Vì sao Công ty Thương mại Thái Hưng lại muốn thâu tóm các công ty sản xuất thép?

Gần đây CTCP Thương mại Thái Hưng đã liên tục mua vào và nắm chi phối Công ty Thép Việt Ý và có ý định mua lại phần thoái vốn của SCIC từ Công ty Gang thép Thái Nguyên TISCO.

Công ty thương mại Thái Hưng, tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng được thành lập ngày 22/5/1993 theo Quyết định số 291/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).

CTCP Thương mại Thái Hưng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính: Sản xuất phôi thép, cốp pha thép; kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại và dịch vụ vận tải..

Công ty đã xây dựng được mối quan hệ với gần 1.000 khách hàng tại khắp các miền Bắc, Trung, Nam; trở thành đối tác tin cậy của hơn 20 tập đoàn, công ty trên toàn cầu, trong đó có các tập đoàn lớn như RK, Seiwa, Tube city IMS, Stemco, ... Với việc duy trì tổng sản lượng thép cung cấp chiếm gần 12% thị phần của cả nước.

Số liệu năm 2015 cho thấy tổng sản lượng thép Thái Hưng cung ứng đạt 660.610 tấn; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt trên 200 triệu USD, trong đó sản lượng phôi thép kinh doanh xuất, nhập khẩu đạt 430.000 tấn, vượt 43% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2014; nộp ngân sách Nhà nước gần 698 tỷ đồng, tăng 12%; bảo đảm việc làm ổn định cho 500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 21% so với năm 2014.

Theo báo cáo VCSC, doanh thu năm 2016 của Thái Hưng đạt 15.600 tỷ.

Câu chuyện của VIS

Tháng 8/2016, Thái Hưng đã mua vào 9.850.000 cổ phiếu VIS, nâng tổng lượng sở hữu sau giao dịch lên 12,3 triệu cổ phiếu và bắt đầu trở thành cổ đông lớn của Thép Việt Ý.

Tháng 10/2016, CTCP Thương mại Thái Hưng đã báo cáo kết quả chào mua công khai cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý. Theo đó, Thái Hưng đã mua được 12,8 triệu cổ phiếu VIS chào mua công khai trước đó, nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Thép Việt ý lên 50,98% tương ứng hơn 25,09 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất của VIS.

Nguyên giá Tài sản cố định của VIS là 1.381 tỷ nhưng nhà máy cơ bản đã khấu hao gần hết. Tại thời điểm 31/12/2016, giá trị còn lại của Tài sản cố định là 489 tỷ nhưng tạo doanh thu 3.776 tỷ/năm, lợi nhuận 72,8 tỷ, lớn hơn rất nhiều so với số lỗ 51.8 tỷ đồng năm 2015 và cũng là số lãi lớn nhất từ năm 2010 đến nay. Năng lực sản xuất của VIS đạt khoảng 300.000 tấn/năm.

Sau khi về tay Thái Hưng, kết quả kinh doanh Quý III và IV/2016 của VIS trở nên khả quan, cụ thể doanh thu Quý III đạt trên 1.000 tỷ, Quý IV 1.431 tỷ đồng doanh thu, mức cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2006, và tăng 81% so với quý 4/2015.

Doanh thu tăng, trong khi các loại chi phí được tiết giảm tối đa. Do vậy, quý 4 Thép Việt Ý lãi trước thuế 41,19 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ hơn 26,2 tỷ đồng quý 4/2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 38,9 tỷ đồng, là số lãi lớn nhất đạt được từ quý 1/2011 đến nay.

Câu chuyện của Thép Thái Nguyên (TISCO)

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Thương mại Thái Hưng vừa mua 14,1 triệu cổ phiếu TIS và trở thành cổ đông lớn của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã chứng khoán: TIS). Ngày giao dịch là ngày 21/02/2017. Tỷ lệ cổ phiếu TIS mà Thái Hưng sở hữu là 14,2 triệu đơn vị tương ứng 5% vốn điều lệ.

Cũng trong ngày 21/02, cổ đông lớn Lê Thành Thực đã bán 4,6 triệu cổ phiếu TIS, giảm khối lượng sở hữu xuống còn hơn 9,6 triệu cổ phiếu (tương ứng 3,4%). Trong ngày này, TIS xuất hiện giao dịch thỏa thuận tổng cộng hơn 37 triệu cổ phiếu với giá thỏa thuận bình quân 7.000 đồng/cổ phiếu.

Thương mại Thái Hưng là một trong 3 nhà đầu tư ngỏ ý muốn mua cổ phần của Nhà nước tại Tisco. Trước đó trao đổi với báo giới, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết số vốn nhà nước vào Tisco khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, SCIC là đại diện và sẽ thoái cổ phần tại đây. Việc thoái vốn nhà nước ở Tisco nhận được sự quan tâm của giới đầu tư do gần đây công ty đã có lợi nhuận, hoạt động hiệu quả hơn. Theo lời ông Hoài, Thương Mại Thái Hưng đãtrả giá hơn 1.500 tỷ đồng.

Sau khi Thái Hưng trở thành cổ đông lớn của Tisco, Gang thép Thái Nguyên có các cổ đông lớn là Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) nắm 42,11%; SCIC nắm 35,21%; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng nắm 11,3%; Thái Hưng nắm 5%. Ngoài ra, Vietinbank nắm 3,52%.

TIS hiện có nặng lực sản xuất thép khoảng 500.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ luyện lò cao từ quặng đầu tiên của Việt Nam.Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của TIS đạt 11.156 tỷ đồng. Tisco hiện có nguyên giá tài sản cố định 4.610 tỷ, khấu hao tài sản cố định của TIS là 200 tỷ/năm.

Tính đến 30/9/2016, công ty đã rót khoảng 4.581 tỷ trong tổng số 8.104 tỷ đồng đầu tư vào dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Nhà máy ngừng hoạt động nhưng các chi phí hao mòn, duy tu, bảo dưỡng vẫn lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Dự án giai đoạn 2 trở thành gánh nặng cho Tisco khi chìm trong thua lỗ do chi phí tài chính lớn. Mãi cho tới cuối quý 3/2016, Tisco mới thoát lỗ lũy kế và có lãi trở lại.

Kết thúc năm tài chính 2016, TIS đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 8.578 tỷ và 2,2 tỷ đồng, đồng thời xóa hết lỗ lũy kế.

Với những gì Thái Hưng làm tại VIS, nhiều nhà đầu tư kì vọng nếu Thái Hưng mua lại khoản đầu tư của SCIC tại Tisco, hoạt động của Tisco sẽ bớt u ám hơn thời gian trước.

Diễn biến giá cổ phiếu của TIS và VIS trong 6 tháng qua

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vi-sao-cong-ty-thuong-mai-thai-hung-lai-muon-thau-tom-cac-cong-ty-san-xuat-thep--20170227102731920p4c146.news