Vì sao không thể xử lái xe uống rượu, đâm chết 3 người tội... giết người?

Đó là băn khoăn, thắc mắc của rất nhiều độc giả xung quanh vụ TNGT kinh hoàng làm chết 3 người xảy ra sáng 29/2 tại Hà Nội.

Như Infonet đã đưa tin, vào khoảng 7h ngày 29/2, một xe Camry BKS 29A-866.23 đang lưu thông trên đường Ái Mộ (phường Bồ Đề, Long Biên Hà Nội), khi đến đoạn qua số nhà 29 đột nhiên mất lái đâm vào một loạt xe máy và một xe ô tô 7 chỗ. Xe chỉ dừng lại khi đâm vào một gốc cây trước cửa số nhà 31 Ái Mộ. Vụ TNGT kinh hoàng này đã khiến 3 người chết, trong đó có một cháu nhỏ.

Tai nạn kinh hoàng diễn ra ngày 29/2

Để góp góc nhìn pháp luật xung quanh vụ việc này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư TpHCM) về vấn đề này.

Thưa luật sư, căn cứ nội dung báo chí đưa, theo luật sư, lái xe đã vi phạm quy định nào của pháp luật?

Tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ hiện hành có quy định về Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

“1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp....

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Như vậy, theo quy định trên, người lái xe khi tham gia giao thông bắt buộc phải có giấy phép lái xe.

Tại Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;


3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”.

Mà, theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC có quy định: “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự là làm chết từ 3 người trở lên...”.

Như vậy, theo quy định trên, tài xế điều khiển xe khi tham gia giao thông không có bằng lái xe có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tương ứng

Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM)

Nếu những hành vi như không có bằng lái, uống rượu bia lái xe ô tô được xác minh, lái xe này sẽ bị xử lý theo hướng tăng nặng như thế nào?

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự quy dịnh về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Phạm tội có tổ chức;

...........................

h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;

k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;…

Như vậy hành vi của tài xế làm chết nhiều người gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định trên.

Từ vụ việc khủng khiếp như thế này, theo luật sư có cần phải tăng chế tài với những người uống rượu bia, điều khiển phương tiện giao thông không?

Đúng vậy. Tình trạng uống rượu bìa tràn lan và vô tội vạ hiện nay ở Việt Nam ở mức báo động. Do vậy, cần ban hành bổ sung các luật, văn bản tăng chế tài đối với những người uống rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó chúng ta cần tuyên truyền, vận động ý thức của người dân khi uống rượu bia một cách tích cực hơn. Không những áp dụng chế tài, tăng chế tài đối với người uống rượu bia mà biện pháp này cũng nên áp dụng cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh buôn bán rượu bia...

Rõ ràng lái xe mà không có giấy phép lái xe, lái xe mà uống rượu bia hậu quả rất có thể là dẫn đến tai nạn giao thông chết người. Người thực hiện hành vi hoàn toàn có thể biết điều đó. Có ý kiến cho rằng có thể xử lý ngang tội giết người. Ý kiến của luật sư như thế nào?

Tôi không đồng ý với quan điểm này về mặt pháp lý.

Bởi yếu tố cấu thành tội phạm Tội giết người khác với cấu thành tội phạm Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Mặc dù có thể lái xe không có giấy phép lái xe, lái xe mà uống rượu bia hậu quả rất có thể là dẫn đến tai nạn giao thông chết người nhưng người này không ý thức hết được hậu quả ngay từ đầu và việc để hậu quả chết người nằm ngoài ý muốn của người vi phạm, điều này khác hẳn với Tội giết người khi người phạm tội biết được hậu quả chết người xảy ra và cố ý thực hiện tội phạm đến cùng. Đối với tội giết người, người phạm tội biết rõ hành vi của mình là tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật và hậu quả chết người xảy ra. Điểm khác nhau về ý thức chủ quan nêu trên được xác định qua các tình tiết biểu hiện ra bên ngoài như phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm, vị trí tác động, trình độ nhận thức, tính cách, mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại…Mặc dù người uống rượu nhiều khi lái xe Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không vì lý do đó mà xử lý ngang với tội giết. Bởi như vậy sẽ không phù hợp với lý luận cũng như khoa học pháp lý.

Xin cảm ơn luật sư?

Hồng Chuyên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/lai-xe-uong-ruou-dam-chet-3-nguoi-co-the-xu-ngang-toi-giet-nguoi-khong-post192284.info