Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt?

Vụ việc 8 bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tử vong là một tai nạn đau lòng. Trong ba người bị bắt tạm giam liên quan đến sự cố chạy thận nói trên có bác sĩ Hoàng Công Lương - người đang công tác tại bệnh viện này.

Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt?

Liên quan đến sự cố tai biến y khoa khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình hôm 29/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình ngày 22/6 đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 nghi can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương (sinh năm 1986, trú tại Xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội), khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Theo báo Lao động, cơ quan điều tra xác định, BS Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO. Tuy nhiên, khi còn chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, BS này vẫn quyết định chạy thận cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt vì có liên quan tới vụ gây sốc phản vệ (Ảnh Infonet)

Nhiều người lên tiếng về việc Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt

Hình ảnh người bác sĩ liên quan đến vụ chạy thận khiến 8 bệnh nhân thiệt mạng tại BV đa khoa Hòa Bình bị khởi tố bắt giam ngày 22/6 vừa qua tràn ngập khắp các mặt báo gây xôn xao dư luận. Gương mặt người bác sĩ hiền lành, tuổi đời trẻ trung khiến cho nhiều đồng nghiệp của anh xót thương. Ai cũng hiểu, sự cố y khoa lớn gây ra cái chết của 8 bệnh nhân là khủng khiếp, nhưng quanh việc bắt tạm giam bác sĩ Lương để điều tra, còn nhiều điều cần phải bàn.

VietnamNet cho hay, trước quyết định trên, dưới góc độ của một chuyên gia đầu ngành và lâu năm trong ngành y tế, ngày 26/6, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã ký đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo GS.TS Bình, việc giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về: số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng.

Vì vậy cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận là bác sỹ Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.

Bác sĩ Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra.

Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy.

Vì vậy theo giáo sư Bình, khuyết điểm của bác sỹ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi.

Rõ ràng trong sự cố khủng khiếp này, nếu chỉ BS Lương phải chịu tội thì chưa ổn. Trách nhiệm của lãnh đạo BV ở đâu?

Khả Di (T/h)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/vi-sao-bac-si-hoang-cong-luong-bi-bat-d114691.html