Vì sao chứng khoán toàn cầu chao đảo?

Tuần lễ vừa qua có thể nói là khá ảm đạm đối với TTCK thế giới, khi mà giá chứng khoán đồng loạt giảm không chỉ ở những tên tuổi “đại gia” như thị trường của Mỹ, Anh, Đức, Pháp… mà cả những nơi mới nổi ở Châu Á và Châu Mỹ Latin.

small_2331.jpg Tuần lễ vừa qua có thể nói là khá ảm đạm đối với TTCK thế giới, khi mà giá chứng khoán đồng loạt giảm không chỉ ở những tên tuổi “đại gia” như thị trường của Mỹ, Anh, Đức, Pháp… mà cả những nơi mới nổi ở Châu Á và Châu Mỹ Latin. Một vài con số ấn tượng liên tục được các hãng tin lớn đưa ra như “thị trường 18 nước Tây Âu đồng loạt giảm giá”, “nhiều cổ phiếu tại các thị trường châu Á giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 tháng qua”, “S&P500 của Mỹ giảm nhiều nhất kể từ tháng 9 năm 2002”… và tình hình được tường thuật có vẻ như càng ngày càng tệ đi. Nhiều người bắt đầu lo lắng như đang sắp xảy ra tình trạng đổ vỡ thị trường toàn cầu mang tính dây chuyền (thậm chí một vài nhà phân tích đã bắt đầu so sánh tình hình hiện tại với cuộc đổ vỡ thị trường năm 1987). Nhưng tình hình liệu có phải như vậy không, và vì sao thị trường toàn cầu lại đồng loạt giảm giá như vậy? Thị trường tín dụng nhà ở chao đảo Hiện tại thị trường tín dụng cho nhà ở của Mỹ đang lâm vào tình trạng mà nhiều người dùng từ “khủng hoảng” để hình dung. Nguyên nhân do nhiều người vay tiền rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả. Điều này chủ yếu xảy ra trên thị trường tín dụng tạm gọi là “hạng hai” (subprime market), nhưng nay đang có nguy cơ lan sang khu vực tín dụng tốt hơn, gây tổn thất cho rất nhiều tổ chức tài chính hoạt động tại Mỹ (do người đi vay không thể trả nợ), khiến cổ phiếu của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới (đa phần thuộc Mỹ và Châu Âu) sụt giảm mạnh. Thế là, nhiều công ty bắt đầu bỏ dở kế hoạch vay nợ của mình, vì họ cảm thấy rủi ro khi không biết các điều kiện về lãi suất, rồi điều kiện tín dụng, có bị thay đổi lớn hay không. Kết quả là nhiều kế hoạch mua lại và sáp nhập bị trì hoãn vì không tìm được nguồn tài trợ, thị trường trái phiếu công ty và nhiều thị trường tín dụng phái sinh khác gặp vấn đề về tính thanh khoản khi các nhà đầu tư đồng loạt bán ra vì họ không biết chắc điều gì sẽ đến. Nguyên nhân trên làm các nhà đầu tư cảm thấy đang trong một tình trạng không được an toàn, và nhanh chóng tìm cách bán tháo các khoản đầu tư của mình. Động thái này, cộng với việc nhiều công ty trong lĩnh vực tài chính bị tổn thất do vụ bê bối tín dụng, là tâm điểm của cơn lốc giảm giá chứng khoán tại Mỹ và Châu Âu. Nhiều dự báo bi quan Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mà nhà đầu tư lại đồng loạt nhận được nhiều tin xấu: giá dầu lại tăng cao lên gần mức 80 USD/thùng, có thể gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi thị trường nhà ở của Mỹ sụt giảm nhanh hơn dự đoán. Nhu cầu cho nhiều loại nguyên liệu thô và vật liệu xây dựng sẽ giảm nên cổ phiếu của nhiều công ty khai thác nguyên liệu rớt giá đồng loạt (đặc biệt là các công ty khai thác đồng, do giá đồng đang giảm nhanh). Với tình hình đó, tâm lý bi quan bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ, các thị trường lớn tại Châu Âu, và Úc, nơi có nhiều công ty khai thác khoáng sản, nguyên liệu thô lớn niêm yết. Nhiều nhà đầu tư rơi vào thua lỗ, phải bán tài sản dự trữ chiến lược là vàng ra để thanh toán các khoản lỗ, thế là cả giá vàng (vốn được xem là “điểm đến an toàn” khi thị trường chứng khoán có vấn đề) cũng giảm. Và tình hình sắp tới? Được biết, tình hình diễn biến của chứng khoán toàn cầu trong tuần vừa qua chủ yếu do tác động dây chuyền từ những vấn đề nội tại của kinh tế Mỹ, và một phần nữa do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư các nơi. Tuy nhiên, tình hình thực tế có lẽ là ít bi quan hơn nhiều so với những gì chúng ta cảm thấy từ các tin tức dồn dập của các hãng tin nước ngoài. Một điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế Mỹ dường như đã bị che khuất bởi các tin xấu, đó là việc các báo cáo bảng lương và sản xuất của Mỹ đều tốt, cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang chống chọi vững vàng trước nguy cơ suy thoái kinh tế và sụt giảm mạnh của thị trường nhà và thị trường tín dụng. Nếu kinh tế Mỹ có thể tránh được nguy cơ suy thoái, thì những lo ngại về nhu cầu của nguyên liệu thô, giá dầu cao... sẽ giảm đi nhiều. Khi đó, nhiều loại cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại, phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư. Do đó, không phải vô lý khi nhiều nhà phân tích tại Anh và Mỹ Latin lại xem đợt sụt giảm giá vừa rồi là cơ hội tốt để mua vào cổ phiếu tốt với giá rẻ. Theo dự đoán, một trong các tài sản mà nhiều nhà đầu tư sẽ bắt đầu tích lũy trong vài tuần tới lại chính là vàng, tài sản đang bị nhà đầu tư trên thị trường Mỹ và Tây Âu bán ra nhiều để lấy tiền bù vào các khoản lỗ do các giao dịch cổ phiếu của mình. Cho nên, cũng không lạ khi nhiều công ty kinh doanh vàng cho rằng đây là cơ hội tốt để mua vàng giá rẻ, vừa đầu cơ cho việc nhà đầu tư sẽ chuyển sang “điểm đến an toàn” này nhiều hơn.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29044-vi-sao-chung-khoan-toan-cau-chao-dao