Vì sao cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ thất bại?

Cuộc đảo chính của một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15.7 đã thất bại chóng vánh. Các nhà phân tích đánh giá nguyên nhân thất bại xuất phát từ chính lực lượng đảo chính và quyền lực quá mạnh của Tổng thống Erdogan.

Khi mới bùng nổ vào đêm 15.7, lực lượng đảo chính có vẻ như sắp lật đổ được một trong những chế độ mạnh nhất ở Trung Đông ở thời điểm hiện tại.

Xe tăng của quân đảo chính xuất hiện trên đường phố Istanbul, chiếm các cơ quan quyền lực quan trọng cũng như kiểm soát đài truyền hình nhà nước. Tuy nhiên đến sáng hôm sau thì cuộc đảo chính đã bị dập tắt.

Xe tăng của quân đảo chính xuất hiện trên đường phố Istanbul - Ảnh: Reuters

Sau vụ đảo chính, giới phân tích đã đưa ra nhiều cách giải thích về nguyên nhân thất bại.

Nguyên nhân thất bại từ quân đảo chính

Nguyên nhân thất bại đầu tiên là lực lượng đảo chính quá ít để có thể làm nên chuyện lớn.

Báo The Jerusalem Post trích lời nhà báo Yossi Melman cho biết trong 4 cuộc đảo chính trước đây (1960, 1971, 1980 và 1997), lực lượng đảo chính có hàng chục ngàn binh sĩ tham gia, nếu không nói là hầu hết quân đội. Còn trong vụ đảo chính lần này, lực lượng đảo chính chỉ gồm một nhóm với vài ngàn binh sĩ và sĩ quan.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thất bại của quân đảo chính là lực lượng vốn ít ỏi này lại không nhận được sự ủng hộ cần thiết từ quân đội. Việc này thể hiện qua hành động bắt cóc tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar.

Nhà phân tích Sinan Ulgen thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình thế giới (Carnegie Endowment for International Peace) nhận xét lực lượng đảo chính không bao gồm tất cả các phe phái và cũng không gồm tất cả các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội. Họ chỉ có vài sư đoàn xe tăng và một số đơn vị không quân. Đa số lực lượng bộ binh lẫn nhiều đơn vị không quân vẫn chọn trung thành với Tổng thống Erdogan.

Ông Sinan Ulgen phân tích: “Khác với các vụ đảo chính trước, vụ đảo chính lần này nằm ngoài guồng máy chỉ huy nên không có đủ nguồn lực để thành công”.

Nguyên nhân thứ ba là quân đảo chính không có vẻ gì là được tổ chức tốt.

Nhà phân tích Asli Aydintasbas thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận xét quân đảo chính có thể tiến hành nhiều hoạt động đồng thời trên nhiều vùng của đất nước, từ đó cho thấy đây là chiến dịch đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại không nghĩ như vậy. Họ đánh giá kế hoạch đảo chính chưa được chuẩn bị kỹ và lực lượng đảo chính cũng không được tổ chức tốt.

Đầu tiên, vụ đảo chính không nhận được sự ủng hộ cần thiết của quân đội là điều cho thấy vụ đảo chính không được chuẩn bị tốt. Kế đến, hành động của lực lượng đảo chính không thể đem lại thành công. Quân đảo chính đã chiếm được đài truyền hình nhà nước nhưng hành động là quá muộn màng. Nhiều đài truyền hình tư nhân đã giúp Tổng thống Erdogan có cơ hội lên sóng kêu gọi chống đảo chính trong suốt đêm 15.7.

Quân đảo chính bắt được tham mưu trưởng Hulusi Akar, kiểm soát cầu Bosphorus quan trọng tại Istanbul và chiếm nhiều cơ quan an ninh ở thủ đô Ankara nhưng lại để mất hai mục tiêu chính là Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim. Từ đó, hai nhân vật này mới có cơ hội kêu gọi người ủng hộ chống đảo chính.

Tổng thống Erdogan có cơ hội lên sóng kêu gọi người ủng hộ chống đảo chính - Ảnh: Reuters

Theo đánh giá của nhà phân tích Ulgen, chặn cầu và chiếm các cơ quan quân sự không thể khiến đảo chính thành công. Ông nhận xét: “Họ hành động như những kẻ liều chết. Họ làm những việc này mà không biết đến hậu quả”.

Nguyên nhân từ phía Tổng thống Erdogan

Ông Recep Tayyip Erdogan đã có thời gian dài nắm quyền hành (từ năm 2003) với tư cách Thủ tướng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian cầm quyền, ông đã có kinh nghiệm phát hiện và đập tan 2 âm mưu đảo chính vào năm 2007 và năm 2010.

Năm 2007, cảnh sát Istanbul trong một chiến dịch truy quét đã phát hiện nơi ẩn náu của một nhóm mang tên Ergenekon với thành phần là luật sư, giáo viên, nhà báo và cả một số quan chức cấp cao của quân đội. Tại nơi ẩn náu, cảnh sát tìm thấy vũ khí và đạn dược. Hàng trăm người bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu đảo chính chống lại chính phủ của ông Tayyip Erdogan lúc này đang là Thủ tướng.

Đến năm 2010, chính quyền Erdogan lại phát hiện một âm mưu đảo chính có tên Sledgehammer với mục tiêu xúi giục dân chúng gây bất ổn xã hội nhằm lật đổ đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông Erdogan.

Ngoài kinh nghiệm đối phó đảo chính, thời gian cầm quyền dài tạo điều kiện cho ông Erdogan tiến hành nhiều cuộc thanh trừng. Tiêu biểu là cuộc truy quét, bắt bớ và xử lý hàng trăm sĩ quan quân đội, nhà chính trị với tên gọi “Búa tạ” (Operation Iron Hammer) năm 2011.

Tổng thống Erdogan tại Istanbul ngày 16.7 - Ảnh: AP

Tuy gây không ít bức xúc nhưng các cuộc thanh trừng đã giúp ông Erdogan cài cắm người ủng hộ vào nhiều cơ quan chính yếu, từ cơ quan tình báo, cảnh sát, hệ thống tư pháp cho đến quân đội, giúp bảo đảm quyền lực nằm trong tay ông.

Quyền lực của ông đã được thể hiện rõ khi trong cuộc đảo chính lần này, ông vẫn có thể kết nối với báo chí và phần lớn lực lượng cảnh sát lẫn quân đội vẫn trung thành với ông, sẵn sàng đối đầu với quân đảo chính.

Cẩm Bình (theo theguardian.com, jpost.com)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vi-sao-cuoc-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-that-bai-38278.html