Vì bình yên cuộc sống

Có thể nói không khẩu hiệu nào hay hơn, không tiêu chí nào đẹp đẽ hơn khi lực lượng công an thực thi nhiệm vụ và hành xử theo mục đích như một “Slogan” của ngành: “Tất cả vì bình yên cuộc sống nhân dân!”.

Hình minh họa

Một điều không thể phủ nhận được là vai trò quan trọng cực kỳ to lớn của ngành Công an trong việc gìn giữ trật tự, an ninh xã hội, trấn áp tội phạm, đảm bảo pháp luật được thực thi. Song, cũng phải nhìn nhận một thực tế là thời gian gần đây, tội phạm hoành hành đe dọa trực tiếp đến đời sống bình yên của dân chúng thì rõ ràng trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người giữ trọng trách đảm bảo an ninh xã hội.

Một dẫn chứng thấy rất rõ là tại Tp. Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm ngoái, đầu năm nay trộm cướp hoành hành ngang nhiên trên đường phố, trong khu dân cư và buộc phải có lực lượng hỗ trợ từ Trung ương cùng với việc quyết liệt chống tội phạm của cơ quan chức năng tại địa phương thì tình hình yên ổn trở lại.

Nhưng, trong những ngày gần đây nạn cướp giật, trộm cắp, băng nhóm gây rối, đánh lộn,… lại quay trở lại, có chiều hướng gia tăng! Tình hình đó không những khiến người dân lo lắng mà lãnh đạo Chính phủ cũng quan ngại, yêu cầu địa phương phải quyết liệt hơn trong việc trấn áp tội phạm, quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu lực lượng công an ở địa phương.

Sự lo lắng của nhiều người (trong đó có cả lãnh đạo cao cấp) về hiện tượng “bảo kê” hoặc làm ngơ từ chính lực lượng công an làm cho tội phạm “có đất dụng võ” là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, nếu cứ ra tay quyết liệt và có sự tham gia “từ trên” thì băng nhóm bị triệt phá, hang ổ tội phạm bị phanh phui. Có những kế hoạch triệt phá tội phạm bị thất bại chỉ do “bị rò rỉ thông tin”, ai cung cấp thông tin này, nếu không phải từ nội bộ?

Một nguyên nhân khác rất đáng lo ngại là sự lạm quyền hoặc thiếu tuân thủ pháp luật từ chính những người thực thi pháp luật. Tại Hà Nội, có trường hợp công dân tố cáo lực lượng công an đột ngột khám nhà mình, tịch thu tài sản (tiền bạc, ô tô,…) mà lệnh khám nhà không có phê chuẩn của Viện Kiểm sát, bản thân người bị khám nhà không bị truy tố về bất cứ tội gì, biên bản thu giữ tài sản lại do người thuê nhà ký dưới danh nghĩa “tự nguyện giao nộp”, bà chủ nhà phẫn uất phát ngất tại chỗ.

Đáng chú ý hơn, người cảnh sát điều tra tham gia chỉ đạo vụ khám nhà này bị chủ nhà phát hiện là từng mặc thường phục cùng nhóm côn đồ đến định siết nợ ngôi nhà của bà trước đó.

Dẫn chứng một việc nhỏ như vậy để thấy tác hại của việc dùng quyền lực của Nhà nước trao để thực hiện những mưu đồ cá nhân (dân gian gọi là đòi nợ thuê) nó gây tác hại lớn như thế nào trong việc giữ gìn kỷ cương luật pháp và ổn định trật tự xã hội. Người dân phải được sống trong sự bình yên, dưới sự bảo vệ của pháp luật chứ không phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, buộc phải sống chung với trộm cướp!

Bình Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/su-kien/201308/Vi-binh-yen-cuoc-song-2081399/