Vì sao cộng đồng Hoa kiều ủng hộ Donald Trump?

Phong cách không giống ai của ứng cử viên Donald Trump đang hấp dẫn các cử tri gốc Hoa. Trump đã đạt được điều mà các ứng cử viên tổng thống trước đây chỉ dám mơ ước: Thúc đẩy cử tri gốc Hoa đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 8.11 trong khi họ vốn là những người có truyền thống thờ ơ với chính trị.

Hoa kiều bất mãn với chính sách của đảng Dân chủ nên chuyển sang ủng hộ Trump - Ảnh: breitbart.com

Cũng như các nhóm dân tộc khác tại Mỹ, dù phần lớn cộng đồng Hoa kiều không ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và các chính sách gây tranh cãi của ông, họ đều phải thừa nhận Trump đã tạo động lực cho các hoạt động chính trị chưa từng có trước đây trong cộng đồng Hoa kiều trong bối cảnh bầu cử đã đến hồi gay cấn.

Theo Cliff Li, một trong những cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, phong cách lập dị của ứng cử viên này lại nhận được sự ủng hộ từ các nhóm dân cư xưa nay không thích chính trị như cộng đồng Hoa kiều. Ở chiều ngược lại, Trump mất đi khá nhiều cử tri có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Thành viên Ủy ban cố vấn về châu Á - Thái Bình Dương của ông Trump nói: “Chiến dịch này rất không chính thống, theo mọi phương cách”.

Là một doanh nhân trong thời đại công nghệ thông tin, Li từ Trung Quốc đại lục chuyển đến Mỹ vào năm 1990. Ông cũng là giám đốc điều hành của Ủy ban quốc gia người Mỹ gốc Á của đảng Cộng hòa. Hai ủy ban trên có chung mục đích tăng cường tiếp cận cử tri gốc Á.

Một số nhà phân tích tin rằng nhóm dân cư gốc Á là nguồn phiếu quan trọng có thể thay đổi cục diện bầu cử mặc dù chỉ chiếm thiểu số trong tổng số cử tri đi bầu.

Người Mỹ gốc Hoa ủng hộ Donald Trump - Ảnh: Los Angeles Times

Sức thu hút từ sự khác biệt

Nhận xét về Donald Trump, Cliff Li cho biết: “Ông ấy không phải loại ứng cử viên Cộng hòa đặc trưng hay truyền thống. Ông ta rất giàu năng lượng, rất khác thường và có lẽ không phải là một ứng cử viên tổng thống lý tưởng trong một năm bình thường. Nhưng thực tế “kẻ ngoại đạo” này lại thú vị và thu hút nhiều chú ý hơn cả”.

Trump chiếm được tình cảm của nhiều người ủng hộ nhiệt thành từ thế hệ Hoa kiều mới, những người quả quyết giữ lập trường chính trị bảo thủ.

Trong khi nhiều ý kiến kịch liệt chỉ trích các nhận định mang tính khiêu khích về nhiều vấn đề khác nhau, từ thương mại cho đến các liên minh an ninh của Mỹ hay thái độ phân biệt giới tính của Trump, những người ủng hộ lại xem đó là điều hấp dẫn họ.

Ngoài ra, thái độ bất mãn với các chính sách kinh tế, an ninh quốc gia, nhập cư, tuyển sinh đại học của chính quyền của Tổng thống Obama càng lan rộng càng khiến cho danh tiếng của Trump giữa cộng đồng Hoa kiều tăng lên.

Cliff Li đánh giá: “Tôi đã chứng kiến nhiều người Trung Quốc trở nên nhiệt tình với chính trị và đang đứng về phía đảng Cộng hòa, đơn giản vì họ yêu thích ông Trump”.

Zhang Wei, lãnh đạo tổ chức cơ sở Hoa kiều ủng hộ Trump, là một trong số trên. Người đàn ông 41 tuổi này cho biết: “Như nhiều Hoa kiều khác, trước đây tôi không quan tâm đến chính trị. Tuy nhiên tôi rất hứng thú với Trump và bắt đầu vận động cho ông ấy với vai trò tình nguyện viên kể từ cuộc bầu cử sơ bộ năm ngoái”.

Ông nói: “Trump là người duy nhất dám thách thức tính đúng đắn của chính trị để chỉ ra những vấn đề quốc gia này đang đối mặt trong khi nhiều người khác không có can đảm để làm vậy. Tôi ủng hộ đảng Cộng hòa vì tôi thích phong cách cá nhân của ông Trump cũng như chính sách kinh tế và chính sách công bảo thủ của ông”.

Hoa kiều tham gia bầu cử ở Mỹ - Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ không theo xu hướng Cộng hòa

Ông Cliff Li cho biết nhiều Hoa kiều đã chuyển sang ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa. Điều này khiến các nhà khoa học chính trị bối rối. Nhiều người ủng hộ ông Trump không thuộc đảng Cộng hòa.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew, phân nửa số dân gốc Á thuộc đảng Dân chủ hoặc ủng hộ khuynh hướng Dân chủ trong khi chỉ có 28% thuộc đảng Cộng hòa hoặc theo khuynh hướng đảng Cộng hòa.

Li bổ sung thêm, tỉ lệ ủng hộ đảng Cộng hòa giảm đáng kể từ 50% vào năm 1992 xuống 25% vào giai đoạn bỏ phiếu cuối cùng năm 2012.

Ông ghi nhận: “Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng mới. Ngày càng nhiều người gốc Hoa quay sang ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử này, nhưng rất khó để nói chính xác quy mô của những thay đổi này do thiếu số liệu thống kê bỏ phiếu của cử tri gốc Á”.

Là thành viên đảng Cộng hòa từ năm 2004, Li không tự xem mình là fan của Donald Trump dù vẫn trung thành ủng hộ ông: “Tôi thật sự không đồng tình với ông ta ở vài vấn đề nhỏ như phong cách giao tiếp của ông ấy”.

Li nhìn nhận Trump với hình ảnh một doanh nhân và nhận xét Trump rất ít khi làm đúng kịch bản trong các bài phát biểu. Dù vậy Li vẫn khẳng định: “Trump vẫn sẽ là Trump và đó là phong cách của ông ấy. Chúng ta phải quen với điều đó đi”.

Đời sống chính trị của cộng đồng Hoa kiều

Grace Su, một nhà tổ chức vận động Hoa kiều ủng hộ Trump tại New York, cho biết bà tham gia vào chiến dịch tranh cử không chỉ với mục đích ủng hộ ứng cử viên yêu thích mà còn giúp đem lại tiếng nói cho cộng đồng Hoa kiều.

Bà nhận thấy có sự thay đổi gia tăng trong hoạt động chính trị của cộng đồng Hoa kiều sau vụ án sĩ quan cảnh sát gốc Hoa Peter Liang bị kết án vô ý làm chết người hồi tháng 4.2016 sau khi sĩ quan này bắn chết một người da đen không mang súng tại New York năm 2014.

Phiên tòa xét xử sĩ quan cảnh sát gốc Hoa Peter Liang hồi tháng 4.2016 - Ảnh: AP

Liang là cảnh sát New York đầu tiên bị kết án bắn người khi đang thi hành nhiệm vụ trong hơn một thập niên qua. Nhiều Hoa kiều cho rằng đây là hành vi phân biệt chủng tộc. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối.

Bà Grace Su giải thích: “Chúng tôi chưa bao giờ quan tâm đến chính trị. Nhưng chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đang phải đối mặt với thái độ kỳ thị có hệ thống đối với nhiều vấn đề vì chúng tôi không lên tiếng”.

Lời hứa trấn áp tội phạm nhắm đến các nhóm thiểu số đã chiếm được cảm tình của nhiều người gốc Trung Quốc.

Ông Li cho hay: “Chúng tôi để ý tình hình tội phạm và bạo lực văn hóa nhắm vào cộng đồng Hoa Kiều đang tăng lên”.

Nhiều người Hoa tại Mỹ đang tức giận bởi chính sách hành động của đảng Dân chủ, trong đó bao gồm một hệ thống hạn ngạch phân biệt đối xử nhằm hạn chế quyền học đại học của dân nhập cư châu Á trong khi quyền lợi cho các nhóm dân tộc khác lại được tăng thêm.

Theo bà Su, giới sinh viên gốc Hoa là những người chịu thiệt thòi nhất dưới một hệ thống như thế. Bất chấp kết quả trong các kỳ thi của họ thường cao hơn so với sinh viên gốc Phi, sinh viên Hoa kiều vẫn không lọt được vào các trường đại học danh tiếng.

Bà nói: “Chúng tôi không nhận ra rằng dù có chăm chỉ thế nào chúng tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc nếu không hiểu chính trị và văn hóa Mỹ bất kể chúng tôi sống ở đây bao lâu”.

Người Hoa bất mãn với chính sách của đảng Dân chủ

Ông Cliff Li đánh giá các chính sách “hoàn toàn không công bằng và đó là lý do cốt lõi tại sao năm nay có nhiều người Mỹ gốc Hoa chuyển sang ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa đến thế”.

Ví dụ một chính sách gây tranh cãi do chính quyền của Tổng thống Obama ban hành là cho phép sinh viên chuyển giới sử dụng nhà tắm phù hợp với giới tính. Chính sách này gây ra làn sóng phản đối dữ dội giữa những người Trung Quốc nhập cư. Li bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi không kỳ thị cộng đồng LGBT nhưng chúng tôi thấy đây là một chính sách kỳ quặc và sai lầm, làm dấy lên nhiều lo ngại trong gia đình Hoa kiều”.

Hoa kiều quan tâm hơn đến chính trị sau các cuộc biểu tình ở New York bênh vực sĩ quan cảnh sát gốc Hoa Peter Liang bị kết án bắn chết người - Ảnh: AP

Về số lượng người nhập cư vào Mỹ, người Trung Quốc đã vượt qua người gốc Tây Ban Nha để trở thành nhóm nhập cư mới lớn nhất. Tuy nhiên, hầu hết người Trung Quốc nhập cư không có ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm công dân bất chấp những thay đổi tích cực gần đây.

Ông Li cho hay: “Đáng buồn thay chúng tôi không phải là một lực lượng chính trị. Các kết quả khảo sát cho thấy số cử tri gốc Hoa đi bầu thấp nhất, sau tất cả các nhóm cử tri gốc Á khác. Hầu hết Hoa kiều không sống ở các bang đua tranh quyết liệt về số phiếu”.

Ông khẳng định: “Chúng tôi có khả năng tạo ra khác biệt nhưng không nhất thiết trong lần bầu cử này. Chuyện cộng đồng Hoa kiều sẽ tăng dần ảnh hưởng lên nền chính trị Mỹ là điều chắc chắn”.

Nhiều chuyên gia chính trị nhận thấy những người Mỹ gốc Hoa không đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trước đây đã lên tiếng nhiều hơn ở cuộc bầu cử lần này.

Theo Tiến sĩ Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu có trụ sở tại Potomac (bang Maryland), cộng đồng Hoa kiều sẽ chia đều lá phiếu cho hai ứng cử viên tổng thống và đây là dấu hiệu của sự hội nhập mạnh mẽ vào xã hội Mỹ.

Dù vậy, tiến sĩ này tin rằng bất chấp kết quả thăm dò, kết quả bỏ phiếu vẫn sẽ thể hiện thái độ ủng hộ mạnh mẽ của người Mỹ gốc Á với ông Trump. Lý do vì những người có hoài bão và chăm chỉ rất thích liên hệ hình ảnh thành công của Donald Trump.

Đỗ Duy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vi-sao-cong-dong-hoa-kieu-ung-ho-donald-trump-46309.html