Venezuela dập tắt vụ nổi dậy, tấn công vào căn cứ quân sự

Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro dập tắt vụ lính Venezuela tấn công căn cứ quân sự gần thành phố Valencia rạng sáng 7.8 (giờ địa phương) và tuyên bố nổi dậy để tái lập trật tự Hiến pháp nước này.

Tham gia nhóm tấn công căn cứ quân sự còn có dân thường có vũ khí, theo Reuters.

Trong một bài diễn văn truyền hình trực tiếp hàng tuần,  Tổng thống Maduro lên án những kẻ tấn công là “bọn đánh thuê”. Ông cho biết 20 tay súng vũ trang đã xông vào Đồn Paramacay (cách phía tây thủ đô Caracas 2 giờ xe) lúc rạng sáng 7.8, khiến lính gác bị bất ngờ, và “bọn đánh thuê” xộc thẳng tới kho vũ khí.

Ông cho biết 2 tên tấn công đồn đã bị giết trong cuộc đấu súng với các binh lính.  Các quan chức nói 8 tên khác bị bắt, gồm ít nhất 3 quân nhân, số còn lại tẩu thoát với vũ khí chiếm được.

Chính quyền đăng tải ảnh 7 người bị bắt, một số bị đấm sưng mặt. Ông Maduro tuyên bố “bọn trốn thoát đang bị truy lùng ráo riết, và chúng tôi sẽ bắt được chúng”.

Vụ tấn công càng làm leo thang sự rối loạn ở Venezuela, một quốc gia giàu dầu mỏ đã phải trải qua 4 tháng nổi dậy chống chính phủ, khiến 120 người chết sau những vụ xung đột với lực lượng an ninh.

Bên cạnh vụ nổi loạn ở Valencia, một trang xã hội tải video chip chiếu hàng chục quân nhân mặc quân phục, tuyên bố nổi dậy để tái lập Hiến pháp Venezuela, tiếp sau việc chính phủ Tổng thống Maduro lập một Quốc hội lập hiến thân chính phủ hôm 4.8.

Cuộc tấn công xem ra do cựu đại úy Vệ binh Quốc gia Juan Carlos Caguaripano cầm đầu.  Ông ta bị sa thải năm 2014, theo một tài liệu mà Reuters đã được xem.

Trong video, một người tự nhận là Caguaripano, xung quanh là các quân nhân, kêu gọi lập một chính phủ quá độ:

Caguaripano nói: “ Đây không phải là một vụ đảo chính. Đây là một hành động của quân và dân nhằm lập lại trật tự Hiến pháp, và hơn thế nữa, là cứu đất nước khỏi sự hủy diệt hoàn toàn”.

Cuộc tấn công hôm 7.8 xem ra sẽ kích thích thích một cuộc nổi loạn, 6 tuần sau khi cựu cảnh sát Oscar Perez lái trực thăng tấn công các cơ quan chính trị lớn ở thủ đô Caracas.

Perez thất bại trong việc kích động một phong trào phản đối chính phủ cấp độ lớn, vẫn còn đang lẩn trốn sự truy lùng của chính quyền.

Chính quyền nói nhóm tấn công ngày 7.8 chủ yếu là dân thường, làm việc cho những chính khách cánh hữu âm mưu kết thúc chế độ của Đảng Xã hội cầm quyền gần 20 năm nay ở Venezuela, dẫn đến viễn cảnh một cuộc truy quét người chống đối lớn trong vài ngày tới.

Elias Jaua,một quan chức đảng Xã Hội nói: “Những vụ tấn công này, do những bộ não hoang tưởng ở Miami bày ra, chỉ càng khiến tinh thần của quân đội và nhân dân Venezuela càng được củng cố”.

Theo Reuters, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến với 545 nghị sĩ của Caracas đã bị cộng đồng quốc tế lên án là ông Marudo thâu tóm toàn bộ quyền lực. Phe đối lập ở nước này cáo buộc ông Maduro lôi đất nước vào chế độ độc tài,  và phe đối lập đã kêu gọi quân đội giúp họ.

Tổng thống Maduro gọi việc lập Quốc hội lập hiến là hy vọng duy nhất để khôi phục hòa bình ở Venezuela.

Phe đối lập nói đó là kịch bản quyền lực để giữ ông Maduro ở ghế Tổng thống, bất chấp việc ông bị mất uy tín nặng nề vì kinh tế suy thoái nặng, lạm phát cao và thiếu thốn lương thực và thuốc men trầm trọng.

Quốc hội Lập hiến có quyền giải tán hoặc tái lập tất cả các cơ quan chính quyền. Phe đối lập kiểm soát Quốc hội Venezuela, đã tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến, nói luật pháp đã bị lũng đoạn.

Trong tuần hoạt động đầu tiên, Quốc hội lập hiến Venezuela đã phế truất nữ công tố viên trưởng Luisa Ortega , quyết định đưa bà Ortega ra xét xử.

Theo Reuters, đây là sự xác nhận nỗi lo sợ của phe đối lập, cơ quan lập pháp này dùng quyền lực để loại bỏ những phần tử chống đối khỏi chính phủ.

Bà Ortega từng ủng hộ chính phủ Tổng thống Maduro, nhưng trở thành người thách thức, kể từ khi những cuộc biểu tình phản đối nổ ra hồi tháng 3.

Người thay thế bà Ortega hứa sẽ giải tán những cuộc biểu tình, nhưng ngày 7.8, bà Ortega tuyên bố việc bãi nhiệm là trái pháp luật, và bà vẫn là công tố viên trưởng.

Cuộc khủng hoảng chính trị hướng sự chú ý vào vai trò của quân đội. Theo Reuters, một số “lính quèn” lo ngại người dân thù ghét việc họ đàn áp những cuộc biểu tình.

Venezuela đã có một lịch sử bất ổn dài. Vị tiền nhiệm của ông Maduro, cố Tổng thống Hugo Chavez từng nắm quyền lực sau khi tiến hành vụ đảo chính năm 1992, khiến ông bị bỏ tù một thời gian trước khi trúng cử tổng thống năm 1999.

Dân Venezuela xem quân đội là nhà trung gian quyền lực chủ yếu, và lãnh đạo phe đối lập luôn kích động quân đội không ủng hộ chính quyền Tổng thống Maduro.

Quân đội từng giữ vai trò quan trọng trong chính quyền, khi vị sĩ quan Chavez làm Tổng thống năm 1999 đã hứa sẽ đem lại sự bình đẳng cho  đất nước Venezuela 30 triệu dân.

Các sĩ quan cấp cao vẫn công khai bày tỏ sự trung thành với chính phủ Tổng thống Maduro.

Phe đối lập nói là chuyện được chính phủ trao nhiều hợp đồng, nạn tham nhũng và buôn lậu khiến nhiều sĩ quan quân đội muốn ông Maduro tiếp tục cầm quyền, và họ sợ bị trừng phạt nếu như phe đối lập nắm được quyền lực.

Theo Reuters, sự bất mãn khá cao ở các sĩ quan cấp thấp. Họ lãnh việc kiểm soát những vụ biểu tình nhưng chỉ được trả vài chục USD/tháng.

Nghị sĩ đối lập Carlos Michelangeli nói: “Bạn không thể yêu cầu xã hội xã hội dân sự và quân đội chịu đói, tình trạng phạm pháp và nạn tham nhũng của  chính phủ đàn áp này thêm nữa”.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/venezuela-dap-tat-vu-noi-day-tan-cong-vao-can-cu-quan-su-68884.html