Vì họ là công dân Đà Nẵng!

Mỗi người một lĩnh vực, một công việc khác nhau, nhưng điểm chung của họ là luôn nỗ lực làm việc để xây dựng TP Đà Nẵng tốt đẹp hơn.

Khi chúng tôi báo tin có tên trong danh sách 20 gương mặt tiêu biểu kỷ niệm 20 năm TP trực thuộc Trung ương, ông Lê Văn Tá, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng cười bảo "đó là vinh dự cho bản thân tôi". Ai từng quen biết với ông Tá, hẳn sẽ ấn tượng với tấm lòng của ông với nạn nhân da cam. Đi qua hai cuộc chiến tranh, trở về quê nhà với quân hàm Đại tá, ông Tá có thể vui hưởng an nhàn với con cháu, nhưng người cựu chiến binh ấy lại bắt đầu hành trình giúp đỡ nạn nhân da cam. Để có kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương, ông Tá dùng số tiền phụ cấp hằng tháng của mình, kêu gọi sự đóng góp của con cháu. Không những thế, tiền thu được từ những luống rau, con gà nuôi trong vườn nhà đều được ông dành tặng trẻ em da cam. Khi Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh số 3 (xã Hòa Nhơn) được thành lập, ông Tá được mời giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm. Thế là, hằng ngày với chiếc xe đạp cũ, ông đến gia đình các em bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam ở nhiều xã của huyện Hòa Vang, để vận động, đưa các em đến với Trung tâm. Ông còn lặn lội đến nhiều nơi vận động kinh phí để nuôi dưỡng trẻ em da cam và bất hạnh sống trong Trung tâm. Nay tuổi cao, sức khỏe có phần hạn chế nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động giúp nạn nhân da cam. Ông bảo: "Còn sức khỏe ngày nào tôi vẫn gắng giúp đỡ nạn nhân da cam. Không làm được những việc lớn lao nhưng tôi luôn cố gắng giúp ích cho xã hội, để TP Đà Nẵng ngày càng phát triển tốt đẹp hơn".

Đại tá Lê Văn Tá đã dành nhiều thời gian giúp đỡ, nuôi dưỡng nạn nhân da cam.

Còn nhớ tháng 6-2016, khi xảy ra vụ lật tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, rất nhiều người đã bất chấp dòng nước xiết lao ra cứu người. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện về chàng trai Lê Văn Hoa (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà). Khi phát hiện tàu gặp nạn, anh Hoa cùng anh trai là Lê Văn Phú nhanh chóng chạy ca nô ra ứng cứu. Trong lúc nguy cấp, anh em anh Hoa đã bình tĩnh ném những vật dụng có thể nổi để mọi người bám vào, sau đó vớt từng người đưa lên ca nô vào bờ, cả thảy hơn 20 người. Nếu không có sự dũng cảm của anh Hoa thì có lẽ số người thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu Thảo Vân 2 sẽ không dừng lại ở con số 3 người.

Khác với cuộc "thủy chiến" của anh em Hoa - Phú, chiến sĩ Nguyễn Mạnh Long (Đội chữa cháy - Phòng Cảnh sát PCCC số 1) đã dũng cảm lao vào ngọn lửa để cứu thoát 3 người mắc kẹt trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại nhà K42/7-Trần Quốc Toản. Hỏi chuyện, Long tâm sự: "Lúc đó em chẳng nghĩ đến nguy hiểm mà chỉ mong cứu được người. Mong thành phố mình bình yên và không xảy ra những tai nạn đau lòng". Nếu như Long và anh Hoa sẵn sàng bất chấp hiểm nguy để cứu người, thì ông Doãn Mậu Hòe (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) có cách làm khác để đóng góp cho xã hội, đó là giúp nhiều học sinh nghèo được tiếp tục đến trường. Là Chủ tịch Hội Khuyến học Q.Ngũ Hành Sơn, ông Hòe cùng với các thành viên hội xin thành lập 4 Hội Khuyến học phường, 196 Chi hội Khuyến học ở các trường học và trên địa bàn khu dân cư, 23 Ban Khuyến học tộc họ, cơ quan với gần 16.000 hội viên. Từ những hội khuyến học này, ông Hòe đã vận động được 2,1 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học; đã chi 1,9 tỷ đồng cho hoạt động khuyến học, khuyến tài. Chưa dừng lại ở đó, với uy tín của mình, ông Hòe thúc đẩy thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến để bảo trợ dài hạn cho 111 học sinh nghèo, cấp học bổng cho 245 học sinh giỏi, trao giải thưởng cho 74 học sinh giỏi lớp 12, 372 học sinh trúng tuyển vào đại học. Ngoài ra, ông còn nhận bảo trợ cho 2 học sinh mồ côi nghèo mỗi năm 600.000 đồng học từ lớp 9 đến lớp 12. Tâm sự về những việc mình đã làm, ông Hòe bộc bạch: "Tuổi trẻ là tương lai của thành phố nên tôi muốn góp chút sức lực của mình, tạo bệ phóng cho thế hệ sau phải vươn lên tốt hơn".

Chiến sĩ Nguyễn Mạnh Long được đồng đội chăm sóc vết thương sau khi xông vào ngôi nhà đang cháy để cứu người.

Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã trở thành một đô thị phát triển, nhận được nhiều lời khen của bạn bè trong nước và quốc tế. Thành quả ấy không chỉ của riêng ai, mà đó là nỗ lực chung của mỗi người dân thành phố. 20 công dân tiêu biểu được biểu dương trong kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương là những gương mặt đại diện cho nỗ lực ấy, đại diện cho khát vọng đưa Đà Nẵng ngày càng tiến xa.

Minh Hà

DANH SÁCH 20 CÔNG DÂN TIÊU BIỂU CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

1. Ông Nguyễn Hữu Ái - Chủ tịch Hội cựu giáo chức Q. Sơn Trà.

2. Ông Nguyễn Ngọc Bá, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng.

3. Ông Lê Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân Q. Thanh Khê.

4. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dệt May 29-3.

5. Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân.

6. Ông Nguyễn Văn Cung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Đà Nẵng.

7. Ông Đặng Ngọc Hải, Đại đội 1 - Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng.

8. Ông Lê Văn Hoa, Đoàn viên P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà.

9. Ông Phan Văn Hòa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.

10. Ông Doãn Mậu Hòe, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 143, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn.

11. Bà Trịnh Thị Hồng, Trưởng ban công tác Mặt trận Hòa Phú 5, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu.

12. Ông Thái Thanh Hùng, hội viên Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng.

13. Ông Nguyễn Mạnh Long, Phòng Cảnh sát PCCC số 1, Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng.

14. Cháu Trịnh Nguyễn Hồng Minh, học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ.

15. Ông Trần Văn Mười, Hội Nông dân P. Mân Thái, Q.Sơn Trà.

16. Ông Trần Văn Phổ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ.

17. Vận động viên Hoàng Quý Phước, Trung tâm huấn luyện và đào tạo vận động viên, TDTT TP Đà Nẵng.

18. Ông Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai.

19. Ông Hoàng Ngọc Quỳnh, Chánh văn phòng Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng.

20. Ông Lê Văn Tá, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_160097_vi-ho-la-cong-dan-da-na-ng-.aspx