Vì sao có sự lãng phí lớn?

Trong số báo 47 ra ngày 23/3/2010, Sức khỏe & Đời sống đã có bài "Sai phạm tại công trình ống dẫn khí PM3 - Cà Mau: Xử lý tài chính hơn 110 tỷ đồng" phản ánh, trong quá trình thực hiện dự án ống dẫn khí PM3 - Cà Mau có nhiều tồn tại trong công tác quản lý dự án... dẫn đến việc chậm hoàn thành dự án, có sự chênh lệch lớn giữa con số đầu tư được báo cáo. Bên cạnh đó, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công và các cơ quan liên quan còn chưa thực hiện đúng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng dẫn đến lãng phí và tăng chi phí của dự án.

Tại gói thầu EPC số 8A, khối lượng trong dự toán chi tiết các hạng mục được lập trên cơ sở hồ sơ thiết kế tổng thể, tuy nhiên ở nhiều nội dung đầu tư khối lượng trong dự toán lớn hơn so với khối lượng của hồ sơ thiết kế chi tiết và hồ sơ hoàn công được Ban quản lý dự án ký với nhà thầu và cũng là cơ sở để xác lập giá trị tổng dự toán và tổng mức đầu tư được phê duyệt của dự án với số tiền hơn 138 tỷ đồng. Cũng trong gói thầu 8A, một số đơn giá chi tiết trong dự toán các hạng mục xây lắp trên bờ được xây dựng không tuân thủ quy định của Nhà nước trong công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình như: đơn giá cát san lấp mặt bằng, lắp đặt đường ống trên bờ, đơn giá xây dựng nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà quản lý tính theo m2 với số tiền hơn 54,3 tỷ đồng. Lắp đặt đường ống dẫn khí. Bên cạnh đó, trong công tác mời thầu và ký hợp đồng, mặc dù Ban quản lý dự án đã được sử dụng chi phí của Ban để phục vụ cho các hoạt động giám sát, nhưng trong hợp đồng ký giữa Ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn lập thiết kế tổng thể và lập tổng dự toán vẫn đưa vào nội dung chi phí phục vụ cho cán bộ của Ban đi thực nghiệm kiểm tra, giám sát tại văn phòng chính của nhà thầu tại nước ngoài và chi phí giám sát A tại gói thầu EPC-A8. Hợp đồng ký giữa tổng thầu EPC gói thầu 8A và các nhà thầu phụ cung cấp vật tư, thiết bị lắp đặt có tình trạng trùng nội dung các chi phí phục vụ cho cán bộ của tổng thầu và Ban quản lý dự án đi kiểm tra giám sát chế tạo tại nước ngoài, giám sát thi công tuyến ống biển... trong khi những chi phí này đã được thanh toán trong nội dung chi phí quản lý của tổng thầu. Đây là những nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư của dự án lên đến hơn 2,5 triệu USD. Không chỉ thiếu sót trong công tác mời thầu và ký hợp đồng, công tác nghiệm thu thanh quyết toán còn nhiều sai phạm như thanh toán nội dung công việc có trong dự toán hợp đồng trọn gói, nhưng thực tế nhà thầu không thi công như thanh toán trùng chi phí giám sát chế tạo vật tư và thiết bị lên tàu tại nước ngoài hơn 11 tỷ đồng, lắp đặt hệ thống SCADA hơn 5,8 tỷ đồng, áp dụng định mức, đơn giá chưa đúng quy định trong công tác thanh toán hơn 4,1 tỷ đồng, mua bảo hiểm thay cho nhà thầu hơn 844 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện việc bảo hành công trình, các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị hoàn thành kết thúc thi công được bảo hành theo quy định, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì chủ đầu tư và Ban quản lý dự án lại chấp thuận dùng 9,2 tỷ vốn của dự án chi đền bù thiệt hại do đường ống dẫn khí bị bụi bẩn cho Nhà máy điện Cà Mau 1 trong khi chi phí này phải do tổng thầu EPC gói 8A và nhà thầu phụ tiền chạy thử và chạy thử PBJV chịu vì thiệt hại xảy ra trong thời hạn bảo hành của nhà thầu thi công. Để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm trên thuộc về Ban quản lý dự án, tổng thầu Vietsovpetro và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Chính việc không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng đã làm tăng chi phí, lãng phí số lượng lớn vốn đầu tư của Nhà nước ở một dự án trọng điểm. Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2010032509025855p61c71/-vi-sao-co-su-lang-phi-lon.htm