Vị lãnh đạo ngành y tế được nhiều người kính trọng, tiếc thương!

Ngày 5/9/2017, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Đàn, Anh hùng Lao động, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Người viết bài này có may mắn được gặp ông trong một số hoạt động của ngành, tuy không nhiều, khi ông - trên cương vị Thứ trưởng - nhưng còn lưu lại mãi những cảm nhận sâu xa về phẩm chất cao quý của một vị lãnh đạo đáng kính, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

1. Cuộc gặp đầu tiên

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được giao nhiệm vụ chuyên quản Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện các bệnh xã hội. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa lớn nhất cả nước. Ở đây tập trung nhiều chuyên khoa đầu ngành như tim mạch, cấp cứu nội khoa, tiêu hóa, nội tiết...

Hằng tuần, tôi dành thời gian ít nhất 2 ngày đến làm việc tại bệnh viện này. Khi đến Khoa Vi sinh y học, tôi được gặp GS. Vũ Văn Ngũ, Chủ nhiệm khoa. Ông từng là bác sĩ quân y ngoại khoa, từng trải qua nhiều chiến dịch lớn thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Cơ duyên đưa ông đến với chuyên ngành vi sinh y học, vì theo ông vi khuẩn gây bệnh làm cho thương tích nặng lên là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong trên thương binh và nhân dân. Tiếp tôi, ông rất buồn, thổ lộ về nỗi băn khoăn do Chương trình nghiên cứu độ nhậy cảm kháng sinh (ASTS- Antibiotic sensibility testing study) bị ngưng trệ, do kinh phí dành cho chương trình này do Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ đã bị hao hụt đáng kể vì sử dụng vào những chuyến đi nước ngoài, nay khó thực hiện được mục tiêu mà chương trình đề ra. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ đối mặt với vấn nạn vi khuẩn kháng kháng sinh, gây ra tổn thất không nhỏ đến hiệu quả chữa bệnh, làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh và gây tốn kém ngân sách rất lớn. Tôi đề nghị ông viết bản diễn giải sự việc và đề xuất hướng giải quyết để trình lãnh đạo Bộ tìm cách khắc phục. Cầm văn bản được GS. Vũ Văn Ngũ chuẩn bị, tôi xin gặp GS. Nguyễn Văn Đàn, Thứ trưởng Thường trực. Ông vui vẻ tiếp tôi. Sau khi nghe tôi trình bày sự việc và đọc văn bản đề xuất của GS. Vũ Văn Ngũ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đàn đã gọi ngay cho vụ chức năng làm văn bản được ông ký gửi, đề nghị Cơ quan SIDA giúp Việt Nam khắc phục khó khăn. Ít lâu sau, Cơ quan SIDA đã hồi âm, đồng ý bổ sung kinh phí để Bộ Y tế thực hiện các bước nghiên cứu tiếp theo. Biết được tin vui này, GS. Ngũ rất mừng và bày tỏ lòng biết ơn đối với GS.TS. Thứ trưởng Nguyễn Văn Đàn đã khẩn trương, quyết đáp. Từ đó, Chương trình ASTS có những kết quả nghiên cứu tích cực, làm cơ sở cho các cơ sở khám chữa bệnh trong việc kê đơn và sử dụng kháng sinh trong điều trị nội trú có hiệu quả không chỉ bó khung trong ngành y, mà góp phần cải thiện nhận thức trong việc sử dụng kháng sinh của nhân dân.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Đàn.

2. Chuyến làm việc tại huyện Bình Lục

Vào những năm đó, Bộ Y tế đưa ra chủ trương xây dựng Chương trình Thuốc thiết yếu. Đây là nhiệm vụ mang tính đột phá trong hoạt động khám chữa bệnh, mang tính xã hội, kinh tế và y học cao, được sự quan tâm lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bình Lục là huyện nhiều năm đạt danh hiệu Lá cờ đầu của ngành y tế, nên được Bộ chọn làm cơ sở đăng cai hội nghị các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ về chương trình này. GS. Nguyễn Văn Đàn, thay mặt lãnh đạo Bộ về dự. Ông có bài phát biểu tâm huyết về đề tài này, được các đại biểu quốc tế và trong nước có mặt nhiệt liệt hoan nghênh. Giữa buổi nghỉ trưa, ông gõ cửa phòng tôi và nói, rằng Bộ có điện thoại mời ông trở về Hà Nội ngay, để tiếp khách quốc tế. Tôi hơi bất ngờ khi ông nói, là xin phép anh tôi phải bỏ dở cuộc họp chiều nay, nhờ anh thông báo cho hội nghị thông cảm cho. Nghe ông nói, tôi bất ngờ đến gai người, vì tuổi tác, cương vị của ông đều cao lớn hơn tôi biết bao lần, sao ông lại xưng hô với tôi như vậy, tôi thầm nghĩ. Được biết ông còn ít phút chờ xe của Bộ xuống đón, tôi pha ấm nước chè, mời ông dùng, cũng để tĩnh tâm cho mình. Trong giây phút ngắn ngủi đó, tôi mạnh dạn đưa ra câu hỏi, vì sao thủ trưởng đối xử nhã nhặn, khiêm nhường đối với mọi người ít tuổi, cương vị thấp trong và ngoài cơ quan Bộ như vậy (anh em ở cơ quan Bộ từ anh bảo vệ, lái xe, đến chị lao công, dọp dẹp lá rụng hàng ngày, ai nấy đều cảm kích về sự cởi mở, chân tình mà ông dành cho họ, ai nấy đều ghi lại trong tình cảm của mình sự kính trọng đối với vị Thứ trưởng rất mực khiêm nhường, chân tình đó...). Ông mỉm cười, thổ lộ, rằng cuộc đời ông trưởng thành từ miền đất giàu truyền thống khoa bảng, văn hiến, bản thân được trui rèn qua những tháng năm kháng chiến ác liệt, của môi trường quân ngũ, được Đảng, Nhà nước quan tâm giáo dục, cho đi học ở nước ngoài, để trưởng thành như hôm nay. Nói cho cùng, đó là công ơn và công sức của cả tập thể, của cả ngành, quân đội, nhân dân, mà ông có may mắn được thụ hưởng. Các cụ đã dạy rằng: Quan nhất thời, dân vạn đại, vì thế, khi làm lãnh đạo, chớ quên là không được xa dân, kênh kiệu coi thường mọi người. Do vậy, việc cư xử với anh chị em đối với ông là điều tự nhiên, và ông thấy đó là điều hạnh phúc. Ông xiết chặt tay tôi trước khi bước lên xe trở về Hà Nội, kèm theo nụ cười vừa êm dịu, vừa trân quý...

3. Cuộc phỏng vấn tại nhà riêng

Hơn mười năm về trước, khi tôi làm việc theo hợp đồng tại báo Sức khỏe&Đời sống sau khi nghỉ hưu, được sự đồng ý của Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn, tôi cùng hai phóng viên của tòa báo là Minh Tâm và Thùy Trang, đến gặp ông tại nhà riêng trong một ngách nhỏ hẹp tại phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Trang và Tâm đều được học nghiệp vụ báo chí nghiêm chỉnh, còn tôi thì lơ ngơ bỡ ngỡ lắm. Nhưng cả 3 chúng tôi đều háo hức về cuộc gặp gỡ này, vì sẽ được gặp một vị cao niên đáng kính của ngành y tế. Vừa đi, vừa hỏi mọi người, khá lâu chúng tôi cũng tìm được căn nhà ông đang cư ngụ. Ông, bà đều có nhà, cùng ra mở cửa, nhẹ nhàng mời chúng tôi bước lên tầng hai, nơi đó là phòng tiếp khách của gia đình. Chúng tôi quan sát và nhận thấy căn phòng nhỏ được sắp xếp gọn gàng mà ấm cúng. Giá sách bao quanh căn phòng, xếp ngay ngắn những cuốn sách dày cộp, đủ màu sắc. Một chiếc bàn đặt chính giữa, mặt bàn đặt tấm kính trong suốt, với khay ấm chén sạch bóng. Ông bà bắt tay và hỏi thăm gia cảnh từng người chúng tôi, như bậc cha chú thăm hỏi người thân, xóa đi sự ngăn cách tuổi tác và địa vị xã hội. Sau khi nghe chúng tôi bày tỏ mong muốn được ông kể lại những hoạt động của mình, để viết bài báo cho chuyên mục Nhân vật - Sự kiện, ông nói thật lòng mình, rằng hoạt động của ông giống như bao người dân nước ta đã trải qua trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Cùng hai bạn nhà báo, chúng tôi bày tỏ nguyện vọng được ông kể về chặng đường đã trải qua trong quân ngũ... Ông xúc động khi nói về cảnh thương binh phải chịu nỗi đau đớn khi thiếu thuốc gây tê, mê trong phẫu thuật chiến thương. Từ đó ông nảy ra ý nghĩ tìm kiếm dược liệu có sẵn trên nhiều miền vùng rừng núi, bào chế được clorofoc, ete giúp giảm nhẹ nỗi đau khi mổ xẻ vết thương cho thương binh. Theo ông, đó là niềm vui lớn đầu tiên không thể nào quên, tạo lập định hướng đi sâu nghiên cứu dược liệu những năm tháng sau này. Ông nhắc lại lời dặn của các bậc tiền nhân có công đầu trong việc xây dựng nền y học dân tộc Việt Nam như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Danh y Tuệ Tĩnh: “Nam Dược trị Nam nhân”. Những năm tháng được du học tại CHDC Đức và thành công khi hoàn thành luận án tiến sĩ, thời gian làm việc tại Viện Dược liệu Trung ương, làm quản lý tại Trường đại học Dược Hà Nội và thời gian lên Bộ Y tế nhận nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo. Ông tâm sự, cuộc đời mình gắn liền với sức khỏe của bộ đội và nhân dân, đã để lại trong tâm khảm ông những tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc và tiếp thêm nghị lực để ông cống hiến cho đời. Khiêm nhường và chân thành, ông nghĩ rằng công sức của bản thân đóng góp cho ngành như giọt nước trong biển cả của đất nước, dân tộc ta; ông chúc lớp trẻ chúng tôi gắng sức học tập, rèn luyện để tiếp bước và tiến bộ vượt bậc lớp người đi trước... Chúng tôi thật sự xúc động khi ông bà chia sẻ tâm tình và cầu chúc ông bà luôn giữ được sức khỏe, có cuộc sống tuổi già yên vui, vì đó là niềm hạnh phúc và tự hào của lớp trẻ chúng tôi.

Chúng tôi đã hoàn thành bài báo viết về tấm gương của GS.TSKH, Anh hùng Lao động, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đàn, đăng trang trọng trên chuyên mục Nhân vật - Sự kiện của báo Sức khỏe&Đời sống.

Dù hiểu rằng quy luật khắc nghiệt của đời người mà không ai có thể tránh khỏi, nhưng tôi không khỏi đau đớn và thương tiếc về sự ra đi của ông.

Trong niềm thương tiếc vô hạn và kính trọng sâu sắc, xin ông yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.

Kính cẩn vĩnh biệt ông - GS.TSKH. Nguyễn Văn Đàn - Một nhà lãnh đạo đức tài vẹn toàn của ngành y tế Việt Nam.

Hà Nội, một đêm mất ngủ.

BS. Lâm Đức Hùng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/vi-lanh-dao-nganh-y-te-duoc-nhieu-nguoi-kinh-trong-tiec-thuong-n136250.html