Vì sao doanh nghiệp Hải Dương thờ ơ với điện mặt trời?

Việc chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, góp phần giảm tải hệ thống lưới điện mùa khô. Tuy vậy, do nhiều khó khăn nên đa số doanh nghiệp vẫn thờ ơ.

Hệ thống điện mặt trời giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất

Hệ thống điện mặt trời giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất

Hiệu quả đã rõ

Năm 2020, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã đầu tư 1,2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời gồm 144 tấm pin có công suất 50 KWp tại Chi nhánh Kinh doanh nước sạch số 1 ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương). Toàn bộ phần mái của bể chứa nước được đơn vị tận dụng lắp các tấm pin với diện tích hơn 180m2. Sản lượng điện thu được từ hệ thống điện mặt trời trung bình trong những ngày nắng nóng có thể đạt 200kW, phục vụ chạy máy bơm và lọc nước. “Sau một thời gian sử dụng, chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Chúng tôi có thể sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời trong đợt cao điểm sẽ giúp giảm tải cho hệ thống lưới điện. Đặc biệt là giảm bớt chi phí tiền điện hằng tháng của chi nhánh”, ông Vũ Bá Long, Giám đốc Chi nhánh Kinh doanh nước sạch số 1 cho biết.

Công ty TNHH một thành viên ThaiHD (TP Hải Dương) cũng đầu tư khoảng 480 triệu đồng để lắp đặt 130 tấm pin có tổng công suất 28 KWp. ThaiHD là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, dịp hè phải bơm, lọc hệ thống nước trong các bể bơi nên tiêu tốn khá nhiều điện năng. Do đặc thù kinh doanh chủ yếu khai thác trong mùa hè nên đơn vị tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời. Theo thống kê của công ty, vào những tháng mùa hè với hệ thống pin như vậy đơn vị thu được khoảng 4 triệu đồng tiền điện/tháng, đối trừ sản lượng điện đã tiêu thụ, công ty tiết kiệm được 2-3 triệu đồng tiền điện. “Tôi thấy việc đầu tư hệ thống điện mặt trời tuy ban đầu có tốn kém nhưng hiệu quả thu được lại rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh sử dụng nhiều điện như chúng tôi”, ông Cao Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên ThaiHD cho biết.

Bể bơi ThaiHD (TP Hải Dương) cũng lắp đặt 130 tấm pin có tổng công suất 28 KWp để tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời. Ảnh: Huyền Anh

Bể bơi ThaiHD (TP Hải Dương) cũng lắp đặt 130 tấm pin có tổng công suất 28 KWp để tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời. Ảnh: Huyền Anh

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, đơn vị hiện thu mua điện mặt trời của 526 khách hàng, với sản lượng phát lên lưới trung bình trên 1,4 triệu kWh/tháng.

… nhưng khó nhân rộng

Trong thời điểm nguồn điện ở miền Bắc vào mùa khô gặp nhiều khó khăn thì điện mặt trời được xem là giải pháp hữu ích nhằm san tải cho nguồn cung điện năng từ thủy điện hay nhiệt điện. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm.

Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp chưa quan tâm đó là quy định về các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp khá phức tạp, nhất là các đơn vị muốn được đấu nối vào hệ thống lưới điện chung do đơn vị điện lực quản lý. Đối với doanh nghiệp, đầu tư một hệ thống điện mặt trời đáp ứng được nhu cầu phải cần hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, lượng điện năng thu được từ hệ thống pin mặt trời mà các đơn vị không sử dụng hết cũng không thể lưu trữ lại mà buộc phát lên lưới với giá 0 đồng.

Đầu tư hàng tỷ đồng để có hệ thống điện mặt trời nhưng chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn trong năm, không thể bán điện khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại

Đầu tư hàng tỷ đồng để có hệ thống điện mặt trời nhưng chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn trong năm, không thể bán điện khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại

Mặt khác, hệ thống điện mặt trời ở miền Bắc chỉ có thể phát huy tác dụng vào những ngày nắng. Việc phải bỏ ra một khoản tiền lớn để lắp đặt hệ thống pin nhưng không thể bán điện và thời gian sử dụng trong năm ít nên nhiều doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư. Đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu họ rất cần chứng chỉ xanh nên cần đầu tư hệ thống điện mặt trời, nhưng với nhiều rào cản như hiện nay thì chưa thúc đẩy được các doanh nghiệp tham gia.

Thời điểm mùa khô năm 2023, khi nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiếu trầm trọng, Bộ Công thương đã có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đối với các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện. Theo đó, Bộ Công thương đề xuất các cơ chế như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện, được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc. Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí… Tuy nhiên đến nay, các nội dung này mới đang được Bộ Công thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ.

Nếu những cơ chế mới này được Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đầu tư hệ thống điện mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng xanh trong sản xuất, kinh doanh.

TÂM PHÚC

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vi-sao-doanh-nghiep-hai-duong-tho-o-voi-dien-mat-troi-381607.html