Về làng làm công nhân

Hai năm gần đây, nhiều lao động trẻ Quảng Bình làm việc tại các tỉnh phía nam đã trở về quê hương tìm việc làm, nhất là trong lĩnh vực may mặc. Việc nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu được thành lập ngay ở làng không chỉ giúp nhiều lao động trẻ trở về làm việc và ổn định cuộc sống ngay chính tại quê hương mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Làm công nhân ở làng cũng vui

Đoàn Thị Mỹ Linh quê ở Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) từng là công nhân may tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nay là công nhân làm việc tại Công ty TNHH S&D đóng tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh. Đoàn Thị Mỹ Linh kể rằng, trong thời gian làm việc tại Đồng Nai đã lập gia đình với một công nhân cùng quê. Mỗi tháng, hai vợ chồng nhận hơn 10 triệu đồng tiền lương nhưng chi phí cho gia đình gồm năm người không đủ, cứ túng trước thiếu sau. Ngoài giờ làm khoán, Linh còn làm tăng ca để có thêm thu nhập. Làm việc vất vả như vậy nhưng cứ Tết đến, vợ chồng Linh cũng như nhiều công nhân may quê ở Quảng Bình làm cùng công ty không đủ tiền về quê đón Tết cùng gia đình. Tết Nguyên đán vừa qua là cái Tết đầu tiên Linh được sum họp cùng gia đình ngay tại quê nhà sau hơn 5 năm làm công nhân ở Đồng Nai. Linh cho biết, qua thông tin từ quê nhà, vợ chồng em biết ở thị trấn Quán Hàu có nhà máy may công nghiệp xuất khẩu, em gửi hồ sơ về thì được tuyển ngay. Bây giờ cuộc sống gia đình khá ổn định.

Anh Dương Viết Phú ở xã Tân Ninh xa quê lập nghiệp bằng nghề may công nghiệp đã nhiều năm. Trước đây, anh làm việc ở Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, vợ chồng anh thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, gia đình gồm bốn người thường thiếu trước hụt sau. Vợ chồng anh nhiều lần bàn nhau chuyển về quê sinh sống nhưng ruộng không có, nghề nghiệp thì chỉ mỗi nghề may công nghiệp chẳng biết xin vào đâu nên đành thôi. Năm 2013, khi biết tin tại Quán Hàu có mở nhà máy may, vợ chồng anh nộp hồ sơ xin việc và được chấp thuận ngay. Bây giờ, vợ chồng anh là công nhân lành nghề ở Công ty TNHH S&D. Cả gia đình chuyển về quê sinh sống, hai đứa con anh được bà nội chăm chút cho nên họ yên tâm làm việc. Bây giờ, với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng, vợ chồng anh đã có thể tích góp được để làm những việc lớn hơn.

Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Nguyễn Ngọc Vĩ cho biết, đơn vị được thành lập vào tháng 7-2014 trên cơ sở liên doanh giữa Công ty cổ phần May 10 với các đối tác để gia công các sản phẩm may mặc phục vụ xuất khẩu. Giai đoạn một, công ty có 18 chuyền may với 700 công nhân, trong đó có khoảng hơn 15% là công nhân đang làm việc tại nhà máy ở các tỉnh phía nam chuyển về. Ngay sau khi tuyển dụng, công ty tổ chức đào tạo lại cho công nhân để có kỹ thuật đồng đều khi bắt tay vào công việc và bảo đảm năng suất làm việc. Ngoài mức lương bình quân 4,4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, công ty còn tổ chức bữa ăn trưa cho công nhân. Cơm do bếp ăn doanh nghiệp tự nấu, thực phẩm được cung ứng bởi các doanh nghiệp, tổ hợp tác có uy tín để bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, giai đoạn hai của dự án đang hoàn thành để đưa vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 800 lao động.

Thêm hy vọng cho lao động trẻ ly hương

Cũng như nhiều địa phương khác, sau Tết Nguyên đán hằng năm, hàng nghìn lao động trẻ tại Quảng Bình khăn gói vào các tỉnh phía nam tìm việc làm, trong đó chủ yếu làm việc trong ngành giày da và may mặc. “Ly nông nhưng không ly hương” là vấn đề rất khó giải quyết đối với các địa phương mà nền sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé như Quảng Bình. Chính vì vậy, tỉnh chọn ưu tiên đầu tư các dự án may mặc xuất khẩu để góp phần thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm cho lao động, kéo giảm tình trạng ly nông dẫn đến ly hương.

Từ thành công của dự án đầu tư Nhà máy may xuất khẩu Hà Quảng hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần May 10 quyết định đầu tư dự án may xuất khẩu tại thị trấn Quán Hàu; Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư dự án may tại huyện Lệ Thủy cùng với các dự án may quy mô nhỏ khác đã hình thành nên ngành may mặc tại Quảng Bình. Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Lê Trá Khoái cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 10 dự án may mặc đi vào hoạt động, tạo ra gần 20 triệu sản phẩm mỗi năm. Điều quan trọng là tạo được hàng chục nghìn chỗ làm mới cho lao động trẻ. Tuy thu nhập chưa cao, nhưng bù lại chi phí cho cuộc sống thấp, không tốn kém tiền đi lại mỗi lần nghỉ lễ, Tết cho nên nhiều lao động trẻ đã lựa chọn trở về quê.

Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Quảng Bình Trần Đình Hải Lâm cho biết, đoàn viên công đoàn toàn ngành hiện có gần 3.700 lao động, chủ yếu làm việc trong các công ty may và phần lớn là nữ. Thời gian qua, công đoàn phối hợp lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Bình làm việc với chủ các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có các biện pháp hỗ trợ công nhân lao động nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài tiền lương cơ bản, công nhân trong ngành may mặc đều có tháng lương thứ 13 hoặc thưởng Tết, ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị còn tổ chức tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Xí nghiệp may Hà Quảng Nguyễn Trường Tiêu chia sẻ: “Công nhân là vốn quý của doanh nghiệp cho nên các chế độ, chính sách được chúng tôi thực hiện nghiêm túc và kịp thời, có như vậy họ mới chung lưng, đấu cật giúp cho công ty ngày càng lớn mạnh”.

Phát triển công nghiệp thông qua việc ưu tiên đầu tư các dự án may mặc bước đầu mang lại hiệu quả cao tại Quảng Bình, đặc biệt dưới góc độ tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Và như vậy, cơ hội được làm việc trong nhà máy sản xuất công nghiệp hiện đại ngay tại quê hương đang tiếp tục được mở ra với nhiều lao động trẻ đang "ly hương".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32663002-ve-lang-lam-cong-nhan.html