Venezuela lún sâu trong vòng xoáy biểu tình và bạo loạn

Ngày 20-4, phe đối lập Venezuela đã tiến hành các cuộc biểu tình mới trên khắp cả nước để gây áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro tổ chức bầu cử và khôi phục nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Venezuela

Phe đối lập quyết sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với việc tiến hành thêm 3 cuộc biểu tình khác trong vòng 4 ngày tới. Những diễn biến này khiến đất nước Venezuela lún sâu vào vòng xoáy biểu tình và bạo loạn.

Đám đông tham gia biểu tình ngày 20-4 ít hơn con số hàng trăm nghìn người đổ ra đường phố ở Caracas và các tỉnh thành khác hôm 19-4 - vụ biểu tình lớn nhất trong những tuần qua chống lại ông Maduro. Tuy vậy, hàng nghìn người vẫy Quốc kỳ Venezuela và hô to khẩu hiệu chống Chính phủ Venezuela đã đổ ra đường phố ở Thủ đô Caracas và khắp quốc gia giàu dầu mỏ này.

Các nhà lãnh đạo đối lập khi đó đã kêu gọi tiến hành thêm các cuộc biểu tình ở các khu dân cư trên khắp Venezuela vào ngày 21-4, tổ chức tuần hành “im lặng” ở Caracas vào ngày 22-4 để tưởng nhớ những người bị thiệt mạng trong vụ bạo động trong tháng 4 này và cuộc biểu tình “ngồi” trên khắp cả nước để phong tỏa các tuyến đường chính của Venezuela vào ngày 24-4.

Làn sóng biểu tình hiện nay chống lại ông Maduro - đợt biểu tình kéo dài nhất kể từ năm 2014 - đã kích động các cuộc bạo loạn thường xuyên. Các rào chắn đã dựng lên vào đêm muộn và một số vụ cướp bóc đã xảy ra ở El Paraiso, khu vực của tầng lớp trung lưu ngay cạnh Thủ đô Caracas đêm 19-4.

Một số người dân Venezuela tránh tham gia các cuộc biểu tình do lo ngại bạo lực, hoài nghi khả năng các cuộc tuần hành có thể đem đến thay đổi, trong khi nhiều người khác thì phải dành thời gian để mưu sinh trong bối cảnh suy thoái nghiêm trọng.

Hai sinh viên và một sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình ngày 19-4, nâng tổng số người thiệt mạng trong tháng 4 này lên con số 20 người. Tổ chức nhân quyền Penal Forum cho biết hơn 500 người đã bị bắt giữ vì có liên quan đến các cuộc biểu tình và 334 người vẫn đang bị giam giữ.

Những người biểu tình đã đổ lỗi cho ông Maduro - người tiếp nối “cuộc cách mạng Bolivar” được cố lãnh đạo Hugo Chavez khởi xướng vào năm 1999 - đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm. Sức ép đối với ông Maduro đã gia tăng kể từ năm 2014, khi giá dầu sụt giảm khiến nền kinh tế từng một thời bùng nổ của Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro nói rằng với vỏ bọc là mục tiêu đòi hòa bình, các cuộc biểu tình thực chất chỉ là nỗ lực của phe đối lập nhằm kích động một cuộc đảo chính để triệt tiêu chủ nghĩa xã hội ở Venezuela.

Cuộc khủng hoảng này đã leo thang kể từ ngày 30-3, khi Tòa án tối cao Venezuela bắt đầu giành quyền kiểm soát Quốc hội - cơ quan quyền lực duy nhất không được kiểm soát bởi ông Maduro và các đồng minh.

Cuộc biểu tình đã bị kích động hơn nữa khi Chính phủ ngăn cấm ông Henrique Capriles - nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của phe đối lập, người từng hai lần ứng cử Tổng thống - không được giữ vị trí trong cơ quan Nhà nước.

Phe đối lập đã kêu gọi quân đội - một trụ cột trong bộ máy quyền lực của ông Maduro - phế truất ông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng Vladimir Padrino Lopez - đã cam kết rằng quân đội sẽ “trung thành vô điều kiện” với ông Maduro.

Theo một cuộc điều tra của Hãng thăm dò dư luận Venebarometro, 7/10 người Venezuela phản đối ông Maduro, người sẽ tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống cho tới năm 2019. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 75% người dân Venezuela muốn ông Maduro ra đi, nhưng khoảng 20% vẫn ủng hộ ông.

Đây là tỷ lệ ủng hộ lớn hơn nhiều con số mà các nhà lãnh đạo khác ở Brazil, Chile và Colombia nhận được. Quan trọng hơn, ông Maduro vẫn bám trụ quyền lực ở mọi cơ quan Chính phủ dù sự ủng hộ dành cho ông trong đảng đang lung lay.

Trong khi đó, phe đối lập vẫn luôn bị chia rẽ bởi một số quan điểm khác nhau và đang khó khăn trong việc kết nối với những người dân nghèo, những người vẫn rất tôn kính cố lãnh đạo Hugo Chavez. Các thành viên bảo thủ và ôn hòa trong phe đối lập đều muốn tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố và thúc đẩy các cuộc bầu cử mới.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro tiếp tục cho rằng phe đối lập đang tìm cách lặp lại cuộc đảo chính năm 2002 nhằm vào ông Chavez, bằng việc chặn các tuyến đường, đốt rác và phá hoại tài sản công. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khó có khả năng diễn ra một cuộc đảo chính tương tự bởi cố Tổng thống Chavez đã tiến hành một cuộc thanh trừng mạnh tay đối với lực lượng vũ trang sau khi vụ đảo chính chớp nhoáng nói trên thất bại.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/venezuela-lun-sau-trong-vong-xoay-bieu-tinh-va-bao-loan/725675.antd