Vì sao Nga, TQ bất ngờ cùng Mỹ giáng đòn trí mạng vào Triều Tiên?

Nga và Trung Quốc vừa gây bất ngờ lớn khi ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới mạnh chưa từng có của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên, trái với những tuyên bố phản đối gay gắt trước đó của họ. Vì sao 2 nước này lại "quay ngoắt" thái độ như vậy?

Trái với những tuyên bố ban đầu, Nga và Trung Quốc cuối cùng đã nhất trí ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc do Mỹ đề xuất nhắm vào Triều Tiên.

Sáng sớm 12.9 theo giờ Hà Nội, toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc bao gồm Nga, và Trung Quốc - 2 đồng minh chính của Triều Tiên đã nhất trí thông qua nghị quyết mới nhằm tăng cường các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ 6 hôm 3.9 của nước này.

Sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với nghị quyết trừng phạt mới gây bất ngờ lớn bởi trước đó 2 nước này vẫn thể hiện sự phản đối gay gắn đối với bản dự thảo nghị quyết được Mỹ trình lên này. Nga vốn có mối quan hệ thân thiết với Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất cũng là nhà viện trợ lớn nhất của Triều Tiên.

Ngay trước khi Liên Hợp Quốc (LHQ) tiến hành bỏ phiếu vào ngày 11.9, cả Nga và Trung Quốc vẫn có một loạt phát biểu cho rằng, việc theo đuổi con đường trừng phạt, gây sức ép với Triều Tiên là vô ích. Moscow và Bắc Kinh đều nhấn mạnh rằng, con đường đối thoại, đàm phán là biện pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng Triều Tiên..

Các nguồn tin ngoại giao còn tiết lộ, Bắc Kinh và Moscow từng phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt được Mỹ đề xuất, ngoại trừ lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may tại một cuộc họp giữa các đại diện của 15 nước thành viên HĐBA.

Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lên tiếng cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

"Vấn đề Triều Tiên rõ ràng không thể giải quyết chỉ bằng cách áp dụng những chế tài trừng phạt. Chúng ta không nên để cảm xúc lấn át và dồn Triều Tiên vào đường cùng”, Tổng thống Putin nhấn mạnh trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6.9.

Trong khí đó, các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng những lệnh cấm vận hà khắc sẽ châm ngòi một sự bất ổn lớn tại nước láng giềng.Ngoài ra, cả Moscow và Bắc Kinh đều tỏ ra phản đối việc Mỹ tăng cường sức ép lên Triều Tiên bằng việc cấm bán dầu mỏ và khí đốt cho Bình Nhưỡng bởi hai nước trên tin rằng, những biện pháp như vậy có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

"Nga cũng lên án Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng việc cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến nhưng người dân Triều Tiên hiện đang nằm viện và các công dân bình thường khác", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Lý do sâu xa khiến cả Nga và Trung Quốc phản đối biện pháp cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên là vì họ đều lo sợ viễn cảnh một Triều Tiên bất ổn, khó lường ở ngay trước cửa nhà.

Biểu quyết nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày 11.9 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York. Ảnh Reuters

Triều Tiên có tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc khi đóng vai trò là vùng đệm an toàn cho nước này. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc bởi điều đó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này.

Đáng lo ngại hơn, việc chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ sẽ tràn tới bán đảo Triều Tiên và đóng quân ngay sát ngưỡng cửa của Trung Quốc.

Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt. Vì thế, dù không hài lòng với chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc vẫn hành động rất thận trọng dù phải đối mặt với sức ép ngày càng mạnh từ Mỹ và phương Tây đòi họ phải dùng ảnh hưởng của mình để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Do đó, sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với nghị quyết trừng phạt mới cho thấy, các bên đều đã có sự nhượng bộ nhất định. Trước khi đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, Mỹ đã có 4 ngày đàm phán căng thẳng với Nga và Trung Quốc. Đặc biệt là cuộc thương lượng với Trung Quốc đã kéo dài đến tận đêm 10.9.

Rõ ràng, để đổi lấy cái gật đầu của Trung Quốc, Mỹ đã chấp nhận sửa dự thảo trừng phạt Triều Tiên ngay trước giờ G. Cụ thể, Mỹ lược bớt nhiều điều khoản trừng phạt Triều Tiên trong bản dự thảo nghị quyết trình HĐBA, theo đó, gói trừng phạt mới đã được giảm nhẹ đi rất nhiều.

Thay vì cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên, biện pháp trừng phạt đã được giảm xuống là hạn chế nguồn cung cấp.

Ngoài ra, so với bản dự thảo, nghị quyết được thông qua cũng bỏ yêu cầu chấm dứt hoàn toàn việc thanh toán cho lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài. Thay vào đó, nghị quyết yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên Liên hợp quốc số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng.

Nghị quyết mới cũng loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, nghị quyết áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của ủy ban này. Đây là cơ quan được cho là chỉ đạo các ngành quốc phòng của Triều Tiên.

Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này chỉ là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên. Năm ngoái, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng.

Đáng chú ý, nghị quyết mới kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên.

Phát biểu sau khi nghị quyết trừng phạt được thông qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc tiết lộ rằng, “mối quan hệ mạnh mẽ” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy việc thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vi-sao-nga-tq-bat-ngo-cung-my-giang-don-tri-mang-vao-trieu-tien-804131.html