồng “Kim ngân điền” xưa, trong Lễ hội truyền thống Đọi Sơn...

Chum vàng, chum bạc của “Kim ngân điền”

Vì sao cách đây 1.130 năm, vua Lê Đại Hành lại về đây cày ruộng, với mục đích khuyến nông cầu mưa thuận gió hòa bên chân núi Đọi Sơn. Câu chuyện đó gây ấn tượng sâu sắc trong toàn dân, khởi điểm cho hình ảnh lấy dân làm gốc, mang tính truyền thống của văn hóa và lịch sử nước Việt. Trước hết núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư ngày đó. Vua khi mới lên ngôi (năm 980) luôn lo phòng thủ bảo vệ đất nước và đẩy mạnh nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Cánh đồng xã Đọi Sơn được chọn là nơi phát động phong trào thi đua sản xuất, xây dựng cư dân trù phú và trở thành điểm phòng vệ quan trọng ở vòng ngoài thành lũy. Núi Đọi là điểm quan sát khắp một vùng rộng lớn, quản lý những cung đường bao quanh từ xa.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày ruộng tại Lễ hội Tịch điền đầu xuân Đinh Dậu, 2017.

Chuyện làng ghi lại, trước đó dân làng đã thay nhau ngày đêm làm những chiếc trống lớn để mừng Lễ Vua đích thân về cày ruộng. Nhiều tay trống của làng Đọi Tam ngày đó được chọn ra, trẻ trung dũng mãnh tựa như tướng lĩnh xông pha trận mạc. Tiếng trống vang lên như sấm dội mừng vua bước xuống cầm chiếc cày đi sau con trâu của làng. Hình ảnh vua khỏe mạnh yêu thương dân như con và lầm lũi đổ mồ hôi trong từng đường cày đã khích lệ toàn dân gắn bó với cánh đồng quê hương. Vua cũng hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng của dân làng và đã phong những tay trống cự phách nhất lúc đó là “Trạng Sấm”. Đó là sự thúc đẩy nghề thủ công nghiệp, làm trống của làng được gìn giữ như một đặc sản mà ít nơi nào có được.

Chuyện được viết tiếp năm sau, khi cày ruộng vua Lê Đại Hành đã bắt được một chum vàng, trong niềm vui hân hoan của người dân. Nông nghiệp ngày càng phát triển, mùa mùa ấm no, cùng với đó còn phát triển nghề làm trống ở làng Đọi Tam. Sau đó, vua còn tiếp tục bắt được chum bạc dưới mảnh đất bên chân núi Đọi, càng khẳng định sự đúng đắn trên con đường phát triển đất nước của triều đại nhà Tiền Lê (980-1005). Thửa ruộng được vua cày sau đó còn được gọi là “Kim ngân điền”. Đó chính là đất vàng, đất bạc đem lại sự no ấm muôn đời cho người dân. Ý tưởng “hạt gạo là hạt ngọc” được truyền tụng trong dân gian để giáo dục các thế hệ quý trọng thóc lúa và tiết kiệm trong đời sống. Và cũng do chính Lễ hội Tịch điền này đã tạo nên một tiền lệ cho những triều đại sau. Đặc biệt đến thời Lý, trên núi Đọi còn được vua Lý Thánh Tông (1054-1058) cùng với Vương phi Ỷ Lan cho xây chùa và đặt tên là chùa Long Đọi Sơn (gọi tắt là chùa Đọi). Liên tiếp sau đó đến đời vua Lý Nhân Tông cho tu bổ và xây tháp “Sùng Thiện Diên Linh” trong ba năm mới hoàn thành (1118-1121). Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến ngày Lễ hội chùa Đọi 17/3 âm lịch, hàng chục ngàn dân khắp các vùng chung quanh và cả nước đến lễ và chiêm bái.

Đáng chú ý, người nông dân được đóng vai “Vua” đi cày trong Lễ hội Tịch điền phải là một lão nông khỏe mạnh được dân làng tôn trọng, chọn lựa theo các tiêu chí đã đề ra. Mỗi năm là một chọn lựa khác nhau, với các hình ảnh tiêu biểu cho làng xã, được con cháu noi gương. Lại nhớ, vào năm 2010, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về tham gia lễ hội, với những đường cày thẳng tắp trên thửa ruộng “Kim ngân điền” cổ kính hơn ngàn năm. Lần đầu tiên một vị Chủ tịch nước mặc áo nâu sòng cầm cày như một nông dân chính hiệu. Ông đã cày ruộng, sau khi người đóng vai “vua” đã thực hiện những nghi lễ của Hội Tịch điền đầy hào hứng, giữa những tiếng trống sôi động của những cô gái làng Đọi Tam. Đó là hình ảnh đẹp ghi dấu ấn sâu sắc trong đời sống dân chúng trong nhiều năm qua. Lại mới đây, Xuân Đinh Dậu (2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã về lái chiếc máy cày trên cánh đồng “Kim ngân điền” của Đọi Sơn để tiếp nối truyền thống Khuyến nông của ông cha ta từ hàng ngàn năm qua. Hình ảnh Chủ tịch nước cày ruộng tiêu biểu cho sự đổi thay sâu sắc về một phong cách lãnh đạo mới, lấy dân làm gốc, đến với dân và sống cùng với những hiện tại mà nhân dân đang lao động và phấn đấu dựng xây đất nước. Nhân dân Đọi Sơn tưng bừng đón Chủ tịch nước với tình cảm nồng ấm thân thiện. Bởi đó chính là hình ảnh người nông dân của làng cần mẫn sớm hôm trên cánh đồng làm nên những mùa vàng đã bao đời nay...

Đội trống gái Đọi Tam

Về làng nghề làm trống Đọi Tam lần này, tôi có dịp được gặp vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Lê Ngọc Hùng, người đã từng tham gia cùng với nghệ nhân Phạm Chí Khang làm chiếc trống “khủng” nhất từ xưa đến nay. Hiện chiếc trống sấm kỷ lục đó (cao 3m, đường kính 2,35m) được đưa lên chùa Bái Đính, sau lễ hội chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng kể, làng còn làm hàng chục trống sấm khác với các kích cỡ khác nhau cho nhiều địa phương trên toàn quốc. Có thể nói đó là những chiếc trống lớn chỉ có ở Đọi Tam mà thôi.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2017.

Khi nói lịch sử làng nghề làm trống, ông Hùng cho biết, làng nghề được xác định theo mốc từ năm 987 khi vua Lê Đại Hành về cày ruộng ở làng. Vì từ ngày đó hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã làm chiếc trống sấm đầu tiên để chào đón vua về làng. Trong lễ hội hai ông cùng được vua ban cho danh hiệu “Trạng Sấm”. Sau này hai ông còn dạy dân làng phát triển nghề làm trống và được tôn sùng là những ông tổ nghề. Vậy tính đến nay làng nghề cũng đã được 1.130 năm. Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng còn nhớ các cụ cao niên kể lại tích, khi vua Lý Thái Tổ (1010-1028) rời Hoa Lư về thành Thăng Long đã đưa đoàn thuyền rồng theo sông Đáy vào sông Châu để ra sông Hồng. Khi đoàn thuyền của vua qua đoạn sông gần chân núi Đọi, cả làng ra chào mừng với những dàn trống làm vang dậy cả một vùng sông nước. Vua nhà Lý xúc động, trong lòng mừng vui khi được dân chúng ủng hộ, bèn cho những người thợ giỏi lên kinh đô làm trống. Có thể phố Hàng Trống được hình thành từ đó, trong 36 phố phường Hà Nội xưa.

Khi xuống xưởng làm việc của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng tôi ngạc nhiên khi thấy vợ ông là bà Thanh đang tay xẻ tay cưa tang trống. Bà đã cùng chồng làm trống đã ba mươi năm nay, khác hẳn với thời xưa, nghề làm trống không được truyền cho con gái trong làng. Dưới xưởng còn có nhiều thợ gái khác cũng đang hối hả chuẩn bị cho ra đời một chiếc trống sấm mới. Mà chủ nhân đặt hàng tận phía Nam đòi hàng gấp gáp để kịp vào lễ hội mùa xuân năm 2017. Một không khí khác thường. Tại nơi đây, những người thợ đang hối hả sản xuất hàng loạt trống đưa đi các vùng miền. Họ rất vui khi biết những tiếng trống Đọi Tam luôn vang lên rạo rực, đem lại niềm vui cho những ngày hội khắp nơi.

Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng còn cho biết, vui nhất là Đọi Tam có một đội trống gái 48 người, gồm các cô gái xinh đẹp và thuộc rất nhiều bản nhạc và đi biểu diễn thường xuyên. Ông khẳng định đây là đội trống gái duy nhất trên toàn quốc. Ít ai ngờ rằng, có chiếc trống sấm cao 1,77m, với đường kính 1,47m cũng do một nữ nghệ sĩ biểu diễn cùng dàn trống đại, trống cám, trống nhỡ... Mỗi chiếc trống là một nốt nhạc hòa vang trong dàn giao hưởng âm thanh. Đội trống gái Đọi Tam được thành lập từ năm 2004. Số nghệ sĩ tăng dần cho đến nay đã lên tới con số 60, sau khi bổ sung 12 nam nghệ sĩ chuyên sử dụng các bộ nhạc khí kim loại như chiêng, thanh la, não bạt... đệm cho dàn trống. Cứ mỗi đợt xuân về là đội trống gái lại tập luyện để đi biểu diễn các nơi nhất là chuẩn bị đón Lễ hội Tịch điền hàng năm của xã Đọi Sơn. Đã hơn 12 năm tập luyện, đội trống gái làng Đọi ngày càng điêu luyện với những bản nhạc khá phong phú về thể loại và tiết tấu mới lạ. Mỗi lần đi biểu diễn là đoàn phải mang theo hàng trăm chiếc trống các loại lớn nhỏ khác nhau. Khán giả khó ngờ, qua những bàn tay ngỡ như mềm yếu ấy lại vang lên rạo rực, khi dồn dập như thác đổ, khi cuộn trào sóng dội vách đá, lúc lại rền vang nỗi hoan ca mơ mộng dâng cao...

Nhịp điệu xuân về

Thật thú vị đúng vào thời điểm trai làng Đọi chuẩn bị lên đường nhập ngũ, đội trống gái đang luyện lại bản nhạc hòa vang tổ khúc Lá xanh của cố nhạc sĩ Hoàng Việt. Điều kỳ lạ ở chỗ, tiếng chiêng và thanh la cùng vang lên theo nhịp trống con rộn ràng tạo nên hình ảnh lá rung rinh chào đón những chiến sĩ trẻ đang dồn dập đi trong hàng quân. Lời ca quen thuộc vang lên trong điệp khúc: “Đi đầu quân! Đi trong mùa động viên. Đi đầu quân! Đi trong mùa xuân mới. Gió lá reo. Gió lá reo. Kia bảng treo cùng trong làng. Đi đầu quân. Tất cả cho tiền tuyến. Mau lên đi! Hỡi các anh trai làng...”. Chúng tôi như bị hút vào giai điệu trống cuồn cuộn trong làn gió núi tràn về.

Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng, chính là một cựu chiến binh ngày nào, cũng rạo rực trong lòng mỗi mùa trai làng lên đường làm nhiệm vụ. Ông lặng đi với bao ký ức tràn về. Chúng tôi cùng nhìn lên ngọn núi Đọi theo những cánh chim bay dào dạt từ cánh đồng trở về với hàng cây xanh trên cao. Bất ngờ tiếng trống trường vang lên như hiệu lệnh quen thuộc. Âm vang dồn dập vui reo. Những em học sinh ùa ra từ cánh cổng trường làng. Hàng trăm chiếc khăn quàng đỏ trên ngực các em bay phấp phới theo chiều gió như những búp lửa bừng lên trong nắng xuân về. Chúng reo lên và nhảy chân sáo theo nhịp trống của bản nhạc Lá xanh xôn xao... xôn xao...

Bài và ảnh: Vương Tâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ve-doi-son-xem-vua-cay-ruong-n127872.html