Vì sao Mỹ, Anh cấm mang thiết bị điện tử lên máy bay?

Sau Mỹ, Vương quốc Anh cũng cấm hành khách từ 6 quốc gia Trung Đông đem máy tính xách tay và máy tính bảng lên các máy bay đến nước này.

Báo Independent hôm 21-3 dẫn nguồn tin an ninh cho biết quyết định của chính phủ Anh được đưa ra sau khi London nhận được một số báo cáo tình báo cụ thể. Trong đó, Anh lo ngại về một mối đe dọa khủng bố mới liên quan đến các thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động.

Tuy nhiên, Phủ thủ tướng Anh không bình luận về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố. Quyết định cấm hành khách từ 6 quốc gia đông người Hồi giáo sinh sống đem máy tính xách tay và máy tính bảng lên các chuyến bay đến Anh được thực hiện sau khi Thủ tướng Anh Theresa May gặp gỡ các chuyên gia hàng không vào sáng 21-3. Ít nhất 15 hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi quyết định nói trên.

Giới chức Anh ghi nhận sự thất vọng của các hành khách tại 6 quốc gia hứng chịu các biện pháp hạn chế nhưng khẳng định điều này là cần thiết để làm giảm nguy cơ khủng bố. “Sự an toàn và an ninh của người dân khi đi du lịch là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” – một phát ngôn viên tại số 10 phố Downing (nơi đặt dinh thự của thủ tướng), giải thích.

Sau Mỹ, tới lượt Vương quốc Anh cấm hành khách từ 6 quốc gia đem máy tính xách tay và máy tính bảng lên các chuyến bay đến nước này. Ảnh: PA

Theo báo Independent, 6 quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Ả Rập Saudi. Các thiết bị điện tử bị cấm nếu chiều dài vượt quá 16 cm, chiều rộng 9,3 cm và độ dày 1,3 cm. Hành khách không được mang các thiết bị này lên khoang máy bay, thay vào đó phải để trong hành lý ký gửi, đồng thời bị kiểm tra nghiêm ngặt tại chốt kiểm soát an ninh.

Trước đó, Mỹ hôm 20-3 cũng tiến hành biện pháp tương tự, ảnh hưởng đến các chuyến bay của 9 hãng hàng không cất cánh từ 10 sân bay ở Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Kuwait, Morocco, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-3 và chưa rõ ngày kết thúc. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Mỹ đảo ngược lệnh cấm này. “Lệnh cấm không phải là hành động đúng đắn” - Bộ trưởng Giao thông vận tải Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Arslan phàn nàn.

Reuters dẫn lời nhà chức trách Mỹ cho biết lệnh cấm mang thiết bị điện tử của Washington không liên quan tới nỗ lực cấm du khách từ 6 nước đông người Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một quan chức Washington tiết lộ với đài CNN rằng thông tin mới nhận được trong những tuần gần đây cho thấy một chi nhánh của Al-Qaeda đang sử dụng kỹ thuật giấu vật liệu nổ bên trong ổ đựng pin của các thiết bị điện tử.

Trong một sự cố đáng chú ý hồi năm ngoái, thành viên của phong trào Al-Shabaab từng đem một chiếc máy tính xách tay chứa đầy thuốc nổ lên máy bay cất cánh từ thủ đô Mogadishu – Somalia. Vụ nổ rất nhỏ nhưng đã làm khoang hành khách thủng một lỗ.

Các chuyên gia cho biết nếu lúc đó máy bay đang bay ở độ cao hơn, một vụ nổ nhỏ trong khoang hành khách sẽ trở thành một vụ nổ lớn do áp lực bên trong khiến máy bay bị rơi.

Phạm Nghĩa (Theo Independent)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/theo-sau-my-anh-cam-mang-thiet-bi-dien-tu-len-may-bay-20170322095343448.htm