Vì sao lãi suất chỉ giảm 'nhỏ giọt'?

Để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm lợi nhuận của chính mình. Theo các chuyên gia, tâm lý các ngân hàng thích cho vay lãi suất cao, không thích cho vay lãi suất thấp. Ngoài bốn “ông lớn” trong khối ngân hàng quốc doanh đi theo “tiếng còi hiệu lệnh” của NHNN thì việc giảm lãi suất tại các NHTMCP là câu chuyện cần thời gian để kiểm chứng.

Để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm lợi nhuận của chính mình. Ảnh: P.V

Tín hiệu tốt cho doanh nghiệp

NHNN vừa công bố giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Ngay sau thông báo của NHNN, một loạt các NHTM có động thái giảm lãi suất. Bốn “ông lớn” trong khối Big 4 đều tuyên bố giảm 0,5%-1%/năm cho một số đối tượng, lĩnh vực ưu tiên. Các NHTM khác cũng hưởng ứng làn sóng hạ lãi suất.

Vậy việc NHNN giảm lãi suất sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế? Trao đổi với PV báo Lao Động, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia ngân hàng cho rằng lãi suất giảm thì DN sẽ được hưởng. Tuy nhiên, có những điều cần lưu ý là việc thực hiện còn có độ trễ. Việc giảm lãi suất chỉ áp dụng với các khoản tín dụng ký mới từ nay trở đi, và chỉ áp dụng giảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Thực tế hiện nay tín dụng cho 5 lĩnh vực chiếm khoảng 47-48% tổng dư nợ nền kinh tế.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV - đánh giá, động thái hạ lãi suất cho vay ngắn hạn của NHNN là tín hiệu tốt, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng DN, hứa hẹn đem đến cơ hội tốt cho các DN hoạt động dịch vụ cần vốn ngắn hạn. Ông Nam cho rằng, mong muốn lớn nhất của DN hiện nay là ngân hàng quan tâm hơn đến khả năng tiếp cận vốn cho vay trung dài hạn trên cơ sở nguồn vốn sản xuất. DN cần lãi suất thấp vì ước tính cứ giảm 1% lãi suất sẽ tương đương với giảm 0,27% vào giá thành. Tôi hy vọng ngân hàng sẽ cố gắng hạ lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ khoảng 6%/năm. Ngoài ra, để DN đủ sức cạnh tranh để đầu tư đổi mới, thời gian đầu DN sẽ chưa sinh lời ngay nên cần có ân hạn dài hơn.

Giảm lãi suất cho vay, vì sao khó?

Doanh nghiệp “phấn khởi” vì lãi suất giảm, vậy sao ngân hàng chỉ giảm 0,25% và 0,5%? Đại diện lãnh đạo một NHTM cho biết, để có thể giảm được lãi suất cho vay, các NH phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm lợi nhuận của chính mình. TS Cấn Văn Lực cho biết “Nếu tiếp tục giảm lãi suất sâu thêm, DN sẽ vui, nhưng NH sẽ không dám cho vay lĩnh vực ưu tiên vì lợi nhuận quá eo hẹp. Hiện nay chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra ròng của các NH Việt Nam sau khi trừ các chi phí và trích lập dự phòng rủi ro là khoảng 2%. Trong khi đó, ở các nước khác trong khu vực, con số này là 3-4%. Nếu tiếp tục giảm lãi suất, các NH sẽ không chịu được trong bối cảnh nợ xấu đang cao”.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - GĐ Phân tích và đầu tư khách hàng cá nhân của SSI - cho rằng “Thông điệp của NHNN rất rõ ràng là tín dụng đi đúng hướng, đúng ngành và không khuyến khích dòng tiền đổ vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Nhưng thực tế ra sao lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tiền đổ vào các lĩnh vực ưu tiên lãi suất thấp hay cho vay bất động sản lãi suất cao là do quyết định của NHTMCP. Tâm lý các NH sẽ thích cho vay lãi suất cao, không thích cho vay lãi suất thấp. Biết đâu chỉ vì quyết định giảm lãi suất cho vay 0,5% này mà dòng tiền chảy vào các lĩnh vực ưu tiên lại ít đi? NHNN cần theo dõi và giám sát việc cho vay để đạt được mục tiêu dòng tiền đi đúng chỗ tạo ra giá trị cho tương lai. Trong thời gian tới, bốn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV sẽ tiếp tục là nòng cốt thực hiện chính sách của NHNN là cung cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng đối với các NHTMCP khác như ACB, Sacombank, Eximbank…, NHNN phải có cách khuyến khích để họ tham gia, nếu không dòng tiền sẽ tự tìm đến chỗ lãi suất cao. Việc giảm lãi suất là chủ trương đúng đắn của NHNN, nhưng hiệu quả đến đâu cần thời gian chứng minh”.

Về lâu về dài, theo Chủ tịch HĐQT một NHTM nhà nước, lãi suất cho vay của các doanh nghiệp khó có thể giảm tiếp nếu nợ xấu không được giải quyết. Vì còn nợ xấu tức là các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu được ví như cục máu đông, khi cục máu đông chưa tan sẽ gây tắc nghẽn trong kinh tế. Nợ xấu lớn sẽ tạo nên nguồn vốn đọng không sinh lời. Dòng vốn không đưa vào lưu thông ra thị trường, điều này có thể khiến sự tiếp cận vốn của DN khó khăn.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/vi-sao-lai-suat-chi-giam-nho-giot-686639.bld