Vén màn cuộc tổng tấn công của FBI vào FIFA: Đế chế tham nhũng sụp đổ

Sau khi FBI thu phục được cựu Tổng thư ký LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) Chuck Blazer để thu thập thông tin và thâm nhập nội bộ FIFA, chính phủ Mỹ bắt đầu cuộc truy tố để bắt giam hàng loạt quan chức cao cấp của tổ chức quyền lực nhất bóng đá thế giới, đánh sập một đế chế tham nhũng.

Cuộc thâm nhập nội bộ FIFA

Khi Olympic khai mạc ở London (Anh) vào tháng 7.2012, Blazer cũng góp mặt cùng đông đảo quan chức cao cấp của FIFA. Đoàn đại biểu của FIFA lưu trú ở khách sạn 5 sao May Fair (London). Họ không hề hay biết khách sạn này đã bị FBI kiểm soát, trong đó Blazer được cài cắm để bí mật lấy thông tin. Theo tờ New York Daily News, các đặc vụ FBI đã huấn luyện “Mr 10%” (biệt danh của ông Blazer) sử dụng một chuỗi chìa khóa phòng khách sạn cũng như cung cấp một thiết bị ghi âm. Các mục tiêu mà Blazer phải hướng đến là Alexey Sorokin (Chủ tịch Ủy ban Đấu thầu Nga chạy đua đăng cai World Cup 2018) và Frank Lowy, người đứng đầu Ủy ban Đấu thầu của Úc tranh đăng cai World Cup 2022.

Theo tài liệu của FBI, 2 quan chức này được cho là biết rành mạch mảng tối trong quá trình đấu thầu đăng cai 2 sự kiện trên. Những chi tiết về sự hợp tác của Blazer với FBI trong hơn 1 năm đến nay vẫn còn ẩn sau bức tường bí mật của các công tố viên. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với vụ án tiết lộ rằng Blazer đã thu thập và cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng giúp FBI có thêm bằng chứng để tấn công vào FIFA. Chính nhờ sự hợp tác ấy mà cựu Tổng thư ký CONCACAF thoát được việc phải ngồi sau song sắt.

Hơn 10 giờ sáng 25.11.2013, tại tòa án liên bang ở Brooklyn (Mỹ), thẩm phán Raymond J.Dearie chủ trì phiên xử trong phòng kín. Tại đây, Blazer không thể đứng mà phải ngồi trên chiếc xe lăn cạnh bàn bị can do căn bệnh ung thư trực tràng đang chuyển sang giai đoạn nặng. Thẩm phán Dearie đọc những lời buộc tội Blazer: gian lận, rửa tiền, trốn thuế và một số vi phạm báo cáo tài chính. Bản cáo trạng dài 10 trang với tổng mức án tù lên đến... 100 năm. Blazer nhận tội và Dearie đưa ra mức bảo lãnh tại ngoại 10 triệu USD.

Blazer sau đó mô tả chi tiết hành trình phạm tội của mình: “Tôi đã bắt tay với những người khác trong năm 1992 để tạo thuận lợi cho việc nhận hối lộ để ủng hộ quốc gia đăng cai World Cup 1998. Từ khoảng năm 2004 - 2011, tôi và một số quan chức khác trong Ban Chấp hành FIFA nhận hối lộ để giúp Nam Phi được chọn làm quốc gia đăng cai World Cup 2010”. Những nỗ lực điều tra của FBI trong suốt 3 năm đã được thừa nhận: Một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong bóng đá nhận tội tại tòa án liên bang và các nhà lãnh đạo FIFA đã bán quyền lực của mình.

“Con cá to” vẫn lọt lưới

Từ những chứng cứ mà FBI thu thập được từ Blazer, ngày 27.5.2015 (2 ngày trước cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA), Tổng chưởng lý Mỹ Loretta Lynch công bố bản cáo trạng của 14 bị cáo, hầu hết là quan chức cao cấp của bóng đá châu Mỹ. Những quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, tiền lại quả lên đến 150 triệu USD liên quan đến quyền tiếp thị và bản quyền truyền hình của các giải đấu thuộc châu Mỹ như Gold Cup, Copa America và vòng loại World Cup. Cùng ngày, cảnh sát Thụy Sĩ tiến hành đột kích vào khách sạn 5 sao Baur au Lac (Zurich) bắt giữ hàng loạt quan chức FIFA đồng thời thực hiện lệnh khám xét trụ sở của tổ chức này. Họ tìm tất cả các tài liệu liên quan đến đấu thầu đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Vài ngày sau đó, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đâm đơn từ chức. Không khí khủng hoảng lan tỏa khắp trụ sở FIFA khi Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ khởi tố vụ án hình sự chống lại ông Sepp Blatter liên quan đến số tiền 2 triệu USD chuyển vào tài khoản của người đứng đầu bóng đá châu Âu Michel Platini vào năm 2011. Mặc dù Platini khẳng định số tiền trên là do FIFA trả công cố vấn, nhưng không thể dập tắt được hoài nghi. Bởi khoản tiền trên được chuyển vào trước cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA vào năm 2011, thời điểm mà Platini được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất có thể lật đổ Blatter.

Cả hai quan chức này sau đó đều bị Ủy ban Đạo đức FIFA cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 8 năm. Vào ngày 3.12.2015, Tổng chưởng lý Mỹ Loretta Lynch công bố 16 bản cáo trạng mới đối với các quan chức FIFA nhưng một lần nữa không có tên ông Blatter, trong khi hầu hết quan chức cấp cao dưới trướng ông này đều phải tra tay vào còng vì tham nhũng.

Đầu năm 2016, Blazer nằm liệt giường khi căn bệnh ung thư chuyển qua giai đoạn cuối. Với một ống gắn xuống cổ họng, nhân chứng quan trọng nhất của FBI bấy giờ không còn nói được mà chỉ giao tiếp bằng bàn phím. Trước bệnh tình quá nặng của bị can, thẩm phán Dearie tạm trì hoãn phán quyết đối với Blazer nhưng các công tố viên liên bang Mỹ vẫn rất cần “Mr 10%” làm chứng. Nhưng điều mong muốn của các công tố viên không thể thực hiện được bởi Blazer trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12.7 vừa qua. Cái chết của Blazer đã để lại nhiều câu hỏi dang dở: “Nga và Qatar đã hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022?” và “Đến khi nào chân tướng của cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bị bóc mẽ?”…

Tây Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://thethao.thanhnien.vn/bong-da-quoc-te/ven-man-cuoc-tong-tan-cong-cua-fbi-vao-fifa-de-che-tham-nhung-sup-do-76306.html