Vì sao nhiều 'quan' tự cho mình 'đặc quyền' khi tham gia giao thông?

Vì sao nhiều người có chức quyền tự cho mình "đặc quyền" khi tham gia giao thông? Vì sao khi xảy ra va chạm dù rất nhỏ, nhiều người sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực?

Chuyên gia Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh

Báo Giao thông trò chuyện với chuyên gia Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng ban Truyền thông và phổ biến kiến thức, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) nhằm phần nào lý giải câu chuyện này.

Cần phải có sự kiềm chế

Vừa qua xảy ra khá nhiều vụ việc trong lĩnh vực giao thông mà người liên quan là những người có chức quyền, địa vị trong xã hội. Điều đáng nói là cách hành xử của họ khiến dư luận rất thất vọng. Theo ông, nên lý giải điều này thế nào?

Tôi thấy không chỉ có những vụ gần đây mà nếu thống kê trong khoảng vài năm qua thì sẽ thấy hiện tượng này khá phổ biến, rõ nhất là nhiều tình huống mà báo chí cũng như mạng xã hội đã đăng tải về hoạt động của các tổ công tác đặc biệt 141 của Công an TP Hà Nội.

Điểm chung nhất trong các sự việc là có thể thấy sự thiếu kiềm chế của người vi phạm giao thông. Lẽ ra họ đã có thể kiềm chế, ứng xử một cách văn hóa, thay vì nổi khùng và hành xử không đúng mực, coi thường luật pháp. Thậm chí trong số này không ít người có chức quyền, có địa vị xã hội, đáng ra phải gương mẫu chấp hành, họ lại thể hiện quyền lực, lạm dụng quyền lực một cách thái quá. Điều đó gây phản cảm, thậm chí làm phẫn nộ dư luận.

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử cho công chức khi tham gia giao thông, trong đó quy định rõ những chế tài đủ nghiêm khắc để răn đe. Bởi công chức, đảng viên là những người am hiểu pháp luật hơn ai hết nên càng cần phải gương mẫu thực hiện, không thể cứ vi phạm rồi gọi điện nhờ can thiệp, hoặc lấy chức quyền, địa vị ra để gây áp lực đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Việc này không những khiến việc xử lý trong thực tế có những bất công, mà còn khiến người dân mất niềm tin vào lực lượng thực thi công vụ. Bởi thế, khi xây dựng được một bộ quy tắc, bất cứ ai vi phạm đều bị đưa lên báo chí, bị cơ quan kỷ luật nặng thì tôi nghĩ tình hình sẽ được cải thiện nhiều.

Đã có nhà nghiên cứu viết cả cuốn sách về thói hư tật xấu của người Việt. Theo ông, việc lâu nay ra đường, nhiều người có chức quyền, có địa vị xã hội nghiễm nhiên coi mình có đặc quyền so với những người tham gia giao thông khác phản ánh điều gì? Phải chăng đó cũng là một thói hư tật xấu?

Đúng là ở ta xưa nay vẫn có những quan niệm, tâm lý là những người có chức vụ, quyền hành thì luôn có quyền làm tất cả mọi thứ, ít nhất là ở trong một cơ quan, tổ chức.

Thế nhưng khi ra đường, giao tiếp với xã hội, không ít người vẫn ngộ nhận mình có thể dùng quyền lực đó để áp đặt trong mọi trường hợp, mọi đối tượng, nói cách khác họ coi mình là đối tượng được ưu tiên. Vậy nên mới có chuyện ông A, bà B khi vi phạm giao thông bị cảnh sát tuýt còi thì sửng cồ, nạt nộ, đe dọa này kia..., mới có chuyện cấp dưới không dám xử lý cấp trên, người quen của cấp trên. Đó cũng chính là một loại thói hư tật xấu. Bởi thế, mỗi lần những sự việc như vậy được đưa lên báo chí hoặc mạng xã hội, dư luận đều rất bức xúc. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Việc những người am hiểu pháp luật hơn dân chúng nhưng lại hành xử như vậy khiến bất cứ ai cũng đều thất vọng.

Có thực tế là trong nhiều vụ va chạm giao thông, dù rất nhỏ nhưng nhiều người sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực. Đây có phải là một dạng thói hư tật xấu và nó có liên quan gì tới vấn đề giáo dục, văn hóa ứng xử?

Theo lẽ thường, người ta sử dụng bạo lực khi đuối lý lẽ, tức là về mặt tâm lý, vì tranh chấp về mặt lý lẽ không được nên dẫn tới bạo lực. Điều này có thể lý giải là rất nhiều người đã thiếu sự kiềm chế, nóng nảy, song cũng có thể lý giải ở góc độ khác là luật pháp ở ta, dù các quy định không thiếu nhưng việc phân định đúng - sai không phải lúc nào cũng đơn giản. Chẳng hạn như gần đây xảy ra việc hai thanh niên ở Hà Nội nhảy vào đánh một người nước ngoài sau khi xảy ra va chạm nhỏ. Tôi tin những người nước ngoài đến Việt Nam sẽ lấy làm kinh ngạc vì CSGT đứng đầy ngoài đường mà không thể giải quyết được những tranh chấp đó. Ở nước ngoài, chuyện đánh nhau khi xảy ra va chạm giao thông là rất hiếm.

Mặt khác, có những trường hợp khi CSGT xuất hiện lại để cho hai bên hòa giải mà không đưa ra được phán xử ai đúng, ai sai, chế tài thế nào, dẫn đến người dân cứ thế hành xử một cách tùy tiện. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì rất khó ngăn chặn hành vi bạo lực, bởi nhiều người vẫn sẽ coi đó là cách giải quyết mâu thuẫn nhanh nhất.

Mặc dù đỗ xe sai nhưng Phó chủ tịch quận Thanh Xuân và nhân viên vẫn lớn tiếng gây bức xúc dư luận khi bị người dân nhắc nhơẢ̉nh cắt từ clip

Không nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc xử phạt

Nói đi cũng phải nói lại, ông có cho rằng việc lực lượng thực thi công vụ do nể nang, bỏ qua nhiều vụ việc, nhất là đối với những người có chức vụ, có quan hệ... khiến người dân mất niềm tin vào cách giải quyết của họ?

Trên thực tế, tôi có một quan điểm hơi trái một chút, chuyện CSGT “bỏ qua” cũng không hoàn toàn là điều gì đó đáng phải lên án. Tôi đang nghĩ một khía cạnh tích cực hơn vì sao trên bất kỳ một con đường nào hiện nay của chúng ta cũng đều có rất nhiều lực lượng CSGT? CSGT có cần thiết phải xuất hiện dày đặc như vậy hay không, trong khi hầu hết họ xuất hiện chỉ để xử phạt là chính, điều này thì mọi người đều thấy rõ. Vì thế, những nhà nghiên cứu xã hội học như chúng tôi đặt ra câu hỏi, giải pháp xử phạt như vậy có tốt không, có phải xử phạt thật nặng mọi người mới sợ hay không? Nếu thống kê lại thì một ngày chúng ta thu về ngân sách cho Nhà nước bao nhiêu tiền, và những người bị xử phạt có tái phạm hay họ chỉ vi phạm một lần rồi không bao giờ dám nữa?

"Muốn xã hội thượng tôn pháp luật thì trước hết phải chuẩn hóa lại các quy định của luật, phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế, đảm bảo có thể xử lý được mọi tình huống. Những người thực thi pháp luật phải nghiêm túc chấp hành trước để nêu gương và để người dân tin vào luật. Cùng với việc tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật thì phải xác định mục tiêu, hiệu quả thực sự của giáo dục pháp luật để chuẩn mực pháp luật trở thành chuẩn mực văn hóa ứng xử giữa các nhóm trong xã hội”.

Tiến sĩ Xã hội học
Đặng Vũ Cảnh Linh

Theo tôi, chúng ta không nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc xử phạt. Có những lỗi nhẹ mà CSGT lịch sự chào, nhắc nhở rồi để người vi phạm tiếp tục lưu thông, tôi nghĩ tính giáo dục, tuyên truyền sẽ cao hơn nhiều, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Trên thực tế, tôi đi công tác tại Đà Nẵng và chứng kiến, rất nhiều lần CSGT chỉ nhắc nhở mà không xử phạt. Khi thấy nhiều người ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn, họ gọi xuống hỏi: “Tại sao đoàn anh không đeo dây bảo hiểm, các anh từ xa đến nên không biết, tuyến đường này là đường cấm, anh phải đi đường khác”. Tôi cho đây là cách làm mang tính giáo dục rất cao và rất ý nghĩa.

Chúng ta đang hướng đến xây dựng một Nhà nước pháp quyền mà tính thượng tôn pháp luật phải là trên hết. Nhưng trong những trường hợp nhất định, cần cân nhắc để thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo. Đương nhiên, linh hoạt hay mềm dẻo không phải đối với quan chức, người có địa vị mà linh hoạt là linh hoạt, mềm dẻo để làm sao người dân ý thức hơn được việc tuân thủ pháp luật mỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tại cuộc làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam giữa tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Nhật Bản xe ô tô nhiều nhưng tai nạn rất ít, tất cả là do giáo dục mà ra”. Ông nghĩ gì về ý kiến này của Thủ tướng? Cách hành xử của nhiều người tham gia giao thông hiện nay có phải bắt nguồn từ giáo dục mà ra?

Tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng. Tuy nhiên, cái nghĩa giáo dục ở đây chúng ta nên hiểu một cách rộng mở hơn. Giáo dục xuất phát từ chuẩn mực, khi nói về giao thông thì đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Nhưng tại sao vấn đề giao thông ở nhiều nước nó không quá gay gắt như ở ta, từ những vụ va chạm đến ứng xử giao thông, chúng ta có thể tìm thấy hàng nghìn clip chứng minh điều đó?

Chuẩn mực ở đây không có nghĩa chỉ là chuẩn mực của riêng những người tham giao giao thông, mà nó còn đòi hỏi từ việc xây dựng hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng giao thông cũng như bản thân những người thực thi công vụ trong lĩnh vực giao thông. Liệu các quy định của pháp luật đã đầy đủ, phù hợp hay chưa? Các quy định đó có gây phiền hà gì cho người dân, doanh nghiệp không? Quy định của luật đã thật sự tạo ra những chuẩn mực trong hành vi ứng xử của cả cộng đồng hay chưa? Lực lượng thực thi công vụ đã thật sự thương tôn pháp luật hay chưa? Nếu câu trả lời là “rồi”, chắc chắn CSGT chỉ cần dán giấy phạt lên kính xe, người vi phạm sẽ tự giác chấp hành nộp phạt chứ không phải như tình hình đang diễn ra như hiện nay!

Cảm ơn ông!

Văn Huế (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vi-sao-nhieu-quan-tu-cho-minh-dac-quyen-khi-tham-gia-giao-thong-d217999.html