Vén màn bí ẩn căn bệnh người điên – Kuru

Bạn đã bao giờ nghĩ rằng một người có thể chết vì tiếng cười? Điều này khó thành sự thực nhưng khi mắc phải căn bệnh Kuru, viễn cảnh đáng sợ này sẽ xảy ra.

Căn bệnh bí ẩn

Bệnh Kuru có tên khoa học là Creutzfeldt Jakob disease (CJD) lần đầu tiên được ghi nhận trong các bộ lạc người Fore nằm tại các tỉnh của New Guinea, vùng đảo ở Tây Nam Thái Bình Dương trong giai đoạn từ năm 1950-1959. Thời gian ủ bệnh từ 10-15 năm. Từ “kuru” xuất phát từ ngôn ngữ của bộ lạc Fore có nghĩa là “lắc”. Kuru còn được gọi là “nụ cười đau ốm” vì sự bùng nổ bệnh học của tiếng cười khiến bệnh nhân có thể tử vong. Sau khi phát hiện ra mầm bệnh, các nhà khoa học khám phá nguyên nhân bí ẩn gây ra căn bệnh này chính là hủ tục ăn thịt người chết, đặc biệt là ăn não người của cư dân bộ lạc Fore.

Người mắc bệnh Kuru sẽ trải qua ba giai đoạn triệu chứng. Dấu hiệu đầu tiên là cơ thể suy nhược nhanh trong thời gian ngắn, toàn thân run rẩy, nhức đầu, đau khớp, mất cân bằng không thể đứng được, khó khăn trong việc giao tiếp và kiểm soát cơ bắp. Lâu dần, người bệnh mất khả năng đi lại, run rẩy nặng. Họ thường xuyên nghiến răng, lẩm bẩm cười nói một mình, khó chịu với tiếng nói của người xung quanh, cảm xúc không ổn định. Giai đoạn cuối cùng, các nạn nhân nằm mê man, các vết loét có mủ và hoại tử, cười không ngừng sau đó tử vong. Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên vài người vào khoảng năm 1950. Thế nhưng tới năm 1953, bệnh bùng phát trên diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm bệnh rất lớn ở cộng đồng dân cư người Fore. Chỉ trong vòng vài năm, hơn 1.000 người đã mắc bệnh, hóa điên rồi chết đầy bí ẩn. Điều đặc biệt lạ lùng là ở trong cùng khu dân cư nhưng bệnh chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ và trẻ em, ít thấy ở nam giới trưởng thành.

Nhiều người cho rằng bệnh Kuru gây ra do hủ tục ăn não người chết của bộ tộc Fore.

Mầm bệnh siêu nhỏ

Các nhà khoa học đã phải dành thời gian dài để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh lây truyền lạ lùng này. Không có bất cứ mầm bệnh nào được phát hiện trong cơ thể người bệnh, đất, nước, thức ăn hay trong không khí. Mãi đến khi bác sĩ người Australia Michael Alpers khám nghiệm tử thi và lấy mô não từ bé gái 11 tuổi người Fore đã qua đời vì căn bệnh Kuru. Sau đó, ông lấy mẫu não này tiêm vào cơ thể hai con tinh tinh khác nhau. Trong vòng 2 năm, những con tinh tinh này dần trở nên điên loạn và mất kiểm soát sau đó tử vong giống hệt triệu chứng của những người mắc căn bệnh Kuru. Điều này giúp bác sĩ Alpers đưa ra kết luận rằng, mầm bệnh được lưu giữ ngay tại não của các nạn nhân. Nhưng khi dùng kính hiển vi để quan sát mẫu não lại không thể phát hiện ra mầm bệnh nào.

Mãi đến khi khoa học phát triển, kính hiển vi hiện đại mới giúp phát hiện mầm bệnh đó chính là các Prion - tác nhân lây nhiễm nhỏ nhất trong y học, nhỏ hơn virut 100 lần. Bệnh Kuru có liên quan đến sự tích tụ của một glycoprotein bất thường được gọi là protein prion (PrP) trong não. PrP xảy ra tự nhiên, đặc biệt trong hệ thống thần kinh. Chức năng của PrP trong y học chưa được hiểu đầy đủ, tuy nhiên PrP được biết đóng vai trò trong một số bệnh bao gồm cả bệnh Alzheimer. Mầm bệnh Prion khác biệt ở chỗ chúng chỉ có một loại protein đột biến không bị cơ thể con người hấp thụ, thậm chí còn nhân bản rất nhanh khiến người bệnh mất trí, điên dại. Nhưng chính khi phát hiện ra mầm bệnh này, bí mật về cách lây truyền căn bệnh bí ẩn này được vén màn khám phá khiến ai nấy cũng đều kinh hãi.

Nguyên nhân?

Khi tham dự tang lễ của bộ tộc người Fore, nhà nhân chủng học Shirley Lindenbaun đã vô cùng sửng sốt khi thấy xác người chết được đem ra xẻ thịt cho người đến viếng thưởng thức. Những người đàn ông quyền lực trong bộ lạc sẽ được ăn thịt chân, tay, nội tạng của người chết còn phần đầu để phụ nữ và trẻ em ăn. Chính vì lý do này mà phụ nữ và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ cao hơn hẳn mắc bệnh Kuru bởi não là nơi các Prion tồn tại và phát triển. Việc ăn thịt người quá cố được cư dân bộ lạc Fore cho rằng sẽ giúp họ hấp thụ sức sống, sự may mắn từ người đã chết. Khi phát hiện ra, người ta liền phát lệnh cấm tục lệ đáng sợ này. Ngay lập tức, căn bệnh Kuru được đẩy lùi. Mặc dù số lượng người mang bệnh ít dần đi nhưng hủ tục này vẫn được duy trì ở một số bộ lạc dân tộc ở nơi hẻo lánh.

Minh Huệ

((Theo Wikipedia, MNT, 2016))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ven-man-bi-an-can-benh-nguoi-dien-kuru-n122941.html