Vì cứu dân, sỹ quan CSGT thành thương binh giữa thời bình

Trong khi ngăn chặn một thanh niên say rượu ném gạch đá vào người đi đường, Trung tá CSGT Phạm Văn Tuyến đã bị thương. Hiện nay, trong cánh tay của ông vẫn còn nẹp và gắn đinh vít nên thường xuyên gặp đau đớn lúc trái gió trở trời.

Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời vết thương ở tay lại khiến Trung tá Phạm Văn Tuyến đau buốt. Ảnh: Cao Tuân

Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời vết thương ở tay lại khiến Trung tá Phạm Văn Tuyến đau buốt. Ảnh: Cao Tuân

“Mình là công an thì phải bảo vệ dân”

Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội trước thềm Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Trung tá Phạm Văn Tuyến (Đội phó Đội CSGT số 14 – Phòng CSGT TP Hà Nội) tâm sự, đây là một ngày đặc biệt đối với ông bởi chẳng ai ngờ rằng cách đây hơn 1 năm ông nhập viện trong 1 lần làm nhiệm vụ và không lâu sau đó được Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân ký quyết định cấp giấy chứng nhận Thương binh.

Đó là một buổi chiều muộn đầu tháng 10/2015, Trung tá Phạm Văn Tuyến chỉ huy tổ công tác làm nhiệm vụ tại đầu tuyến đường Pháp Vân thì phát hiện một nam thanh niên có biểu hiện “ngáo đá”, hoặc say rượu đang nhặt những mảnh gạch vỡ rồi ném vào người đi đường. Nhiều người dân đứng chờ xe khách ở khu vực trên đã hoảng sợ bỏ chạy. Một số người điều khiển phương tiện đi trên đường phải né người tránh gạch rất dễ xảy ra tai nạn. Trước sự việc trên, Trung tá Phạm Văn Tuyến đã hô lớn, yêu cầu đối tượng dừng hành vi vi phạm lại. Bỏ ngoài tai lời cảnh báo, đối tượng tiếp tục có những hành vi gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nhận thấy hành động của đối tượng gây bất an cho người tham gia giao thông, Trung tá Phạm Văn Tuyến không ngại ngần áp sát đối tượng để yêu cầu chấm dứt việc ném đá ra đường. Bất ngờ, nam thanh niên này dùng nửa hòn gạch nhằm mặt Trung tá Tuyến ném thẳng. Bằng phản xạ nghề nghiệp, Trung tá Tuyến kịp giơ tay lên đỡ. Hòn gạch găm thẳng vào cẳng tay, khiến phần xương bên trong bị gãy. Tay trái ôm cánh tay bị gãy lủng lẳng, ông vẫn chỉ huy tổ công tác khống chế đối tượng trước khi ngất trên đường đi cấp cứu.

Gặp nhóm phóng viên trước khi vào phòng mổ, Trung tá Tuyến vẫn gắng hỏi “còn ai bị thương không”, “các đồng chí CSGT đã kịp dọn dẹp gạch đá để tránh gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông chưa...?”. Và ông chỉ thật sự yên tâm khi mọi việc sau đó đã có sự can thiệp kịp thời của lực lượng chức năng.

Sau này ông bảo: “Nếu mình không vào can ngăn, thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với những người đi trên đường, nếu chẳng may đối tượng ném trúng họ. Nửa viên gạch ném thẳng vào đầu, có lẽ không phải là gãy tay như mình mà sẽ có người thiệt mạng. Mình là công an thì phải bảo vệ dân”.

Trăn trở vì số tiền nhặt được chưa tìm thấy chủ

Khi được hỏi về việc sắp nghỉ hưu sau gần 30 năm gắn bó với nghề CSGT, ông có trăn trở gì không?. Vị phó chỉ huy Đội CSGT số 14 trầm tư: “Có, có chứ. Tôi mang một món nợ mà đến bây giờ vẫn day dứt”.

Trung tá Tuyến chia sẻ, đó là số tiền 33 triệu đồng của người dân nào đó đánh rơi ở khu vực phường Thạch Bàn, quận Long Biên do ông nhặt được khi làm nhiệm vụ. Sau đó, ông đã mang đến công an khu vực bàn giao và đăng tin thông báo để người mất tài sản nhận lại.

Qua thời gian, Trung tá Tuyến chuyển công tác qua nhiều đơn vị trên địa bàn TP. Hà Nội. Mỗi lần sực nhớ đến “món nợ”, ông lại nhấc điện thoại gọi qua Công an huyện Gia Lâm nhưng câu trả lời là “vẫn chưa có ai đến nhận”. Hiện tại, số tiền ấy đã được sung vào công quỹ nhà nước.

Trung tá Tuyến bảo: “Số tiền ấy lúc tôi nhặt được thời điểm hiện tại nó có giá trị rất lớn. Với người nghèo đó là một tài sản cả đời”.

Còn nhớ cách đây không lâu, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video ngắn ghi lại cảnh Trung tá Phạm Văn Tuyến hô lớn, kịp kéo một nam thanh niên thoát chết vì điều khiển xe máy chở phía sau những két bia, nước ngọt đang cố tình vượt qua đường ray khi đoàn tàu hỏa đang lao tới. Kể lại sự việc đó, ông vẫn chưa hết rùng mình: “Nếu mình chần chừ một chút thôi thì tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra. Rất may khi thấy tôi lao vào, nhiều người tham gia giao thông cũng kịp thời hỗ trợ. Đó cũng là bài học cho rất nhiều người không tuân thủ Luật an toàn giao thông mà đánh cược với tính mạng của bản thân”.

Sự hy sinh thầm lặng của CSGT

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Lực lượng CSGT Thủ đô có 36 cán bộ chiến sỹ là thương binh, 6 Liệt sỹ CSGT qua các thời kỳ và 13 thân nhân Liệt sĩ đang công tác tại đơn vị. Đảng ủy, Ban chỉ huy phòng luôn quan tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đồng chí nhân các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngày lễ, Tết; báo cáo Công an thành phố hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình Liệt sĩ và cán bộ thương binh; kịp thời động viên, hỗ trợ về vật chất cho gia đình cán bộ chiến sỹ gặp nạn trong quá trình thực thi nhiệm vụ”. Người đứng đầu Phòng CSGT CA TP Hà Nội cho rằng, việc những chiến sỹ CSGT không ngại nguy hiểm, thậm chí bị thương tật trong quá trình làm nhiệm vụ là sự hy sinh thầm lặng để bảo vệ sự bình yên của nhân dân.

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-cuu-dan-sy-quan-csgt-thanh-thuong-binh-giua-thoi-binh-20170725081853872.htm