Vì sao nghề rèn của người Mông cần được gìn giữ cho các thế hệ sau?

Nghề rèn đã đi cùng sự phát triển của người Mông suốt nhiều đời nay. Bảo tồn nghề rèn cũng chính là gìn giữ khối kiến thức lớn của dân tộc này về chất liệu và cái tài hoa trong kỹ thuật rèn, nung...

Mấy viên gạch xếp thành lò, một chiếc quạt máy thổi lửa, một chiếc máy mài nhằm tiết kiệm thời gian. Đó là cách mà người Mông ở Điện Biên ngày nay rèn một con dao. Chiếc quạt thay cho cái bễ gỗ thổi lửa thô sơ, máy mài rút gọn thời gian làm thủ công của người thợ.

Nghề rèn của người Mông đã tồn tại nhiều đời nay, làm ra những nông cụ và đồ dùng chất lượng, như con dao này. Làm rẫy, đi rừng… gần như không có việc gì mà người Mông không dùng đến dao.

Khi xưa người Mông rèn dao còn có thể đem ra chợ bán, nhưng ngày nay, nhiều dụng cụ hiện đại đã được tung ra thị trường với giá bán rẻ hơn. Vì thế những nghề thủ công thế này dần mai một.

Tuy vậy dao người Mông vẫn nổi bật về chất lượng và độ bền. Dẫu có là dụng cụ thô sơ hay hiện đại, yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm nằm ở người thợ.

Giống như nghề rèn nhiều nơi khác, người Mông ưu tiên dùng thép từ nhíp ôtô nhờ độ đàn hồi và độ bền cao. Việc chọn chất liệu rất quan trọng, quyết định chất lượng cuối cùng của sản phẩm. Sắt già hay sắt cứng thì tôi bằng thân cây chuối hoặc dầu ăn, sắt non hay sắt mềm hơn thì sẽ tôi bằng nước, có thể thêm chút muối, nếu không đảm bảo thì dao dễ bị gãy, mẻ… Ngoài ra người thợ lành nghề còn phải kiểm soát được than, lửa.

Là nghề rèn thứ hai tại Việt Nam được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, nghề rèn người Mông mang theo bản sắc của một dân tộc, chứa đựng một lượng lớn kinh nghiệm và tri thức nhiều đời, vì vậy rất cần được lưu giữ để truyền lại cho các thế hệ sau./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nghe-ren-cua-nguoi-mong-can-duoc-gin-giu-cho-cac-the-he-sau-post948034.vnp