Về nơi cội nguồn cách mạng

Cao Bằng - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Căn cứ địa cách mạng Cao Bằng đã tập hợp quần chúng rộng rãi, đoàn kết các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mảnh đất phên dậu Cao Bằng hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần cách mạng, nỗ lực vươn lên phát triển nhanh và bền vững.

Những ngày này, dọc các con đường ở TP Cao Bằng, nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng trước hiên, hân hoan chào đón dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. Phố Cũ, con đường từng gắn với cuộc tuần hành và mít-tinh lịch sử 72 năm trước (sáng 22-8-1945) của quần chúng nhân dân thị xã Cao Bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, giành chính quyền giờ là một trong những nơi sầm uất nhất thành phố. Trong cuộc tuần hành lớn, quần chúng vừa đi vừa hô khẩu hiệu trên các đường phố, rồi họp mít-tinh tại chùa Phố Cũ, thành lập UBND lâm thời thị xã.

Trong khí thế cách mạng hào hùng ấy, nhân dân thị xã vui mừng chào đón chính quyền cách mạng của địa phương mình và UBND lâm thời tỉnh. Quân Nhật vô cùng hoang mang lo sợ đã rút chạy ngay đêm hôm ấy về Bắc Cạn. Ngày 22-8-1945 trở thành một ngày lịch sử của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đánh dấu Cao Bằng sạch bóng quân phát-xít Nhật, ngày cách mạng toàn thắng, chính quyền về tay nhân dân.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Xuân Hiệp (ở tổ 2, phường Sông Bằng, TP Cao Bằng), nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thống nhất thị xã Cao Bằng, là thành viên Đội thanh niên cứu quốc thị xã Cao Bằng đã tham gia lễ mít-tinh lịch sử 72 năm trước ở chùa Phố Cũ. Ông Hiệp xúc động nhớ lại: Tám giờ sáng ngày 22-8-1945, khi nhân dân đến đông đủ, tiếng hô dõng dạc “Chào cờ… Chào”. Mọi người giơ nắm tay phải lên ngang tai, quân giải phóng bắt súng ngang sườn phải, nòng súng chéo ra trước. Cờ đỏ sao vàng cuộn ở cán từ từ mở rộng. Giải phóng quân hát vang bài: “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau xếp hàng chào cờ cứu nước”… Lời bài hát mộc mạc, khoảnh khắc khó phai như còn đọng mãi trong lòng người cựu binh già từng tham gia tiếp quản Pháo đài thị xã Cao Bằng từ tay lính Nhật.

Bảy mươi hai năm trôi qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân của mảnh đất cội nguồn cách mạng Cao Bằng với truyền thống và tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt đã và đang nỗ lực vươn lên, vượt khó khăn để dựng xây, phát triển tỉnh biên giới ngày một đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Thị xã Cao Bằng năm nào giờ thay áo mới, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh từ năm 2012. Dọc các trục đường trung tâm đã mọc lên các công trình biểu tượng mới của một thành phố trẻ. Mảnh đất trại lính thực dân Pháp đóng ngày xưa nay là trụ sở khang trang của UBND tỉnh Cao Bằng; trại lính bảo an Nhật nay là ngôi trường cấp hai; trụ sở chính quyền Nhật đóng nay là chợ Xanh, công trình chào mừng dịp thành lập TP Cao Bằng, là trung tâm mua sắm thực phẩm sầm uất nhất… Các công trình ấy đã trở thành những điểm nhấn, minh chứng cho sự đổi thay tích cực trong cuộc sống người dân miền biên viễn.

Rời thành phố, chúng tôi đến xã Nà Sác (huyện Hà Quảng), nơi phong trào cách mạng bùng nổ mạnh mẽ, là tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và nay đang là địa chỉ phát triển kinh tế nông hộ hiệu quả của tỉnh Cao Bằng. Thời kỳ kháng chiến, Nà Sác là xã Việt Minh toàn diện, được mệnh danh là “xã Đỏ”, là an toàn khu, căn cứ địa vững chắc cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các đồng chí như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thụ, Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung... qua lại hoạt động.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân xã Nà Sác với cách mạng, năm 1998, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Nà Sác. Bí thư Đảng ủy xã Nà Sác Nghiêm Thị Thủy tâm sự: Sự ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nà Sác là điểm tựa để đồng bào chúng tôi tiếp tục nỗ lực chiến đấu trên mặt trận mới là chống giặc nghèo, vươn lên làm giàu.

“Xã Đỏ” Nà Sác giờ đây đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, phát triển trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ/năm như gia đình các ông: Hoàng Văn Bé, Lâm Văn Thái, Trần Văn Hoạt ở xóm Hòa Mục 1; ông Nông Văn Hà, ở xóm Hòa Mục 2. Ở các xóm vùng cao của xã, gia đình bà Lương Thị Thanh, xóm Thôm Tẩu; ông La Văn Hàm, xóm Lũng Pỉa nuôi bò, lợn, trồng ngô, lạc hàng hóa cũng thu về tới 70 đến 80 triệu đồng/năm. Thu nhập nâng lên, người dân không chỉ có điều kiện đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất, phương tiện sinh hoạt mà từ năm 2011 đến nay, đồng bào Nà Sác còn hiến hơn 4.000 m² đất để xây dựng các công trình nông thôn mới; góp công sức, nguyên vật liệu để bê-tông hóa 5,6 km đường liên xóm... Nhờ tinh thần đoàn kết, quyết tâm trong thời bình, diện mạo của xã cách mạng vùng cao Nà Sác ngày một khang trang.

Con người Cao Bằng kiên cường trong kháng chiến, chăm chỉ trong thời bình thật đáng trân trọng. Ngày 21-2-1961, nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc Cao Bằng khi trở lại thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn ghi sâu lời căn dặn của Bác Hồ, đã và đang quyết tâm thực hiện tâm nguyện ấy của Người. Truyền thống mảnh đất nguồn cội cách mạng, hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sẽ mãi là điểm tựa, là bệ phóng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng vững bước đi lên.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33814702-ve-noi-coi-nguon-cach-mang.html