Venezuela điêu đứng trong khủng hoảng

Bất ổn tại Venezuela tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống nước này Nicolas Maduro thông báo sẽ loại bỏ việc lưu hành đồng 100 bolivar, đồng tiền mệnh giá lớn nhất tại Venezuela hiện nay, để đưa vào sử dụng đồng tiền có mệnh giá lớn hơn. Điều này khiến cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Nam Mỹ ngày càng lan rộng.

Người dân Venezuela xếp hàng mua thực phẩm.

Kế hoạch này đã gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng tiền mặt, làm bùng phát làn sóng bất ổn trên khắp cả nước với các vụ cướp bóc, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Sự thiếu hụt tiền mặt xuất hiện do đồng tiền mới, với mệnh giá cao hơn, chưa được lưu thông trong khi tiền 100 bolivar bị ngừng sử dụng đã khiến nhiều người Venezuela không có tiền để mua lương thực, nhiên liệu hay chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Những vụ cướp bóc hàng hóa tồi tệ nhất đã xảy ra ở El Callao và Ciudad Bolivar thuộc bang miền Nam Bolivar. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông ở một số nơi. Trong bối cảnh giá cả leo thang và thực phẩm khan hiếm, đắt đỏ, nhiều gia đình không có khả năng mua quà Giáng sinh cho trẻ em hay trang trí nhà cửa. Ngay lập tức, Tổng thống N.Maduro đã hoãn việc thu hồi đồng 100 bolivar cho tới ngày 2-1-2017. Việc hoãn đổi tiền khiến tình trạng hỗn loạn ở Venezuela tạm lắng xuống, nhưng nạn cướp bóc vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi.

Chính phủ Venezuela khẳng định quyết định rút tờ 100 bolivar khỏi hệ thống tiền tệ là một phần của sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với “chiến tranh tiền tệ” mà nước này đang phải đối đầu từ nhiều tháng nay. Có thực tế rằng tờ 100 bolivar bị thu gom ở biên giới Colombia một cách có chủ ý khiến sự khan hiếm tiền mặt ở quốc gia này thêm trầm trọng. Đây cũng là lý do chính phủ nước này đã đóng cửa biên giới với Colombia và Brazil nhằm ngăn chặn tình trạng tuồn tiền qua biên giới và chỉ mở cửa lại hôm 21-12. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng sự việc này là một bằng chứng nữa cho thấy Venezuela đang oằn mình dưới tình trạng siêu lạm phát và khan hiếm các loại hàng hóa cơ bản. Trên thực tế, đất nước Nam Mỹ đã rơi vào khủng hoảng kinh tế trong 3 năm qua khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm tới 20,4% và thu nhập bình quân đầu người giảm 56,8%. Các chuyên gia cho biết trong 3 tháng gần đây, đồng nội tệ bolivar của Venezuela bị mất giá tới 75% so với đồng USD. Tỷ lệ lạm phát năm 2016 ở quốc gia Nam Mỹ này được dự báo vào khoảng 511%. Dù tốc độ mất giá tiền tệ đã bắt đầu chậm lại vào nửa cuối năm, giới quan sát vẫn nhận định tỷ lệ lạm phát năm 2017 là 850%. Trong cơn bão khủng hoảng, thành phần kinh tế tư nhân của Venezuela gần như tê liệt, suy giảm ở mức trên hai con số. Số lượng và quy mô doanh nghiệp hoạt động ở Venezuela giảm mạnh. Nhập khẩu đã tụt xuống tới ngưỡng nguy hiểm và các nguồn tài chính bên ngoài dường như đã đóng cửa đối với Venezuela.

Dự báo dầu mỏ vẫn là một yếu tố đáng bận tâm nhất đối với chính phủ nước này trong năm 2017 vì mô hình kinh tế của Venezuela đặt cược vào giá dầu trên mức 60 USD/thùng để phục hồi. Tuy nhiên, một kịch bản như vậy là rất khó xảy ra trong ngắn hạn. Thậm chí, theo các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp dầu mỏ, nếu các nước sản xuất dầu bám sát vào thỏa thuận cắt giảm hạn ngạch gần 1,8 triệu thùng/ngày thì giá dầu chỉ ở mức trên ngưỡng 50 USD/thùng. Bên cạnh các khó khăn về kinh tế, Venezuela còn gặp thách thức về chính trị. Hiện chính phủ của Tổng thống N.Maduro đang phải đối mặt với những đòi hỏi về một cuộc cải tổ sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn là một câu hỏi, nhất là sau quá trình đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập đang bắt đầu dưới sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/858608/venezuela-dieu-dung-trong-khung-hoang