Vì sao Hiệp hội tư vấn chuyển Đại học Tôn Đức Thắng về cho TP.HCM quản lý?

Tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn rất căn bản, và rất cần thiết cho việc phát triển đại học nhưng tới nay cũng mới thực hiện nửa chừng, nửa vời.

LTS: Được biết, đầu năm 2024, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để có ý kiến tư vấn cho Thủ tướng về việc phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh quản lý Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Để dư luận hiểu hơn về ý kiến tư vấn của Hiệp hội, hôm nay, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Chủ tịch Vũ Ngọc Hoàng có thể chia sẻ lý do để Hiệp hội đưa ra tư vấn này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đúng là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có ý kiến tư vấn cho Thủ tướng về việc này. Nguyên do là trong buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội vào cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có yêu cầu chúng tôi có ý kiến tư vấn nên hay không về việc phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh quản lý Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Và chúng tôi tư vấn cũng với ý không chỉ dành riêng cho trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng mà còn là một cách tư duy chung cho các trường hợp tương tự khác nữa, bắt đầu từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Chúng tôi cho rằng, việc phân cấp quản trị, quản lý nói chung và đại học nói riêng là yêu cầu khách quan, cần thiết và đã được nêu trong các nghị quyết của Trung ương Đảng và Nhà nước. Chứ không phải "nước ta nhỏ nên không cần phân cấp, còn các nước lớn thì họ phân cấp", như cách lý giải không khoa học của những ai đó làm công tác quản lý nhưng chưa nghiên cứu kỹ vấn đề (bởi Việt Nam không phải là nước nhỏ và nhiều nước nhỏ hơn ta vẫn phân cấp) hoặc xuất phát từ động cơ muốn ôm đồm bởi lý do nào đó nên không chịu phân cấp. Ý kiến của Hiệp hội dựa vào cơ sở khoa học và pháp lý của việc phân cấp cho địa phương quản lý một số trường đại học:

Thứ nhất, việc phân tầng quản lý các trường đại học giữa trung ương và địa phương xuất phát từ sự đa dạng về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và khả năng huy động các nguồn lực của trung ương và địa phương cho phát triển giáo dục đại học, tăng cường tính tự chủ và năng động sáng tạo của địa phương và cơ sở đào tạo. Các trường do địa phương quản lý vừa đào tạo cho nhu cầu chung của cả nước, của xã hội, vừa đáp ứng những nhu cầu sử dụng của địa phương.

Trên cơ sở đó tạo thêm điều kiện cho các trường ấy trưởng thành, nâng chất lượng thành trường có đẳng cấp cao hơn. Nhiều nước phát triển cũng đã làm như thế. Họ có cả hệ thống các trường đại học cộng đồng do địa phương quản lý trên cơ sở pháp luật chung về giáo dục đại học và phân cấp quản lý.

Thứ hai, tại Mục 7, Phần III, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị Lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã chỉ đạo: “Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý; Bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu”.

Từ năm 2005 Thủ tướng đã có Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 quyết nghị: “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với trường đại học”.

Năm 2016, Thủ tướng có Nghị quyết số 89/NQ-CP, cũng đã tiếp tục quyết định: Tiến hành bỏ cơ quan chủ quản ở các trường đại học đa ngành.

Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện tự chủ, phân cấp quản lý, tháo gỡ cơ chế để xây dựng một số đại học Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế.

Nhưng cho đến nay, những nội dung của các nghị quyết đó nhìn chung vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều cơ chế bất cập vẫn còn tồn tại khiến cho các đại học công lập Việt Nam khó phát triển. Chủ trương tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn rất căn bản, và rất cần thiết cho việc phát triển đại học nhưng tới nay cũng mới thực hiện nửa chừng, nửa vời khiến nhà trường chưa thể tự chủ về tổ chức, nhân sự, học thuật, và tài chính-tài sản để có thể trở thành đại học có đẳng cấp cao.

Phóng viên: Hiệp hội kỳ vọng ra sao về ý kiến tư vấn chuyển Trường Đại học Tôn Đức Thắng về cho Thành phố Hồ Chí Minh quản lý?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn nhất, đầu tầu của đất nước, và đang trong tiến trình thực hiện cơ chế thí điểm đột phá phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cũng đang cần những trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu khoa học mạnh để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố, kể cả việc đáp ứng những nhu cầu cán bộ quản lý cho bản thân thành phố.

Ảnh: T.L

Cho nên việc góp sức cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, Hiệp hội nghĩ và tin rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ ủng hộ chủ trương chuyển Trường Đại học Tôn Đức Thắng về cho Thành phố quản lý; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho nhà trường được tự chủ hoàn toàn để phát triển thành trường đại học có đẳng cấp cao quốc tế.

Mặt hết sức quan trọng khác là Thành phố Hồ Chí Minh có đủ sức, đủ khả năng và lực lượng để giúp cho Trường tiếp tục phát triển ngày càng có đẳng cấp cao hơn, vừa đáp ứng cho nhu cầu đào tạo của Thành phố vừa đóng góp công sức chung vào sự nghiệp phát triển giáo dục đại học của đất nước ta.

Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, với quyết tâm cao của Thành phố Hồ Chí Minh và sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chuyển Trường Đại học Tôn Đức Thắng về Thành phố quản lý, sau một thời gian nữa thành phố Hồ Chí Minh sẽ có một trường đại học đẳng cấp quốc tế, từ đó thúc đẩy và cùng với một số trường đại học khác của Việt Nam trong danh sách trường có đẳng cấp để góp phần quan trọng cho việc hưng thịnh quốc gia, hiện đại hóa đất nước và dân tộc.

Phóng viên: Đến nay ý kiến tư vấn của Hiệp hội được hưởng ứng ra sao, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Ngày 3/5/2024 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có mời Hiệp hội tham dự cuộc họp để trao đổi về việc chuyển Trường Đại học Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sang trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tại cuộc họp đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc chuyển Trường đại học Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chính quyền địa phương Thành phố Hồ Chí Minh quản lý mà Hiệp hội thấy không thỏa đáng.

Phóng viên: Xin hỏi đó là những ý kiến như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thứ nhất, trong Báo cáo số 30/BC-BGDĐT ngày 2/4/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tại các công văn của một vài bộ và đơn vị liên quan khác nữa gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như có sự nhầm lẫn cho rằng Hiệp hội đã chủ động kiến nghị chuyển Trường Đại học Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong khi còn chưa có sự nghiên cứu, trao đổi với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên, trên thực tế ý kiến đề xuất của Hiệp hội chỉ là văn bản tham mưu theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo Hiệp hội diễn ra ngày 12/11/2023. Thủ tướng không đòi hỏi Hiệp hội phải xin ý kiến các đơn vị liên quan rồi mới trả lời. Bên cạnh đó, bằng tư duy độc lập, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy có đủ cơ sở chính trị, khoa học và luật pháp để tham mưu vấn đề này nên Hiệp hội không phải đi xin ý kiến của các đơn vị để họ đồng ý rồi mới được tư vấn.

Thứ hai, Hiệp hội không đồng tình với ý kiến khi cho rằng còn chưa có cơ sở để xem xét chuyển Trường đại học Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, theo Hiệp hội (cũng trùng với ý kiến của Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), cơ sở quan trọng nhất để xem xét việc chuyển đổi trong trường hợp này là phải thực hiện chủ trương “Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý; Bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu” (theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Trường Đại học Công đoàn để đào tạo cán bộ cho mình rồi!

Về mặt quan điểm, đây là điều có tính khoa học và cũng là nguyên tắc nữa, do đó, Hiệp hội cho rằng chỉ nên bàn cách triển khai mọi việc như thế nào cho Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, chứ không nên bàn có nên làm việc chuyển đổi đó hay không nên làm; và phát hiện các vướng mắc để tháo gỡ (nếu có). Rất tiếc là cuộc họp hôm đó không phân tích cơ sở khoa học nào để chọn phương án này hay phương án khác, mà người điều hành chủ yếu là hỏi ý kiến đơn vị chủ quản có nhất trí không và lời bình từ các đơn vị liên quan khác. Chủ quản thì đương nhiên vẫn là muốn quản, còn lãnh đạo nhà trường do chủ quản chỉ định đề bạt lên nên ý kiến cũng như cơ quan chủ quản cũng là dễ thông cảm.

Thứ ba, Thủ tướng không hỏi về lựa chọn mô hình hay tổ chức lại nhà trường mà là có sự chuyển đổi cơ quan quản lý - một hiện tượng rất phổ biến trong hệ thống nhà nước. Vấn đề lại càng ít phức tạp hơn khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong 23 trường đại học công lập được tự chủ từ năm 2014. Việc chuyển cơ quan quản lý của trường này về địa phương vừa đúng đắn với Nghị quyết 19-NQ/TW, mà còn rất phù hợp với cơ chế của trường và địa phương để giúp trường phát triển.

Thứ tư, như phần đầu tôi đã nói xin được nhắc lại, có ý kiến cho rằng, không như các quốc gia lớn, địa phương (tỉnh) của nước ta quá nhỏ nên không đủ năng lực để quản lý các trường đại học lớn. Hiệp hội hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này, vì:

Thành phố Hồ Chí Minh không phải là một địa phương nhỏ và năng lực quản lý giáo dục hạn chế so với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (một đoàn thể).

Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng. Trên thế giới phân tầng giáo dục đại học chủ yếu nhằm 2 mục đích:

Một là, thực hiện phân cấp quản lý hợp lý hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh vốn là sản phẩm của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp.

Hai là, mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương ấy; đồng thời người dân của địa phương đó có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học.

Từ trước đến nay, bên cạnh hệ thống giáo dục đại học trung ương tập trung, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương nói chung và hệ thống giáo dục đại học địa phương nói riêng và xem giáo dục địa phương là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc gia, cũng giống như vai trò của "3 thứ quân" trong chiến lược chiến tranh nhân dân của nước ta trước đây và hiện nay.

Đặc biệt, về mặt pháp lý, Điều 105 của Luật Giáo dục 2019 quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và địa phương thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ.

Như vậy việc bỏ qua hay xem thường hệ thống các trường địa phương và năng lực quản lý giáo dục của chính quyền địa phương là đi ngược lại quan điểm phát triển giáo dục của Đảng (trong đó có Nghị quyết 19) và Nhà nước ta.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Hà An (thực hiện)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-hiep-hoi-tu-van-chuyen-dai-hoc-ton-duc-thang-ve-cho-tphcm-quan-ly-post242672.gd