Vì sao hào quang Mặt Trời xuất hiện ở Đồng Nai và nhiều tỉnh khác

Sự xuất hiện của Mặt Trời đi kèm vầng hào quang rực rỡ tại một số tỉnh phía Bắc đã thu hút sự chú ý của nhiều người vào trưa 21/5.

Hiện tượng quầng Mặt Trời xuất hiện rõ nét nhất vào khoảng 11h trưa nay tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Trưa hôm qua (20/5), khu vực Đồng Nai cũng ghi nhận quầng sáng bao quanh Mặt Trời tạo thành một cảnh tượng kỳ thú.

Bên cạnh những cư dân mạng tỏ ra phấn khích trước cảnh tượng lạ, một số khác liên tưởng đến câu "Trăng quầng thì hạn/Trăng tán thì mưa" và lo ngại về thời tiết.

Trao đổi với Tri thức - Znews, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khẳng định người dân không cần lo lắng bởi đây chỉ là hiện tượng quang học tự nhiên, không phải dấu hiệu của thời tiết nguy hiểm.

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, quầng hào quang có tên gọi khác là quầng 22 độ. Chúng là những vòng ánh sáng bao quanh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng, thường xuất hiện khi có một lớp mây mỏng trên bầu trời.

Sự xuất hiện bất ngờ của quầng Mặt Trời khiến nhiều người quan tâm.

Sự xuất hiện bất ngờ của quầng Mặt Trời khiến nhiều người quan tâm.

Hiện tượng này thường xảy ra trong khí quyển Trái Đất ở khu vực lân cận đĩa sáng Mặt Trời hoặc Mặt Trăng khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá).

Ở độ cao đủ lớn, hơi nước cô đặc rồi đông cứng thành tinh thể băng. Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua tinh thể băng, dạng hình học của tinh thể sẽ làm cho ánh sáng bị khúc xạ, tương tự hiện tượng xảy ra khi ánh sáng đi qua thấu kính phân kỳ.

Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học là lời giải thích dễ hiểu cho cảnh tượng lạ mà nhiều người bắt gặp vài ngày nay.

Màu sắc của quầng Mặt Trời phụ thuộc nhiều yếu tố như thời gian, lượng nước trong không khí, bụi bẩn... Vì vậy, người dân ở mỗi nơi có thể chiêm ngưỡng những màu sắc khác nhau của quầng sáng, từ đỏ, cam, vàng cho đến lục, lam, chàm, tím.

Từ đầu năm 2024, người dân ở nhiều khu vực đã được chứng kiến một loạt hình ảnh thiên nhiên lạ lẫm như hai “Mặt Trời” (Hồ Tây, Hà Nội), mây ngũ sắc (TP.HCM)... Dẫu vậy, tất cả đều là hiện tượng khoa học có thể lý giải chứ không liên quan đến yếu tố "tâm linh" hay "điềm báo" nào.

Mai Vũ

Ảnh: Tổng hợp FB

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-hao-quang-mat-troi-xuat-hien-o-dong-nai-va-nhieu-tinh-khac-post1476609.html