Vệ sinh hệ thống phanh môtô thế nào cho hiệu quả?

Thông thường khi hệ thống phanh xe môtô gặp sự cố như bó phanh, phanh kêu, kẹt hay không ăn thì người chủ mới quan tâm sửa chữa. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm.

Hệ thống phanh trên các dòng xe môtô hiện đại thường là phanh đĩa thủy lực có độ bám và hiệu quả làm việc rất cao, tuy nhiên lại rất ít người biết cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc định kỳ hệ thống này.

Do thiết kế của hệ thống phanh không chỉ đảm bảo hiệu quả làm việc mà còn mang tính thẩm mỹ cao nên sau một thời gian sử dụng dễ bị bẩn và làm việc không còn hiệu quả. Các yếu tố tác động như nước mưa, nước bẩn trên đường, rồi bụi cát và bản thân bột do má phanh sinh ra trong quá trình phanh, dầu phanh bị sôi, nhiễm bẩn hay hóa chất...có thể gây tắc nghẽn và mất phanh.

Phanh đĩa trước trên xe môtô đang được bảo dưỡng

Vệ sinh hệ thống phanh là một công việc hiệu quả nhưng chi phí thấp. Thông qua việc vệ sinh có thể xác định được độ mòn má phanh, tiêu hao dầu phanh, sự hoạt động của các piston phanh, độ gờ của đĩa phanh...giúp chủ xe đưa đến quyết định thay thế kịp thời. Ngoài ra còn có thể xác định độ thẳng của hệ thống phanh thông qua độ mòn đồng đều hay không của 2 má, xác định áp suất dầu phanh phân bố đều hay không qua độ di chuyển piston phanh hay phanh có khô mỡ và bó hay không (với heo phanh bị động).

Có 2 loại heo phanh chính phổ biến là heo phanh đối xứng piston (còn gọi là heo chủ động) và heo phanh piston 1 bên đẩy heo di chuyển trên tấm kim loại thẳng (heo phanh bị động).

Việc vệ sinh má phanh đơn giản chỉ bao gồm loại sạch các bụi bẩn, làm sạch và bôi trơn các chi tiết chuyển động, vệ sinh hoặc thay thế má phanh nếu cần, phát hiện độ gờ đĩa và có biện pháp khắc phục lâu dài bởi đĩa gờ thường do chất lượng má phanh không tốt và sẽ dẫn đến hiện tượng phanh không ăn. Tương tự má phanh bị chai cứng cũng sẽ không ăn và gây phá toàn bộ hệ thống phanh.

Ngoài ra còn có thể kiểm tra mức dầu phanh, thêm bớt trong trường hợp bị thiếu hay thay mới và vệ sinh khi bị tắc hay bẩn. Công việc tuy đơn giản nhưng sẽ giúp chủ nhân sớm phát hiện các hư hại, do đó có thể có biện pháp khắc phục sớm sao cho ít tốn kém nhất có thể.

Cùng xem qua các công đoạn vệ sinh heo phanh thông qua những hình ảnh dưới đây:

Ốc định vị má phanh là ốc cần tháo ra đầu tiên trước khi tháo heo phanh

Nhìn độ thẳng của 2 má và piston sẽ cho thấy ngay tình trạng làm việc của heo phanh

Má phanh có các vết dọc sẽ gây gờ cho đĩa phanh, do đó cần đánh cho bằng bề mặt má

Vệ sinh các khe và rãnh má là tối quan trọng quyết định hiệu suất phanh

Vệ sinh piston heo bằng bàn chải mềm

Sử dụng dung dịch chuyên dụng để làm sạch và bôi trơn

Gá định vị phanh là một chi tiết hay bị bỏ qua nhưng góp phần không nhỏ giúp má phanh thẳng với đĩa cũng cần được làm sạch

Với heo phanh bị động cần chú ý pat và gá bắt cần thường xuyên bôi trơn bằng mỡ chiu nhiệt cao cấp

Hệ thống khuyên hãm cũng cần được chú ý và xiết cẩn thận sau khi vệ sinh

Lê Anh

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/tu-van/ve-sinh-he-thong-phanh-moto-the-nao-cho-hieu-qua-14628.html