Vì nhân dân quên... uống!

Chuyện uống rượu ở ta thì chẳng thua ai trên trái đất này. Có nhiều kiểu uống: Sang trọng là tiên tửu, uống một chén sống thêm nghìn năm. Lại có tích “Trúc lâm thất hiền”, thường vẽ lên bát đĩa cảnh 7 ông hiền uống rượu ngâm thơ trong rừng trúc.

Chính xác có 6 ông là nhà thơ, ông thứ 7 không làm thơ nhưng lại có tài uống hết 7 vò rượu nên được các nhà thơ trọng vọng mời ngồi cùng chiếu thơ, làm “chủ xị”. Dân “ngưu ẩm” chúng em uống như trâu, thực tình không nhớ tên 6 ông hiền thơ, chỉ biết tôn ông hiền thứ 7 là Lưu Linh làm sư phụ. Anh nào nhậu “khố đái ra cò” tự phong là đệ tử lưu Linh. Bước sang thời nay chuyện thất hiền được khối ông công chức của ta xem là chuyện “con thỏ”. Ngày nào chả 3 bữa. Sáng ăn tô phở, kèm 2 hột vịt lộn, một chén đưa cay. Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, chén rượu sáng khuyến mãi. Trưa, các nhà hàng chật ních công chức, viên chức cũng tham gia hào hứng chả kém. Có 1001 lý do để “ngồi với nhau” một hai ba dzô! Chiều thì bốn rưỡi đã thay quần dài bằng xà lỏn ra sân cầu lông, quần vợt. Chơi xong các quan anh quan em lại luân phiên chủ chi, uống cho đến xỉn về đi ngủ, sáng mai… uống tiếp. Tôi có một ông bạn trúng cử làm quan “tam phẩm”. Ông nhẹ nhàng nói với tôi: “Bác có uống thì chiều sang em, từ nay trưa không dám ngồi lâu, sợ mặt đỏ, chiều nhỡ “cụ” nào gặp thì phiền!”. Năm ngoái lên công tác một tỉnh vùng biên. Bữa trưa ăn cơm nhà khách, các bạn chủ nhà buồn ra mặt: “Tỉnh em vừa có chủ trương cấm uống rượu trong giờ hành chính. Bọn em phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thôi để đến bữa tối, ta làm tạm bát cơm chan canh cua, và sô với quả cà”… Bữa tối chính bác thủ trưởng cụng ly với chúng tôi. Rượu ngon, lại uống bù bữa trưa, chén cạn liên tục, sau mỗi chén lại bắt tay nhau “như chưa hề có cuộc chia ly”. Được vài tuần, bác thủ trưởng thừa nhận: “Nếu cứ để anh em cán bộ uống từ trưa thì chiều dân đến, họ chả giải quyết được việc gì cho dân cả. Thôi thì các bác nhịn một bữa cho nền hành chính quốc gia thêm hữu hiệu!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/vi-nhan-dan-quen-uong/20104/181284.laodong