Vì sao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ không thể là đối tác?

Dù là đồng minh trong khối NATO, quan hệ song phương giữa Washington - Ankara vẫn vô cùng căng thẳng. Nguyên nhân là do Mỹ không tôn trọng những vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi là 'giới hạn đỏ'.

Chia sẻ với Sputnik, chuyên gia Ahmet Gencehan Babis tại Trung tâm Phân tích chiến lược và Các mối quan hệ quốc tế TURKSAM nhận định: "Mỹ nên tôn trọng những vấn đề nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không, hai nước sẽ chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực trong mối quan hệ song phương. Thật khó để có thể cải thiện quan hệ giữa hai nước nếu như Mỹ không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố".

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đã không tôn trọng những vấn đề mà quốc gia này coi là "giới hạn đỏ".

Cũng theo ông Babis, "Mỹ đang bao che cho một số tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Vấn đề này lâu nay cũng đã tạo ra những rào cản trong quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước suốt một thời gian dài. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện nay giữa Mỹ - Thổ chính là việc dẫn độ nhà thuyết giáo đạo Hồi Fethullah Gulen (FETO). Về phần mình, Mỹ không có bất cứ tuyên bố hay động thái nào cho thấy sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này".

Ngoài ra, Mỹ còn từ chối điều động một số chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ để huấn luyện cho các phi công nước này sử dụng chiến đấu cơ F-16. Theo ông Babis, Washington vẫn khăng khăng cho rằng, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ phải tới Mỹ để tham gia chương trình huấn luyện nhưng lại chống lưng cho các tổ chức khủng bố hoạt động gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Babis, hành động của Mỹ không hề phù hợp với mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có hành động đáp trả Mỹ. Thậm chí, ông Babis còn cảnh báo "nếu Mỹ không thay đổi quan điểm, quan hệ giữa Mỹ - Thổ sẽ càng bị xói mòn".

Tuy nhiên, với tư cách là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể dễ dàng rút lui khỏi liên minh quân sự này. "Điều đó có nghĩa là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cần có những hành động thận trọng hơn với nhau", ông Babis kết luận.

Trước đó, trong phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 6/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã được mô tả là một "đồng minh của Mỹ trong khối NATO nhưng không phải là đối tác".

Các quan chức Mỹ cũng khẳng định, kế hoạch mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ "đã đi ngược lại với lợi ích của các đồng minh trong khối NATO".

Theo Sputnik, hồi tháng 7/2016, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã đập tan một âm mưu đảo chính tại quốc gia này. Khoảng 250 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Fethullah Gulen, một nhà thuyết giáo đạo Hồi sống lưu vong tại Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính trên và yêu cầu Washington dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu của Ankara.

Ngoài ra, Mỹ còn bị cáo buộc chống lưng cho Đảng Lao động người Kurd (PKK). Đây là lực lượng thường xuyên giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984. Mục tiêu ban đầu của PKK là thành lập một nhà nước độc lập do người Kurd lãnh đạo nhưng sau đó PKK đã thay đổi quan điểm và đòi quyền bình đẳng cũng như xây dựng một khu tự trị người Kurd ngay trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-my-tho-nhi-ky-khong-the-la-doi-tac-post236561.info