Vén màn bí ẩn về những thành phố 'ma' ở Mỹ

Tại Mỹ, tồn tại những thành phố, những thị trấn “ma”, nơi không một bóng người sinh sống, có chăng là những người dân đang héo úa từng ngày đón chờ cái chết.

Đứng đầu trong danh sách này chính là thị trấn Picher, được mệnh danh là “thị trấn độc hại nhất nước Mỹ”, những con đường dẫn tới nơi đây đều đã bị chặn lại kể từ năm 2006.

Những căn nhà bỏ hoang tại thị trấn “ma” Picher.

Theo Huffington Post (Mỹ), từ những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất này được coi là “đất vàng” tại Mỹ khi nơi đây tập trung nhiều khoảng sản chì và quặng kẽm. Ước tính đã có khoảng 20 tỉ USD nguyên liệu khoáng sản được khai thác tại Picher, vùng đất này đóng góp ½ lượng nguyên vật liệu sử dụng trong Thế chiến II. Nhưng việc khai thác quá đà, vô trách nhiệm của chính quyền đã biến nơi đây thành vùng đất hoang, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Khai thác khoáng sản vô trách nhiệm của chính quyền đã biến nơi đây thành vùng đất hoang, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Theo số liệu của cơ quan địa chất Mỹ, lượng chì ở Picher cao gấp 5 lần mức cho phép. Giữa những năm 90, 1/3 số trẻ em ở thị trấn đã bị nhiễm độc chì và kẽm trong máu khiến chúng gặp khó khăn về vấn đề nhận thức. Nhưng đó cũng chưa phải là nguyên nhấn khiến Picher được mệnh danh là vùng đất “ma”.

Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy, việc khai thác mỏ nhiều khiến đất bị sụt lún, những người dân sống trong nguy hiểm cận kề. Dù chính phủ đã nhận ra sai lầm, và chi một lượng lớn ngân sách để làm sạch nguồn nước sinh hoạt và môi trường, nhưng mọi thứ đã quá muộn. Năm 2006, quan chức địa phương tuyên bố vùng đất này “vô phương cứu chữa” và tiến hành di dời người dân, Picher chính thức trở thành vùng đất không người ở.

Picher chính thức trở thành vùng đất hoang.

Không rơi vào tình trạng thảm khốc như thị trấn Picher, nhưng những người dân Mỹ sinh sống dọc sông Colombia, bang Washington cũng đang chết mòn từng ngày khi đối mặt với hàng nghìn lít chất thải phóng xạ rò rỉ ra môi trường sống của họ hàng ngày.

Theo NBC News, hơn 70 năm trước, dọc con sông này hình thành khu nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của chính phủ Mỹ. Với diện tích hơn 1500Km2, nơi đây là “cha đẻ” của kho vũ khí hạt nhân Mỹ bao gồm quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản). Để rồi theo thời gian, khu nhà máy bị đóng cửa và hiện trở thành “bãi rác” phóng xạ Hanford Nuclear Reservation.

“Bãi rác” hạt nhân học sông Columbia.

Dự báo được trước hậu quả nghiêm trọng tại nơi đây, bộ Năng lượng Mỹ đã cử những kỹ sư dàng đầu tới đây để thực hiện dự án Bảo vệ sông Washington. Theo thông tin từ bộ Năng lượng, dự án này trị giá 110 tỉ USD nhằm “làm sạch” 200.000 m3 chất thải hóa học và hạt nhân lưu trữ trong 177 bồn chứa ngầm. Hoạt động có thể kéo dài trong khoảng 50 năm nữa.

Nhưng 50 năm là quá dài khi những người dân ở đây đang sống trong nguy hiểm khi luồng khí mà khu Hanford phát ra có chứa hóa chất độc hại và chất phóng xạ gây ung thư, tổn thương não và phổi. Chỉ riêng năm 2016, 61 công nhân đã mắc các bệnh hiểm nghèo, đang ở giai đoạn chờ chết.

Một số chuyên gia trong ngành còn cảnh báo, nếu chính phủ không tiếp tục đẩy nhanh tiến dộ công việc, rất có thể “bãi rác” Hanford sẽ có nguy cơ phát nổ và làm nhiễm độc một vùng rộng lớn. Phóng xạ có thể lan khắp bang Washington, Oregon, Idaho và thậm chí sang cả bang Utah và Canada tùy vào quy mô của vụ nổ và điều kiện gió.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ven-man-bi-an-be-nhung-thanh-pho-ma-o-my-a309438.html