Vì sao nhiều học sinh bỏ chọn thi môn Lịch sử?

(PL&XH) - Mới đây, Bộ GD&ĐT quyết định đổi mới phương án thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn đã vấp phải nhiều nghịch lý, khi hầu hết học sinh các trường không lựa chọn môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp THPT.

Riêng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) không có học sinh đăng ký thi môn Lịch sử.

Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (ảnh) - nơi công bố tỷ lệ học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn đầu tiên cả nước: Vật lý 75,6%, Tiếng Anh 56,3%, Hóa học 50%, Địa lý 11,4%, Sinh học 5,3% và Lịch sử 0%.

Ảnh minh họa

Lý giải về việc học sinh không chú trọng đến việc học và thi môn Lịch sử , ông Văn Như Cương cho biết: “Thi tự luận môn Lịch sử sẽ rất khó cho các em trong khi thời gian làm bài thi ngắn 90 phút so với kiến thức lịch sử. Theo đề thi các năm trước khi môn Lịch sử còn là môn thi bắt buộc thì điểm dưới trung bình rất cao. Vì vậy, đứng về mặt tổng thể việc bỏ chọn môn Lịch sử là thường tình, vẫn đúng với phương án thi của Bộ GD&ĐT”. Tuy nhiên, ông Văn Như Cương quan ngại rằng, nếu phương án thi này còn áp dụng trong những năm tiếp theo thì ngay từ lớp 10, học sinh có thế mạnh học môn khoa học tự nhiên sẽ định hướng học môn Vật lý, Hóa học mà lơ là các môn không phải thi tốt nghiệp, đặc biệt là môn Lịch sử được cho là khó “nhằn” và nhiều điểm “liệt”.

Ông Văn Như Cương cho hay, hiện nay việc dạy và học Lịch sử có nhiều bất cập, cần phải sửa đổi như: “Khi Bộ GD&ĐT giao cho học sinh có quyền lựa chọn 2 môn thi, học sinh sẽ lựa chọn môn thi có cơ hội đạt điểm cao nhất. Việc các em học sinh hướng thi vào trường ĐH nào thì định hướng học môn học đấy. Trường tôi định hướng khối A (Toán, Lý, Hóa) và khối D (Toán, Văn, Anh)”.

Đồng tình với quan điểm của ông Văn Như Cương, cô Nguyễn Phương, giáo viên trường THPT Trần Phú, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Đã gần 10 năm dạy môn Lịch sử, khả năng tiếp thu của học sinh về môn học này không tốt. Do sách giáo khoa hiện nay còn nặng về kiến thức, chưa chú trọng nhiều đến hình ảnh, việc dạy và học còn khô khan. Tại trường cũng chỉ có những em định hướng thi khối C (Văn, Sử, Địa) là tập trung học môn Lịch sử, còn nhiều em khác bỏ chọn ngay từ đầu”.

Cô Nguyễn Phương bày tỏ quan điểm: “Chúng ta đã bàn nhiều về bộ môn Lịch sử nhưng thử nhìn lại nội dung chương trình Lịch sử ở bậc phổ thông còn nhiều nghịch lý. Điều quan trọng, chính “người lớn” đã đặt quan điểm của mình vào giới trẻ như thế nào? Vì vậy, cần thay đổi lại nội dung chương trình Lịch sử theo hướng cô đọng, khái quát, có tranh ảnh lịch sử và phải được in màu để gây hứng thú cho học sinh. Hơn nữa, cách dạy Lịch sử cũng cần gợi cho tư duy cho học sinh tránh nhồi nhét, học thuộc. Nếu thi Lịch sử theo phương thức trắc nghiệm sẽ tạo hứng thú cho học sinh quan tâm đến môn này nhiều hơn”.

Thầy Văn Như Cương cũng kì vọng rất lớn vào sự thay đổi của Đề án đổi mới toàn diện SGK năm 2015 của Bộ GD&ĐT cho cấp học phổ thông, sẽ tạo được bước chuyển căn bản cho ngành giáo dục hiện nay, đặc biệt là môn Lịch sử.

Nếu theo như phương án tuyển sinh này của Bộ GD&ĐT thì tình trạng các học sinh không học môn Lịch sử ngay từ lớp 10 sẽ diễn ra. Do đó, “lỗ hổng” kiến thức Lịch sử cho thế hệ tương lai là nguy cơ hiển hiện?!

Việc học sinh bỏ chọn môn thi Lịch sử là một thực trạng báo động cho ngành giáo dục, kể từ khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi trong đó 2 môn bắt buộc (Toán, Văn) và 6 môn thi tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, Địa lý, Lịch sử) nhằm giảm gánh nặng cho các em học sinh. Đổi mới phương thức thi tốt nghiệp ngoài những ưu điểm đem lại thì còn tồn tại nhiều nghịch lý, khi môn Lịch sử không còn được học sinh lựa chọn.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140305103449243p1001c1051/vi-sao-nhieu-hoc-sinh-bo-chon-thi-mon-lich-su.htm