Vì sao có sự “tiền hậu bất nhất” trong việc quy hoạch phát triển giao thông ở Đà Nẵng?

Bài 1: Hệ quả của sự tiền hậu bất nhất!

(NB&CL) - Trong năm 2013, Báo NB&CL đã có loạt bài phản ánh về tình trạng lộn xộn, phá vỡ quy hoạch vận hành bến bãi tại Thủ đô Hà Nội do sự cố thủ của “nhóm lợi ích”. Sự việc đã dai dẳng kéo dài khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết. Những tưởng chuyện này chỉ diễn ra ở Hà Nội nhưng hình như “vòi bạch tuộc” của “nhóm lợi ích” đã và đang vươn vòi ra nhiều địa phương khác. Cụ thể là TP. Đà Nẵng-một tỉnh thành nổi tiếng về chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư…nhưng cũng đang bị phá vỡ quy hoạch thành phố cũng bởi “nhóm lợi ích” tạo ra…

Nhà đầu tư nói gì?

Bến xe phía Nam do Cty CP Đức Long (Đà Nẵng) xây dựng khang trang nhưng vắng tanh.

Cầm bản quy hoạch giao thông do Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký cùng lời mời gọi đầu tư của lãnh đạo thành phố, Cty Cổ phần Đức Long - Đà Nẵng đã bỏ ra 130 tỷ đồng xây dựng bến xe khách. Nhưng thật trớ trêu, dù đã hoàn thành và đi vào hoạt động được gần hai năm, bến xe này vẫn trong cảnh “vườn không nhà trống”. Vì sao lại có nghịch lý trên? Phải chăng là bởi “nhóm lợi ích” đang cố thủ, biến quy hoạch của TP. Đà Nẵng thành “trò đùa”, coi thường lợi ích cộng đồng, bỏ qua sự phát triển cân bằng, bền vững của Đà Nẵng?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phan Xuân Viên- Giám đốc Cty Cổ phần Đức Long Đà Nẵng- cho biết: Chúng tôi là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa, đã nhiều lần được Bộ GTVT biểu dương. Các bến xe chúng tôi xây dựng ở Gia Lai, Lâm Đồng đều rất thành công, góp phần đáng kể vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Năm 2010 – khi đó đồng chí Nguyễn Bá Tanh còn là Bí thư, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng- chúng tôi đã được lãnh đạo TP. Đà Nẵng mời gọi đầu tư xây dựng bến xe ở Đà Nẵng. Chính đồng chí Nguyễn Bá Tanh đã cho biết theo “Quy hoạch phát triển giao thông công chính TP. Đà Nẵng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Đà Nẵng xây dựng 2 bến xe là bến xe phía Bắc và bến xe phía Nam. Bến xe phía Bắc bố trí tại khu vực giữa quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang phục vụ các tuyến vận tải khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc. Bến xe phía Nam bố trí tại Hòa Vang để phục vụ các tuyến vận tải khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng cam kết triển khai quy hoạch trên, xây dựng đồng thời bến xe phía Bắc và phía Nam để đưa hoạt động vận tải của thành phố đi vào trật tự, đảm bảo văn minh đô thị và ATGT, khắc phục tình trạng xe khách đi trong nội đô gây ùn tắc, mất ATGT. Ngay sau đó, một đoàn công tác gồm nhiều Sở, ngành của Đà Nẵng đã đi thăm mô hình bến xe xã hội hóa do công ty đầu tư xây dựng ở Gia Lai để rồi các cơ quan chức năng đồng ý cho công ty đầu tư xây dựng, khai thác bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng theo đúng quy hoạch. “Cam kết của lãnh đạo thành phố, quy hoạch phát triển giao thông TP. Đà Nẵng rất rõ ràng chính là niềm tin để chúng tôi đi đến quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng bến xe phía Nam Đà Nẵng. Chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc, quy mô, bài bản để tạo ra một bến xe vào loại hiện đại bậc nhất cả nước.”- ông Viên cho hay.

Với những thông tin trên có thể thấy đã có sự gặp nhau, thống nhất cao giữa lãnh đạo TP. Đà Nẵng và nhà đầu tư về việc triển khai quy hoạch giao thông nhằm xây dựng cho Đà Nẵng một hạ tầng vận tải khách đồng bộ, hiện đại. Và có lẽ, đây chính là niềm tin để cho doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng bến xe.

“Sập bẫy” hay bị “nhóm lợi ích” ngăn cản?

Phòng bán vé của BX Phía Nam Đà Nẵng không một bóng người suốt 20 tháng qua.

Được biết, đã tròn 20 tháng kể từ khi đưa vào hoạt động bến xe phía Nam Đà Nẵng (rộng gần 7ha, với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 130 tỷ đồng, thuộc loại hiện đại nhất hiện nay) vẫn chưa có một xe khách nào vào khai thác, đồng nghĩa với việc chưa có một hành khách nào đến và đi ở bến xe này! Khối tài sản hàng trăm tỷ đồng này cũng đang rơi vào tình cảnh đắp chiếu, nguy cơ bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, ngoài việc hàng tháng vẫn phải chi trả bộ máy nhân viên, mỗi ngày Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng vẫn phải trả hơn 20 triệu tiền lãi ngân hàng. Tính sơ bộ trong 2 năm qua, Cty này đã bị thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Được “trải thảm đỏ” mời về đầu tư, không ngờ có ngày Cty phải rơi vào tình cảnh trớ trêu này!?

Theo quy hoạch cũng như lời cam kết, kêu gọi đầu tư thì Sở GTVT Đà Nẵng phải điều tiết, phân bổ luồng tuyến theo hướng Bắc – Bắc; Nam – Nam (các tuyến xe từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc hoạt động ở bến xe trung tâm thành phố; các tuyến xe từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên vào hoạt động ở bến xe phía Nam). Và trên thực tế hoạt động vận tải ở Đà Nẵng cũng cho thấy đây cũng là một yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo trật tự ATGT, thực hiện sự đồng bộ trong phát triển kinh tế-xã hội ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Mặc cho Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng nhiều lần gửi đề nghị đến Sở GTVT, UBND TP, Tành ủy Đà Nẵng đề nghị điều chuyển các tuyến xe từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên về bến xe phía Nam theo đúng “Quy hoạch phát triển giao thông công chính TP. Đà Nẵng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” nhưng đều nhận được sự từ chối một cách lạnh lùng: Doanh nghiệp tự cạnh tranh, thành phố không thể can thiệp điều chuyển các tuyến vận tải!

Điều này thật sự “đánh đố” doanh nghiệp! Đại diện Cty Cổ phần Đức Long Đà Nẵng cho biết: Theo quy hoạch, bến xe trung tâm TP. Đà Nẵng hiện tại phải chuyển về khu vực đã quy hoạch xây dựng bến xe phía Bắc. Tuy nhiên, TP. Đà Nẵng đã phá vỡ quy hoạch, không triển khai xây dựng bến xe phía Bắc mà giữ nguyên bến xe trung tâm. Cụ thể là ngay sau khi bến xe phía Nam đi vào hoạt động, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định cấp cho đơn vị đang khai thác bến xe trung tâm quyền sử dụng đất lên đến… 50 năm! Với lợi thế ở gần trung tâm hơn bến xe phía Nam hơn 10 km, lại được kết nối hệ thống xe buýt nên nếu để “cạnh tranh tự do” sẽ không có một doanh nghiệp nào vào bến xe phía Nam hoạt động! Như vậy, quy hoạch giao thông bị phá vỡ, Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng đã chính thức bị “sập bẫy”, đang đứng bên bờ vực phá sản, luôn trong tâm trạng hoang mang, bất an. Đỉnh điểm là trong số những kiến nghị mới đây, công ty này đã đề nghị sẽ trao trả lại dự án và TP. Đà Nẵng hoàn trả lại vốn cho nhà đầu tư!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở Đà Nẵng đang có nhiều ý kiến, dư luận cho rằng sau khi TP có sự chuyển giao lãnh đạo, quy hoạch giao thông thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo trật tự ATGT đã không được những người có trách nhiệm thực hiện. Vì lợi ích riêng, họ đã cố thủ, đưa ra lý do “Luật doanh nghiệp”, “doanh nghiệp tự do cạnh tranh” để một mực không thực hiện phân bổ luồng tuyến theo đúng “Quy hoạch phát triển giao thông công chính TP. Đà Nẵng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”?

Theo Luật Quy hoạch đô thị, UBND TP. Đà Nẵng phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trong thực hiện quy hoạch do chính mình ban hành. Đà Nẵng đang hướng đến chính quyền đô thị và lâu nay nổi tiếng cả nước về thu hút đầu tư, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nên càng không thể “tiền hậu, bất nhất”. Việc đi ngược lại với quy hoạch hiện đại, văm minh thực sự thể hiện sự lạc hậu, thụt lùi sẽ không có “đất” để tồn tại lâu dù có “cố thủ” đến cùng.

Báo NB&CL sẽ làm rõ những vấn đề này trong những bài viết sau.

Nguyễn Thạch Trí Vĩnh

Bộ GTVT CHỈ ĐẠO THÁO GỠ KHÓ KHẮN CHO DOANH NGHIỆP

Nhận được đơn kêu cứu của Cty cổ phần Đức Long Đà Nẵng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc, giải quyết đề nghị, khó khăn của doanh nghiệp. Tại buổi làm việc mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của bến xe phía Nam Đà Nẵng đối với sự phát triển bền vững của TP. Đà Nẵng, không thể bỏ trống vì gây lãng phí, tổn thất cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/146/47801/Vi-sao-co-su-%E2%80%9Ctien-hau-bat-nhat%E2%80%9D-trong-viec-quy-hoach-phat-trien-giao-thong-o-Da-Nang.html